Trẻ em đổ bệnh vì nắng - Cẩn thận với kháng sinh

04/05/2012 08:52 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - BS.Hoàng Chính, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết những đợt nắng nóng liên tiếp vừa qua bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhi gặp các vấn đề về viêm đường hô hấp, viêm phổi, sốt siêu vi, rối loạn tiêu hoá...

Đây là những bệnh thường gặp của trẻ trong kiểu thời tiết giao mùa và nắng nóng.


Trong thực tế, đợt nắng nóng vừa qua khiến không ít phụ huynh phải đưa các cháu đến nhập viện do các chứng bệnh trên. Tuy nhiên, bị bệnh khổ một phần, đi chữa bệnh còn khổ hơn bội phần vì bệnh viện quá tải trầm trọng. Phụ huynh bỏ việc đưa con đi viện trong cái nắng hơn 40 độ C mà thấy nản lòng.

Theo thông tin của TS. BS Phạm Kim Thanh - phòng khám nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc hầu hết các bé tới viện khám đợt này đều phải sử dụng kháng sinh. Chính vì vậy tại phòng khám nhi của bệnh viện gặp rất nhiều trường hợp các bé bị loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh. BS Thanh cho biết ca bệnh nhi vừa ra khỏi phòng khám là điển hình cho tình trạng loạn khuẩn do dùng kháng sinh. Bé Linh (4 tuổi, ở Lạc Long Quân, Hà Nội) do bị viêm đường hô hấp nên được bác sỹ ở một phòng khám tư gần nhà kê cho uống kháng sinh nhưng chưa kịp khỏi bệnh này thì lại bị tiêu chảy, phân lỏng, xì xoẹt cả ngày. Mẹ bé Linh không biết lại tự ý mua thuốc cho con uống thêm một đợt kháng sinh mới để mong con hết tiêu chảy. Nhưng sau hai ngày mà bé vẫn bị.

Là một loại thuốc thông dụng, kháng sinh dùng trong các trường hợp điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên mặt trái của kháng sinh chính là lại có thể diệt cả hệ vi khuẩn trong đường ruột. Hệ vi khuẩn trong đường ruột là các vi khuẩn có ích tham gia vào quá trình tiêu hóa một số chất dinh dưỡng, loại bỏ một số chất có khả năng gây nhiễm độc, chống lại những vi khuẩn gây bệnh xâm nhập đường ruột. Khi dùng kháng sinh liều cao và kéo dài, chúng ta không chỉ diệt vi khuẩn gây bệnh mà diệt luôn vi khuẩn không gây bệnh thường xuyên có mặt trong ruột, đồng thời làm xuất hiện những chủng vi khuẩn gây bệnh độc hại và nhờn với nhiều loại kháng sinh gây ra loạn khuẩn đường ruột.

Theo BS Thanh nếu bé nhà bạn dùng kháng sinh điều trị bệnh mà bị tiêu chảy nhưng khi không dùng nữa thì khỏi tiêu chảy chính là loạn khuẩn đường ruột. Thể nặng hơn trẻ có thể bị viêm tiểu kết tràng, có tổn thương thực thế ở ruột kết, hoặc có thể dẫn tới hội chứng lỵ khiến mỗi lần đi ngoài trẻ phải rặn nhiều, phân có nhầy mũi hoặc máu mũi. Thậm chí trẻ có thể bị tả do tụ cầu gây ra.

Tuy nhiên các phụ huynh không cần quá lo lắng vì BS Thanh cho biết, loạn khuẩn đường ruột thể nhẹ chỉ cần tạm dừng dùng kháng sinh là tự khỏi. Một số trẻ có thể do không hợp với loại kháng sinh đang dùng nên bị loạn khuẩn đường ruột, khi chuyển sang loại kháng sinh khác thì lại bình thường. Các loại kháng sinh nặng thường dễ gây loạn khuẩn đường ruột hơn loại nhẹ nên cha mẹ tránh lạm dụng kháng sinh nặng. Đặc biệt phụ huynh không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ mà không theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Lưu ý với các phụ huynh là loạn khuẩn đường ruột không câng kiêng khem gì mà vẫn cho trẻ ăn uống bình thường đảm bảo đủ chất. Một giải pháp đơn giản để tránh tình trạng loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh là hãy dùng thêm men tiêu hóa hỗ trợ cho trẻ.

M.T (Biên tập)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm