Tranh cãi xung quanh “Con đường gốm sứ”: Hà Nội yêu cầu ra Quy chế vinh danh

04/09/2009 08:48 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” khi hoàn thành sẽ là công trình gốm sứ dài nhất Việt Nam với tổng chiều dài hơn 6,0 km. Tuy nhiên, gần đây một số hoạ sĩ lên tiếng cho rằng đó là một dự án nghệ thuật nghiệp dư; con đường gốm nghệ thuật đã bị cắt  khúc ra để làm quảng cáo...

Trước thực trạng này, chiều ngày 3/9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội – Ngô Thị Doãn Thanh đã dẫn đầu đoàn giám sát dự án này.


Dòng chữ Hanel này bị quy kết là quảng cáo


Quảng cáo hay “vinh danh”?

Công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” là một trong 34 công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Với tổng chiều dài 6.500 m2, con đường gốm sứ này bắt đầu từ cửa khẩu An Dương đến hết phố Trần Khánh Dư. Tính đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành được 1.825 m2 tranh gốm sứ với nhiều chủ đề thể hiện dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn đến Lý - Trần - Lê - Nguyễn hoặc hoa văn thổ cẩm và trang trí kiến trúc của các dân tộc Việt Nam. Đoạn sử thi dân tộc Mường “Đẻ đất đẻ nước”; Dấu ấn định đô Thăng Long... cũng được thể hiện qua các mảnh ghép nghệ thuật gốm.

Phải thừa nhận rằng đây là một trong số ít công trình nghệ thuật huy động được nguồn vốn xã hội hoá tương đối lớn. Như Cty điện tử Hanel tài trợ làm 103 m2 tranh gốm đương đại chủ đề Dưới đáy biển Đông; Cty Thạch Bàn tài trợ 102 m2 gốm chủ đề Mùa xuân phố cổ; Cty May 10 thực hiện 300 m2 tranh gốm chủ đề Dấu ấn định đô Thăng Long... Để “bù đắp” cho khoản tiền khổng lồ mà các Cty đã chi ra để làm tranh gốm, phía đơn vị thi công là Cty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội đã cho gắn logo, tên của Cty tài trợ. Và một loạt các biểu tượng, tên tuổi thương mại của các Cty như Hanel, May 10... đã xuất hiện ngay phía trên các bức tranh gốm sứ nghệ thuật, và do đó đã gây nên rất nhiều tranh cãi.

Chiều ngày 3/9, trả lời chất vấn của đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Cty Nghệ thuật Tân Hà Nội giải thích: “Con đường gốm sứ là một dự án nghệ thuật huy động nguồn vốn xã hội nên việc công khai danh tính nhà tài trợ là điều bình thường. Điều này trên thế giới cũng làm rồi”. Cũng theo ông Cường thì diện tích các logo, tên Cty rất nhỏ so với diện tích mà Cty đó tài trợ làm tranh nên không “gây phản cảm”, như chữ “Hanel” chỉ có 0,25m2 trong khi Cty này tài trợ làm tới 102 m2 tranh. Tuy nhiên, khi thực tế chiêm ngưỡng dòng chữ Hanel trên con đường gốm sứ thì mới thấy chúng không hề “nhỏ” và cũng chẳng thể nói là “không hề phản cảm” như vị giám đốc Cty Nghệ thuật Tân Hà Nội nói. Những dòng chữ được một số hoạ sĩ quy là “quảng cáo” cho May 10, Cty Thạch bàn... nằm chềnh ềnh ngay trên bức tranh gốm, ở vào điểm vàng đúng “tầm mắt” bất kỳ người qua đường nào.

Giải thích về quy kết này, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (PGĐ Cty Nghệ thuật Tân Hà Nội, cũng là hoạ sĩ thực hiện 70 m2 tranh gốm chủ đề Dải lụa mùa xuân) cho biết: “Việc này có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa mà mọi người hiện giờ chưa nhận thấy: Khi các nhà tài trợ gắn logo của họ lên đó thì họ sẽ là người đầu tiên chăm lo giữ gìn đoạn tranh đó nhất, vì đây là hình ảnh gắn với niềm tự hào của họ. Đóng góp của mỗi doanh nghiệp là công sức của một tập thể, vì vậy tôi thấy việc vinh danh nhà tài trợ là điều cần thiết và đương nhiên, nhất là với các nguồn xã hội hoá”.

Đôi lứa chụp ảnh cưới bên con đường gốm sứ

Yêu cầu ra quy chế về logo, tên đơn vị tài trợ

Dự kiến 17/9 tới đây, HĐND TP. Hà Nội sẽ có buổi làm việc với UBND TP để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, kịp chào mừng Đại lễ vào tháng 10/2010.

Thành viên đoàn giám sát, đại biểu Nguyễn Việt Hưng chất vấn: “Đặt tên Hanel hay biểu tượng logo nào đó thì phải tính vị trí cho phù hợp trong tổng thể nghệ thuật, vì đây không phải sân bóng đá, muốn đặt quảng cáo chỗ nào cũng được”. Theo giải thích của phía Cty Nghệ thuật Tân Hà Nội thì đây là công trình kêu gọi xã hội hoá nên nếu không có sự “vinh danh” thì sẽ khó khăn về nguồn vốn để thực hiện hơn 6 km tranh gốm. Cty khẳng định, nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách TP diễn ra chậm, hiện mới chỉ được giải ngân 28% trong khi khối lượng công việc đã đạt được 37% các đoạn tranh được hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay tại buổi giám sát, PGĐ Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ khẳng định: “Nếu dự án có thể hấp thụ được thì chúng tôi đảm bảo đủ kinh phí Nhà nước cấp, chứ không để công trình này thiếu vốn”. Ngay sau đó, Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Doãn Thanh hỏi thẳng: “6.500 m2 tranh gốm sứ vậy chủ đề tổng thể là gì?”. Thế nhưng, phía Cty cũng không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Liên quan đến ý kiến của một số hoạ sĩ cho rằng công trình này là “phi thẩm mỹ” khi mang các biểu tượng của quá khứ ra gắn ngoài đường, PGĐ Nguyễn Thị Thu Thuỷ lập luận: “Có một dòng chảy lịch sử xuyên suốt trên chất liệu gốm sứ và tôi ấp ủ về một dòng chảy như vậy được cất giữ ngay giữa trái tim Thủ đô. Các hoạ sĩ nước ngoài rất ủng hộ vì con đường gốm sứ này đã tạo nên một bảo tàng ngoài trời sống động để hàng ngày người dân có thể tiếp cận trong cuộc sống quá bận rộn”.

Phó Bí thư Thành uỷ Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu Cty Nghệ thuật Tân Hà Nội phải thể hiện và báo cáo rõ về chủ đề tư tưởng tổng thể của con đường gốm sứ này là gì, nếu không có chủ đề xuyên suốt thì đây sẽ chỉ là những mảng tranh gốm ghép lại một cách rời rạc. Đồng thời, phải nghiên cứu đề ra quy chế trong đó quy định rõ kích cỡ, vị trí... các logo và tên đơn vị tài trợ cho phù hợp với bối cảnh nghệ thuật của “con đường gốm sứ”.

Bùi Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm