Tùng “Tabalo”: Còn đi là còn sống

16/09/2012 07:32 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH Cuối tuần) - Tùng “Tabalo” từ lâu đã nổi danh trên khắp các diễn đàn du lịch. Anh là một trong những người lập nên nhóm Taybacgroup, chuyên đi du lịch bằng xe cào cào. Là một người bận rộn, nhưng không vì thế mà từ bỏ đam mê, Tùng “Tabalo” vẫn luôn là một trong những thành viên tích cực nhất bởi sự chia sẻ chân thành những hiểu biết của mình trong những chuyến khám phá hấp dẫn.

>> Chuyên đề: Du lịch khắp thế giới

Đơn giản, tôi là người thích đi

Từ những năm 2000, Phạm Vũ Tùng lấy nick là “Tabalo”. Cái nickname này gợi nhớ tới dân du lịch nước ngoài bụi phủi với những chiếc ba-lô nặng trĩu trên vai. Còn anh đơn giản nghĩ rằng chuyện đi là một đam mê, là sở thích, vậy đã có Tây ba-lô, sao không thể có Tabalo? Cái tên Tùng “Tabalo” vừa xuất hiện đã nổi tiếng trên những diễn đàn du lịch bởi những ghi chép về các chuyến đi hấp dẫn và là một trong những người lập ra nhóm Taybacgroup.

Với Tùng, đi, là để học. Học từ những điều giản dị xung quanh mình cho đến những điều lớn lao có thể làm thay đổi một định hướng. Học những điều mà ở nhà có đọc sách cũng không nhìn hay cảm nhận được hết. Anh không quá nề hà về cách đi, kiểu gì cũng được, tùy theo địa điểm và… cảm hứng.

Chuyến đi chỉ có hai người Nepal

Khi từ “phượt” ra đời, và sau đó là diễn đàn phượt, có nhiều người thích, và nhiều người không thích với các thái độ, mục đích khác nhau. Tùng Tabalo cho rằng: “Phượt là một từ hay, vừa tượng thanh lại có cả tượng hình. Nó vừa tĩnh, nhưng cũng khá động. Khi những người đầu tiên “phát kiến” ra từ này, họ lồng khá nhiều cảm xúc và tình cảm của những chuyến đi hơi phiêu lưu, không xác định rõ ràng, tùy hứng và trọng cảm xúc hơn là tính tổ chức. Cùng với thời gian, bản chất của từ này đã dần dần biến đổi. Đáng tiếc, bây giờ rất ít người thật sự hiểu được cái chất phiêu phiêu ấy, hầu như chỉ dùng vì nó là lạ và thay cho từ “du lịch” mà họ cho là nhàm. Thật ra, từ “du lịch” đúng nghĩa sẽ có nhiều chất văn hóa hơn là phượt”.

Tùng bảo trước đây không thật sự thích từ phượt bởi những chuyến đi và cảm xúc quan trọng hơn việc phải gọi nó bằng cái gì. Bây giờ từ phượt đã có hiệu ứng lan truyền nhanh, trở thành điểm chung của nhiều người nhưng Tùng vẫn không tự gọi mình là dân “phượt” vì đơn giản: “Tôi chỉ là một người thích du lịch khám phá.”

“Bình bịch” trên nóc nhà thế giới

“Tabalo” thích đi theo đội, theo nhóm, nhất là với đội cào cào của mình. Làm sao quên được những ngày lang thang bằng cào cào trên đất Mông Cổ, nơi mà việc lạc đường là điều dễ xảy ra bởi những đại lộ Mông Cổ rộng tới chục cây số. Cách duy nhất là phải dựa vào bản đồ và GPS, bản đồ hành chính, bản đồ địa hình tỷ lệ 1 triệu. Trên những thảo nguyên vắng lặng mênh mông, hết cánh đồng này lại đến cánh đồng nọ, những thung lũng bao la, những dãy núi sừng sững, những cánh rừng taiga, những con sông cạn nước… bên cạnh một thực tế là việc tìm đường rất khó khăn còn có một sự hoài niệm mênh mông.

Cào cào và lạc đà ở Mông Cổ

Ngoài những chuyến đi với đồng đội, Tùng “Tabalo” còn có những chuyến đi với một người bạn đặc biệt, đó là người bạn đời của mình. Chị vốn là nhà báo Thu Thủy (Phó ban Thể thao, Giải trí và Thông tin kinh tế, phụ trách chỉ đạo sản xuất một số chương trình như: Hãy chọn giá đúng, Ô cửa bí mật, Đối mặt, Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng, MC của chương trình Ở nhà Chủ nhật - VTV3 - hiện đang học tập tại Úc). Theo Tùng, khi chuyến đi chỉ có hai người sẽ có không gian riêng, ngoài sự chia sẻ, đồng cảm và cộng hưởng, còn có sự tập trung hơn. Khi được chia sẻ những niềm vui với người thân yêu, đó là lúc vượt qua tất cả những khó khăn vất vả của cuộc sống hàng ngày để có những phút bên nhau. Tuy đôi lúc vợ chồng đằng đẵng trên đường cũng không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Hai vợ chồng đã đồng hành nhiều nơi, ngoài những chuyến đi trong nước còn có Lào, Nepal, Úc, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Myanmar…

Đôi “Tabalo” này là một trong những người đầu tiên của Việt Nam lang thang khắp Nepal bằng con xe cào cào mà Tùng thường đùa là “bình bịch”. Đây là chuyến đi nhớ đời trên con xe Pulsa 220cc của Ấn Độ với giá 12 USD/ngày (thuê 10 ngày) tại một cửa hàng ở Kathmandu, Nepal. Chưa hết, họ còn “chơi sang”, chọn máy bay làm phương tiện ngắm đỉnh Everest. Thực ra, nói đến Everest người ta nghĩ đến những đoàn người treking với đầy đủ các dụng cụ phương tiện, và lòng quyết tâm chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, cho dù có trả giá bằng… sinh mạng. Thế nhưng nếu không có thời gian, tiền bạc, hay sức khỏe để leo Everest, hãy chinh phục đỉnh núi bằng… air trekking, cho dù khi hạ cánh, bạn sẽ cảm thấy mình vô cùng may mắn, còn nếu không may, thì cái máy bay kia có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào, chuyện xảy ra khá bình thường ở đây!

Sau mỗi chuyến đi xa, lại được nhìn thấy cánh cửa nhà mình, thấy gia đình và người thương yêu, ồ, đây mới là cuộc sống thật sự. Còn chuyến đi, nó là một khoảnh khắc thăng hoa, chỉ thế thôi.

Mỗi nơi một vẻ, nơi nào cũng khó quên, nhưng cuộc sống hàng ngày rồi kế hoạch cho những chuyến đi mới lại che lấp các kỷ niệm cũ. Chỉ chắc chắn nó không mất đi mà được tích tụ thành bè trầm tích của cuộc sống, làm cho cuộc sống hạnh phúc và bền chặt hơn.

Bài học trên đường đi

Tùng “Tabalo” nhớ tới một gia đình Thụy Sĩ tình cờ gặp trên đường phượt ở Mông Cổ. Đội xe máy của Taybacgroup đi ngược chiều với một gia đình gồm bố mẹ và cậu con trai. Gia đình này mua một chiếc xe tải quân sự, “chế” thành một chiếc “motor home” như một căn nhà di động. Họ đang đi vòng quanh thế giới trong vòng 2 năm. “Tabalo” chợt nhớ đến cậu con trai cùng tuổi đang học ở nhà, liền hỏi mẹ cậu bé: “Vậy con trai chị không đi học hay sao?”. Người mẹ xinh đẹp tươi cười hớn hở: “Thế anh nghĩ rằng cháu đi như thế này không phải là đi học hay sao?”.

Một chuyến đi thường có nhiều giai đoạn với các cảm xúc khác nhau. Trước khi đi thì lo lắng đủ mọi chuyện liên quan và không liên quan đến chuyến đi. Bắt đầu đi thì đan xen nhiều cảm xúc, có lúc sung sướng, cảm giác hòa mình vào chuyến đi hoặc thiên nhiên tràn trề, có lúc lo lắng, sợ hãi khi gặp những khó khăn, vất vả, sự cố trên đường. Và hạnh phúc khi trở về nhà, đem lại cho người thân cảm giác hạnh phúc vì mình đã về.


Taybacgroup tại Mông Cổ

Một mặt mạnh ở “Tabalo” đó là do anh hay sử dụng phương tiện di chuyển bằng xe máy. “Tabalo” đã lang thang bằng xe máy tại Mông Cổ, Nepal, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia, chính vì thế mà anh có rất nhiều bài học bổ ích trong những chuyến du hành.

Kinh nghiệm thuê xe tại nước ngoài, theo “Tabalo”, nên chọn một loại xe được sử dụng phố biến ở nước đó, hoặc chọn loại xe của Nhật. Bằng lái xe nên chuẩn bị từ Việt Nam và đã dịch sang tiếng Anh có công chứng. Khi di chuyển nên thận trọng tuân theo luật giao thông và biển chỉ dẫn. Nhớ mang theo mũ bảo hiểm kèm theo bộ đồ bảo vệ như quần áo xe máy, bộ bảo hiểm đầu gối, khuỷu tay, và nếu có thể, nên mua bảo hiểm du lịch loại cao chứ không phải loại phổ thông. Tùy từng nước có giá tiền thuê xe máy khác nhau, ở Mông Cổ, thuê một chiếc xe máy còn đắt hơn 1 cái ô-tô, còn ở Mỹ, Úc, thuê ô-tô rất dễ và rẻ, nhưng thuê xe máy lại là cả vấn đề.


Cào cào tại Mông Cổ

Cuộc sống, bình yên và trải nghiệm

Là một người khá bận rộn với vị trí phó giám đốc một công ty thiết bị y tế, lại thêm việc giảng dạy về mảng quản trị doanh nghiệp của mình, Tùng thu xếp thế nào để có thời gian đi? Anh cho biết, điều này cũng không dễ dàng. Việc sắp xếp thời gian, công việc, gia đình phải là một sự uyển chuyển. Đương nhiên, mỗi thứ đều đòi hỏi ưu tiên. Nếu như công việc đòi hỏi phải tận tâm tận lực, sẽ phải hy sinh những thứ khác. Thế nhưng gia đình cũng là ưu tiên số 1. Còn đam mê? Nếu đã đam mê, thì làm gì có chỗ dành cho những thứ kia? Vậy phải nghĩ là mình sống phải có trách nhiệm. Trách nhiệm với công việc, gia đình, chính mình (đó là đam mê của mình). Cân bằng được ba thứ ấy, Tùng cho rằng sẽ có một cuộc sống bình yên và nhiều trải nghiệm.

Cũng có lúc bận bịu, nhìn mọi người đang bàn về chuyến đi của anh em, Tùng “Tabalo” cũng phát cuồng đấy nhưng may mà kiềm chế được, nên mới “thèm phát cuồng”, chứ không phải là… ”cuồng”. Sau mỗi chuyến đi xa, lại được nhìn thấy cánh cửa nhà mình, gia đình và người thương yêu, ồ, đây mới là cuộc sống thật sự. Còn chuyến đi, nó là một khoảnh khắc thăng hoa, chỉ thế thôi.

Bài: Codet; Ảnh: T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm