Tu bổ chùa Một Cột: 45 ngày nữa sẽ có... phương án 'chuẩn'!

16/05/2013 09:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Ban quản lý dự án trùng tu chùa Một Cột (Hà Nội), việc hoàn thành xây dựng hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia này sẽ được hoàn thiện trước thời điểm 1/7 tới đây. Trước đó, trong 3 năm kể từ 2010, việc chưa thống nhất phương án trùng tu ngôi chùa này đã gây bức xúc từ dư luận.

Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin, câu chuyện trên bắt đầu được xới lại từ đầu tháng 5 - khi sư trụ trì chùa Một Cột lên tiếng "dọa" sẽ tự hạ giải mái chùa để sửa chữa trước mùa mưa. Và cuộc tọa đàm diễn ra vào hôm qua 15/5 tại Hà Nội là lần thứ 5, UBND quận Ba Đình (đơn vị được ủy quyền quản lý di tích) tổ chức về vấn đề này.

1. Dự tọa đàm, sư Thích Tâm Kiên (trụ trì tại chùa) vẫn tiếp tục khẳng định rằng việc thoát nước tại chùa đang “có vấn đề” một cách nghiêm trọng. Như lời vị sư này, mỗi lần gặp mưa rào từ đầu Hè, nước lại ngập trong sân chùa Một Cột khoảng 40 phân và mất tới... 6 ngày mới thoát hết. Đặc biệt, do tình trạng ô nhiễm, các đóa sen trong ao Linh Chiểu (nơi đặt Liên Hoa đài) trong 2 năm qua đều hỏng trước mùa sen.

Ngược lại, theo khảo sát được Ban quản lý dự án đưa ra, sau tu sửa năm 2010, hệ thống thoát nước tại chùa vẫn hoạt động tương đối tốt. Tình trạng xuống cấp tại chùa chủ yếu nằm ở chỗ bậc lên xuống tại Liên Hoa đài bị sứt mẻ nhiều, cùng một số cấu kiện gỗ đã khá cũ kỹ. Thực chất, việc trùng tu chùa Một Cột nằm trong lộ trình nhằm khắc phục triệt để những khiếm khuyết phát sinh tại di tích trong suốt 50 năm qua, từ đó tạo ra giá trị văn hóa lâu dài và ổn định cho chùa.


Sư trụ trì Thích Tâm Kiên phát biểu tại hội thảo

Cụ thể, các khảo sát cho biết: sau khi bị người Pháp phá sập hẳn năm 1954, việc trùng tu chùa Một Cột tuy diễn ra nghiêm túc nhưng gặp nhiều khó khăn do điều kiện bấy giờ. Trụ của Liên Hoa đài được xây lại bằng xi măng. Trong quá trình sử dụng sau đó, các cột đèn được lắp thêm trong chùa một cách không hợp lý và hoen rỉ dần. Hệ thống cây xanh trong chùa khá tạp và tự phát, lộn xộn giữa các loại cây như đa, đại, bồ đề, sung, si, muỗm, cọ cau..

Ngoài ra một số hạng mục cũng được cơi nới, chỉnh sửa thêm theo nhu cầu sử dụng - mà việc nhà Mẫu và nhà Tăng đang phải dùng chung là ví dụ.

Trong lúc chưa thể trùng tu, theo lãnh đạo quận Ba Đình, toàn bộ số hàng nước, quầy lưu niệm và bán đồ lễ... tại sân chùa sẽ được khẩn trương dẹp bỏ để trả lại không gian văn hóa, tâm linh cần có của một di tích quốc gia.

Theo lời ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, dù vẫn còn khác biệt, nhưng cuộc hội thảo đã đạt sự đồng thuận lớn về 2 nguyên tắc khi trùng tu di tích chùa Một Cột: tu bổ trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng lịch sử đã có, và loại bỏ những yếu tố không liên quan, gây ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan của chùa.

2.  Trọng tâm của các tranh luận khi chọn phương án trùng tu chùa Một Cột nằm ở đề xuất bổ sung các hạng mục. Thực chất, từ năm 2011, BQL dự án cũng đã phân vân trước 2 phương án khác nhau: xây dựng mới nhà Tổ, nhà Tăng trên cơ sở không lấn át các kiến trúc gốc và xây một nhà 5 gian để “ghép” chung 2 hạng mục này. (Các kiến trúc gốc chỉ  được thay thế các cấu kiện gỗ không còn khả năng sử dụng, đảo lại ngói, đắp bờ nóc, bờ chảy... chứ không được phép xây lại).

Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra một văn bản, theo đó việc trùng tu ngôi chùa này phải tuyệt đối tuân thủ Luật Di sản văn hóa và không được phép xây thêm các công trình mới trong khuôn viên.

Bên cạnh những ý kiến tiếp tục khẳng định quan điểm trên, một số chuyên gia đã mạnh dạn đề xuất nên xem xét lại việc xây dựng các kiến trúc “phụ” tại chùa để tránh cảnh nhếch nhác, tạm bợ từng phát sinh trong những năm qua. Tất nhiên, các kiến trúc này cần được bố trí hết sức hợp lý, để không ảnh hưởng tới không gian chung.

Cụ thể, GS Trần Lâm Biền cho rằng nên xây một am hóa vàng nhỏ trong sân, để tránh cảnh khách hành hương đốt vàng mã một cách tự phát. Ngoài ra, nhà vệ sinh trong kiến trúc cũ cũng cần được bố trí, không thể nằm theo hướng gió Nam như hiện tại vì sợ gây... uế tạp cho chùa.

“Ngay việc xây nhà Tăng, nhà Tổ nếu thực hiện cũng cần tính lại. Phương án bây giờ đặt nhà Tăng ngay trước nhà Tổ. Nếu khách hành hương vào nhà Tổ lại gặp đúng lúc các sư đang nghỉ trưa thì sao?” -  GS Biền đặt câu hỏi.

Với phương án xây mới nhà Tổ, nhà Tăng, BQL sẽ xin ý kiến thẩm định của Sở VH,TT&DL và Cục Di sản văn hóa trước khi có phương án cuối cùng.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Không nên thay trụ xi măng bằng trụ đá 


Riêng với ý tưởng thay trụ Liên Hoa đài bằng trụ đá (hiện đang là trụ xi măng) của sư trụ trì, GS Biền ít nhiều tỏ ra không đồng tình. Theo lời ông, trong hơn 50 năm qua, hình ảnh ngôi chùa Một Cột hiện tại đã được sử dụng rất nhiều và in đậm trong suy nghĩ của mọi người như một biểu tượng của văn hóa Hà Nội. “Đó là chưa nói tới việc nếu xây cột bằng đá như sử liệu ghi lại thì thiết kế chùa cũng phải tuân thủ như thời Lý. Trên cột đá sẽ phải có một bông sen nghìn cánh, trên bông sen phải có tòa nhà màu đỏ, trong nhà phải có tượng Phật mình vàng”.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm