Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể chuyện Đại thắng mùa Xuân

30/04/2011 15:28 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Tôi chỉ là một chiến sĩ may mắn được tham gia ngay từ khi bắt đầu chiến dịch cho đến ngày đại thắng” - Giọng nói hào sảng, không giấu niềm tự hào, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng say sưa với những hồi ức chiến trường, khi là người chỉ huy Tiểu đoàn Tăng thiết giáp được chiến đấu từ chiến dịch Tây Nguyên, đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thế hệ của chúng tôi hôm nay đã cách thế hệ của ông đến quá nửa đời người. Những lần ngồi nghe ông kể chuyện đã để lại ấn tượng trong tôi về một vị tướng dễ gần. Sự gần gũi như cha chú đã xóa nhòa được khoảng cách của thế hệ “người xưa” và đám “hậu bối”. Khi nhắc tới những khoảnh khắc tàn khốc của chiến tranh, về đồng đội ngã xuống, người chiến binh già vẫn không cầm được nước mắt, hai dòng chảy dài xuống gò má xạm sương khói. 36 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí ông nó như vừa mới hôm qua.

Trong câu chuyện dài, tôi xin được mạn phép ghi lại hai trận đánh mang tính bước ngoặt có sự hiện diện của người chỉ huy Đại đội trưởng Đại đội 9 Đoàn Sinh Hưởng.

Kế hoạch “Nở hoa trong lòng địch” 

Chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng trận đánh thẳng vào mặt trận thị xã Buôn Mê Thuột nhằm cho địch bất ngờ. Nếu đúng theo kế hoạch tác chiến từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 của ta, Đại đội 9 được lệnh di chuyển đánh xuống thị xã Gia Nghĩa. Vì Buôn Mê Thuột là địa bàn trọng yếu của Tây Nguyên, địch tổ chức phòng thủ theo tầng tầng lớp lớp từ xa đến gần, quan trọng nhất là Sư bộ 23. Lúc này Đoàn Sinh Hưởng đang là Đại đội trưởng Đại đội 9 xe tăng thuộc Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Sư bộ 23. Đây là kiểu đánh “Nở hoa trong lòng địch”.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng

Trước trận đánh, nhiệm vụ trinh sát để tiếp cận mục tiêu, tìm hướng vào được thực hiện trong nhiều tháng trước đó. Địch bố trí hỏa lực mạnh với nhiều tầng nhiều lớp chốt chặn được canh gác ký 24/24h. Tuy nhiên, những chiến sĩ trinh sát của ta vẫn có thể tiếp cận vào sát được hàng rào mà địch không hề hay biết. Kể cả đêm 29 Tết, đêm giao thừa trinh sát vẫn xâm nhập nắm bắt tình hình địch.

Đúng giờ G, Đại đội 9 xe tăng được lệnh tấn công tiến đánh vào thị xã Buôn Mê Thuột. Trong địa bàn thị xã có nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có kho Mai Hắc Đế nằm trên hướng tấn công của Đại đội 9. Lúc này kho Mai Hắc Đế đã bị đặc công của ta tiến đánh nhưng bị địch phản công ghìm lại. Đến khi Đại đội 9 tiến vào đánh bật sự phản kháng của địch chiếm lại quyền kiểm soát kho Mai Hắc Đế đồng thời giải nguy cho lực lượng đặc công.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949 (quê gốc xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Năm 1966 khi tròn 17 tuổi, ông nhập ngũ vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3. Năm 1975 lúc mới 26 tuổi, đang mang quân hàm thiếu úy, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Những trận chiến đấu ở chiến dịch Tây Nguyên (3/1975) mà đặc biệt là trận đánh ở Buôn Mê Thuột đã làm nên tên tuổi của người lính “bộ đội cụ Hồ” - Đoàn Sinh Hưởng.

Ngay chiến thắng đầu tiên này Đại đội 9 phát triển đánh thẳng vào Sư bộ 23 thì bị lạc hướng. Do đường đi lối lại nhiều lại thêm mù mịt bom đạn trong sự chống trả của địch. Khoảng cách đó chỉ 1km mà thôi, nhưng khi quyết định quay lại thì sức chống cự của địch mạnh hơn do có sự tăng cường lực lượng với hỏa lực mạnh. Bộ Chỉ huy quyết định dùng đạn pháo, xe tăng tập trung tất cả hỏa lực chiếm lại vị trí chiếm đóng ban đầu. Khi Đại đội 9 cùng bộ binh Sư đoàn 10, đã chiếm lại được vị trí cũ, các trinh sát mình mới biết Sư bộ 23 của địch chỉ cách khoảng 1km. Trên đường tấn công vào Sư bộ 23, Đại đội 9 xe tăng đã đánh cháy 2 chiếc M113 và bắt sống tên đại tá Luật - Tỉnh phó tỉnh Đắk Lắk và gần 100 tên địch. Tiếp đó quân ta tiến đánh khu truyền tin, khu Bộ tham mưu, đánh thẳng vào cơ quan đầu não của địch Sư bộ 23. 11 giờ 30 ngày 11/3/1975 cắm cờ chiến thắng lên nóc chỉ huy ở Sư bộ 23.

Sau đó phát triển tiếp đánh xuống khu vực ngã 5. Tại đây gặp sự phòng ngự của địch khá mạnh vì lúc này địch có sự bổ sung của cả xe tăng, đạn pháo. Cầm cự suốt buổi sáng ngày 11/4/1975 Đại đội 9 cùng bộ binh tiêu diệt toàn bộ địch phòng ngự khu vực ngã 5 và sau đó Đại đội 9 tiếp tục tiến đánh xuống khu vực ngã 6, san phẳng sự kháng cự của địch tại khu vực này cùng các cánh quân khác giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Mê Thuột.

Trong trận đánh đó xe số hiệu 980 đã nhiều lần lập công xuất sắc, hiện nay mô hình chiếc xe chiến thắng mang số hiệu 980 đang được dựng làm biểu tượng chiến thắng ơ khu vực ngã 6 - TP Buôn Mê Thuột.

“Lấy xe tăng địch để đánh địch”

Do tác động của chiến thắng lớn ở thị xã Buôn Mê Thuột, nên địch ở Gia Lai, Kon Tum rút chạy theo đường 7 xuống Cheo Reo (Phú Bổn). Chúng hợp với lực lượng tàn bình về khu vực này hòng ngăn chặn lại sức tấn công của quân ta. Thời điểm này, Đại đội 9 của Đoàn Sinh Hưởng được tăng cường cho Sư đoàn 320 tiến đánh Cheo Reo. Địch rút chạy về đồng bằng, Đại đội 9 đánh đuổi địch trên đường 7. “Đây là cuộc tháo chạy bạc nhược của kẻ thù, đồng thời cũng là trận đánh lịch sử của QĐNDVN” - Trung tuớng Đoàn Sinh Hưởng nhấn mạnh.

Xe tăng ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Đại đội 9 sau khi giải phóng tỉnh Phú Yên được quay về tập kết ở Buôn Mê Thuột chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh đã bước sang giai đoạn cuối.

Từ Tây Ninh tiến về Sài Gòn chỉ có một con đường độc đạo, quân chủ lực của ta phải qua cứ điểm ở khu vực cầu An Hạ (giáp ranh giữa hai huyện Hóc Môn và Củ Chi nằm trên quốc lộ 22, ngày nay). Đại đội 9 xe tăng thuộc Lữ đoàn 273 vừa có nhiệm vụ đánh chiếm cầu, đồng thời giữ vững chiếc cầu này. Nếu cầu An Hạ bị địch phá gãy, chúng ta có thể chậm trễ, đánh mất thời cơ lịch sử.

Sáng ngày 29/4/1975, sau khi chiếm được cầu An Hạ, trong đội hình Đại đội 9 xe tăng chỉ còn 4 chiếc, ngay sau đó phải đối mặt với thiết giáp đoàn gồm 24 chiếc của kẻ thù. Trước thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi 1 chọi 4, những người lính đều xác định quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Lúc này, Đoàn Sinh Hưởng tự nhủ, cần phải bình tĩnh, giữ vững sự sắc sảo của người chỉ huy. Do còn 4 chiếc xe tăng, ông chỉ huy anh em dồn đội hình lại, chiếm giữa vị trí địa hình có lợi nhất. Chờ cho đoàn xe của địch đi qua hết cầu rồi mới nhả loạt đạn đầu tiên, chiếc xe đi đầu bốc cháy. Loạt đạn tiếp theo bắn cháy chiếc cuối cùng. Cái đầu và cái cuối bị cháy đã gây tắc đường giam chân địch ngay trong tầm bắn của mình làm “tắc” khả năng chống đỡ của chúng. Sau gần 1 giờ đồng hồ chiến đấu, 4 xe tăng của ta đã bắn cháy 12 thiết giáp của địch. Địch hoảng loạn không còn khả năng chiến đấu, các chiến sĩ Đại đội 9 xông ra áp sát đoàn xe của địch tiêu diệt những tên còn lại tịch thu 12 chiếc xe tăng của địch để bổ sung vào cho chính mình. Với lòng dũng cảm, chiến thuật quân sự hợp lý, Đại đội 9 đã tiêu được 1 thiết đoàn, “lấy xe tăng địch để đánh địch”.

Cũng trong mũi tấn công này, Đại đội 9 vào thành Quan Năm (Củ Chi), đánh thẳng vào trại Quang Trung, ngã tư Bảy Hiền, rồi đánh ngược về sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc bằng trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu của Ngụy quyền Sài Gòn. Lúc này thời gian đã trôi về trưa ngày 30/4/1975. Kết thúc cuộc chiến đấu thần thánh của quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau bao nhiêu năm chia cắt.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bùi ngùi: “Đêm đầu tiên của ngày chiến thắng chúng tôi không ai có thể ngủ vì hạnh phúc tột cùng, ai cũng lâng lâng trong trạng thái vừa cười vừa khóc. Vậy mà thấm thoát đã 36 năm trôi qua”.

(Ghi theo lời kể của trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4)

Đại Nghĩa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm