Trẻ em đối mặt với bạo lực trong chính nhà mình

12/08/2011 10:28 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Học sinh miền núi còn thiếu ăn, có bữa chỉ có rau với muối, nhiều em phải bỏ học; tai nạn thương tích trẻ em, nhất là đuối nước xảy ra rất nhiều, mục tiêu giảm 90% trẻ em lang thang đến năm 2010 đã không đạt được, hiện vẫn còn khoảng 21 nghìn trẻ em lang thang; bạo lực học đường gia tăng do ô nhiễm môi trường văn hoá như game, phim bạo lực…

Đó là những vấn đề nổi cộm được ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) nêu tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2011 với chủ đề “Trẻ em với môi trường an toàn và thân thiện” vừa kết thúc tại Hà Nội.

Gia tăng

Diễn đàn có sự tham gia của 188 em từ 10 - 16 tuổi đến từ 30 tỉnh, thành, đại diện cho 24 triệu trẻ em toàn quốc. Những vấn đề nhức nhối trong bảo vệ trẻ em đã được các bạn trẻ mạnh dạn “truy vấn” trong cuộc đối thoại với lãnh đạo Nhà nước tại diễn đàn.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, thống kê của Bộ cho thấy những con số đưa ra ngày càng đáng báo động: Trung bình 1 năm cả nước xảy ra trên 100 vụ giết trẻ em; 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tư vấn cho các em cách phòng chống bạo lực trẻ em

So với 10 năm trước, mức độ bạo lực và xâm hại đối với trẻ em tại cộng đồng tăng gấp 7 lần, trong trường học tăng 13 lần và ngay trong chính gia đình cũng tăng gấp 3 lần.

Ngoài bạo lực, xâm hại thân thể, việc quan tâm về tinh thần của bố mẹ đối với con cái cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm. Một đại biểu trẻ em đến từ Quảng Ngãi xúc động: “Con muốn nghe bố mẹ chia sẻ, nhưng bố mẹ không bao giờ lắng nghe con. Khi con bị điểm kém chẳng hạn, bố mẹ luôn nói những lời nặng nề. Con thấy cô đơn trong chính nhà của mình”.

Em Nguyễn Thanh Lý, đại biểu từ tỉnh Quảng Ngãi đã đặt câu hỏi khiến nhiều người lớn phải suy ngẫm: “Ai là người đứng ra bảo vệ khi chúng con bị ngược đãi trong chính gia đình mình?”.

Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cho lời khuyên: “Đối với các em bị chính người thân của mình bạo hành thì trước hết các em phải biết tránh đi, đừng đứng đó hứng đòn. Trước khi các em tìm đến cơ quan hữu trách ở địa phương thì hãy tìm đến những người xung quanh mình, những người bạn bè, anh em trong gia đình để can thiệp giúp mình trước”.

Đến bạo lực học đường

Vấn đề bạo lực học đường cũng được các bạn trẻ đặt ra bức xúc, em Hoàng Thạch Nhi, đoàn Hà Nội đặt câu hỏi: Nhiều bạn tâm sự đến trường rất lo lắng vì bị các anh chị lớn bắt nạt, không chỉ bắt nạt trước cổng trường mà còn ngay cả trong khuôn viên của trường. Làm sao để chấm dứt tình trạng này?

Các đại biểu nhí “truy vấn” về các vấn đề trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Không chỉ bị lớp trên, bị các bạn lêu lổng “bắt nạt”, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ bức xúc khi nhiều học sinh bị chính thầy cô giáo bạo hành (qua các hình thức xử phạt nặng tay) song không dám tố cáo vì sợ sẽ ảnh hưởng chuyện học tập.

Giải đáp những thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cho biết: “Việc giáo dục từ xưa rất nghiêm khắc nhưng nếu nghiêm khắc quá sẽ ảnh hưởng tới các em, trong những điều cấm với giáo viên, nghiêm cấm xâm phạm tình cảm, sức khoẻ học sinh. Bộ GD&ĐT cũng đã phát động trường học thân thiện, học sinh tích cực. Với hiện tượng bạo lực học đường, Bộ Công an cùng với Bộ GD&ĐT đã có thông tư hướng dẫn xử lý”.

Bổ sung vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ đã hướng dẫn các địa phương quy trình xử lý khi các cháu bị xâm hại, ngược đãi. Bất kỳ ở đâu khi thấy trẻ em bị xâm hại thì có thể báo để can thiệp giúp các cháu. Ngay Bộ LĐTB&XH cũng có đường dây tư vấn hỗ trợ các cháu khi các cháu bị xâm hại, ngược đãi là 19001567.

Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm