19/05/2013 06:50 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ - tác giả Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã có mặt tại Choisy le Roi và Paris (Pháp) dự các hoạt động kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris và khánh thành bức tranh gốm với chủ đề Tình hữu nghị Pháp - Việt (kích thước 2mx2m) do UBND TP Hà Nội tặng TP Choisy le Roi. Tại đây, nữ họa sĩ đã gặp lại chị Elizabeth Helfer Aubrac - con gái nuôi của Bác Hồ và có cuộc trò chuyện thú vị với chị Elisabeth về cuộc đời và tình bạn của gia đình Aubrac với Bác Hồ.
Bác Hồ bế con gái nuôi Elizabeth. Bên cạnh là bà Lucie Aubrac. Ảnh tư liệu.
Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện này.
Món quà đặc biệt của cha nuôi là tấm lụa để may áo cưới
* Thưa chị Elizabeth Aubrac, đầu tiên, xin chị chia sẻ những kỷ niệm của gia đình mình với Bác Hồ ?
- Tôi luôn tự hào về cha mẹ đẻ của mình và người cha nuôi là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả ba người đều đã đi vào sử sách của đất nước mình và quốc tế.
Chắc các bạn đều biết, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hoà Pháp. Trong chuyến thăm đó, Bác Hồ đã gặp cha tôi - ông Raymond Aubrac, cựu Ủy viên Cộng hoà ở Marseille, nghị sĩ Quốc hội Pháp. Cha tôi đã ngỏ ý mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình mình ở 190 – đường Soisy sous Montmorency, quận Seine et Oire2, cách thủ đô Paris 10 km.
Nhận lời mời của cha tôi, Bác Hồ đã chuyển về ở trong căn nhà và khu vườn của chúng tôi từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9/1946. Ngày 15/8 năm đó, mẹ tôi - bà Lucie Bernard - đã sinh tôi, đặt tên là Elizabeth. Bác Hồ đã đến nhà hộ sinh Port - Royal ở Paris thăm hai mẹ con, tặng quà và nhận làm cha đỡ đầu của tôi. Cha nuôi đặt tên thân mật cho tôi là Babette.
Cha tôi kể lại là cha mẹ tôi đã vô cùng vui sướng và hạnh phúc. Chị gái tôi là Catherine Vallade được Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đỡ đầu, còn tôi được Bác Hồ, Chủ tịch nước Việt Nam đỡ đầu.
Những năm sau đó, giữa bộn bề công việc của một nhà lãnh đạo, Bác Hồ vẫn thường gửi thư và quà tới cha mẹ tôi. Tôi rất vui sướng mỗi khi được nhận quà của cha đỡ đầu vào dịp sinh nhật: có khi là quả cầu nhỏ hay một con trâu bằng ngà, có khi là một bức ảnh chân dung của Người hay một đồng tiền vàng có mang hình Người với những lời chúc rất tình cảm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc.
Một món quà đặc biệt Người dành cho tôi khi trưởng thành chính là tấm lụa vàng để may áo cưới. Những món quà tặng của cha đỡ đầu luôn được tôi gìn giữ như những kỷ vật, và đối với tôi, đó là những “kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong đời” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho người con gái nuôi là tôi.
Bác Hồ và gia đình Raymond Aubrac những ngày ở Soissy-sous-Monmorency (Pháp).
* Tôi từng đọc một bài báo trên The New York Times đăng ngày 11/4/2012 với nhan đề “Raymond Aubrac - vị lãnh tụ xuất sắc của cuộc kháng chiến Pháp mất ở tuổi 97”. Trong đó nhà báo Douglas Martin đánh giá cha mẹ chị là biểu tượng cao quý của chủ nghĩa anh hùng trong cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống lại Đức quốc xã. Chị có thể kể thêm về các chiến công của cha mẹ chị trong đại chiến thế giới thứ hai?
- Cha tôi tên thật là Raymond Samuel, sinh ngày 31/7/1914 trong một gia đình người Do Thái tại Vesoul, Pháp. Cha tôi tốt nghiệp ngành kỹ thuật cầu đường và luật ở Pháp và nhận học bổng học tiếp một năm ở Trường ĐH Công nghệ Massachusettes và ĐH Havard (Mỹ).
Cha tôi gặp mẹ tôi khi tham gia nhóm chính trị cánh tả ở Paris. Khi đó mẹ tôi là giáo viên trung học. Cha mẹ tôi đã phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên. Cả hai lấy bí danh Aubrac trong các hoạt động bí mật. Mẹ tôi tham gia kháng chiến vào tháng 10/1940, cha tôi gia nhập một tháng sau đó. Cha mẹ tôi sống ở Lyon. Cha tôi trở thành người đồng sáng lập phong trào Giải phóng miền Nam Pháp. Cha mẹ tôi tuy không phải là đảng viên cộng sản nhưng là những người tiến bộ, yêu nước và tích cực tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phát xít.
Cha tôi bị Phát xít Đức bắt và được lực lượng kháng chiến cứu thoát vào tháng 6/1943. Ngày 21/6/1943, ông lại bị bắt và kết án tử hình. Chính mẹ tôi đã trở thành anh hùng khi tổ chức một cuộc tập kích giải thoát cho cha tôi.
Bị lộ, cha mẹ tôi bay sang Lodon (Anh) cùng anh trai tôi là Jean Pierre. Cha tôi đã làm việc cho Chính phủ Pháp lưu vong của tướng Charles De Gaulle, khi đó đang ra lời kêu gọi người Pháp tiếp tục kháng chiến chống sự chiếm đóng của quân đội Đức quốc xã. Mẹ tôi đã sinh chị Catherine chỉ vài ngày sau khi đến nước Anh. Và chị Catherine đã được Tổng thống Charles De Gaulle đỡ đầu trong hoàn cảnh đó.
Năm ngoái, khi cha tôi mất vào tháng 4/2012, Tổng thống Nicolas Sarkozy có đánh giá: “Ông Aubrac và các cộng sự đã hoạt động phía sau hậu trường để cứu vãn danh dự của nước Pháp vào thời điểm tưởng như đã bị mất”.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ và Elizabeth Helfer Aubrac - con gái nuôi của Bác Hồ
Tích cực ủng hộ Việt Nam
* Hai năm trước, truyền hình Việt Nam có chiếu bộ phim tài liệu mang tên Người bạn thầm lặng của Bác Hồ nói về tình bạn thân thiết giữa cha chị và Bác Hồ, về sự giúp đỡ quý báu của cha chị đối với nhân dân Việt Nam. Chị có thể điểm lại một cách tổng quát về những đóng góp của cha mình đối với Việt Nam?
- Tôi rất vui và tự hào mỗi khi ôn lại những kỷ niệm của cha tôi với Bác Hồ, những đóng góp của cha tôi cho Việt Nam.
Cha tôi được báo chí Việt Nam đánh giá là một người bạn Pháp thân thiết, luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ; có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và việc vun đắp tình hữu nghị và hợp tác Việt-Pháp.
Cha tôi là người đã giúp đỡ ký kết Bản thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp (năm 1955); trao đổi thông điệp giữa Hà Nội và Washington để xác định chấm dứt vô điều kiện việc Mỹ ném bom xuống Việt Nam (1967); kêu gọi chấm dứt việc ném bom xuống các đê sông Hồng (1972); đại diện Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc thực hiện chương trình trợ giúp của Liên Hiệp Quốc cho Việt Nam thống nhất (1976); yêu cầu Mc Namara chấp thuận chuyển giao cho Việt Nam sơ đồ các bãi mìn ở vĩ tuyến 17 (1979) và thực hiện nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giúp Việt Nam của Liên Hiệp Quốc, FAO và Pháp từ 1976…
* Thưa chị Elizabeth, chị đã kể nhiều về tình bạn của cha mẹ chị với Bác Hồ. Vậy chị có thể nói thêm một chút về hiện nay mình - người được Bác Hồ đặt cho cái tên thân mật Babette…
- Tôi luôn cảm thấy có sợi dây liên lạc gần gũi với nhân dân và đất nước của vị cha đỡ đầu đáng kính của tôi. Tôi đã cùng cha đẻ Raymond Aubrac đến Việt Nam vài lần. Tôi hiện là giảng viên trường trung cấp kỹ thuật. Chồng tôi là giáo viên trung học. Chúng tôi sống ở Paris và đã có 3 con: hai trai một gái. Chúng tôi rất vui và hạnh phúc khi có nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam du học tại trường của chúng tôi. Tôi luôn tự hào vì được là con gái nuôi của vị lãnh tụ đáng kính của nhân dân Việt Nam và thế giới.
* Cảm ơn chị rất nhiều. Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc và tiếp tục phát huy các hoạt động gắn bó với Việt Nam!
Gia đình Raymond Aubrac được trao Huân chương Hồ Chí Minh Ngày 25/9/2012, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Raymond Aubrac, chiến sĩ kháng chiến nổi tiếng của Pháp, người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người gắn bó sâu sắc với Việt Nam.
|
Nguyễn Thu Thuỷ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất