Tranh cãi quanh bộ ảnh về đình phố cổ

28/09/2013 06:52 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Như TT&VH đã đưa tin, bộ ảnh nằm trong dự án “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” của nghệ sĩ Thế Sơn trong triển lãm Đối thoại với đình làng đã khiến dư luận sửng sốt trước hiện trạng xuống cấp trầm trọng của những đình thờ tổ nghề ở phố cổ.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều nghi ngại tính chính xác của dự án. Để rộng đường dư luận, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, người vừa được giải B - Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam 2013 với công trình nghiên cứu "Hình ảnh con người trong trang trí kiến trúc đình làng Bắc bộ Việt Nam thế kỷ 17".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình


“Phố cổ không có 70 đình làng”

“Trước tiên tôi khẳng định, nỗi lòng đau đáu với những di sản cha ông để lại của một nghệ sĩ trẻ là đáng trân trọng. Và ý tưởng tìm lại dấu xưa, ghi nhận những thay đổi để cảnh tỉnh dư luận của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng rất hay. Nhưng với tác phẩm của Thế Sơn trong triển lãm này cần làm rõ một vấn đề để tránh dư luận hiểu sai” - ông Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Cụ thể, con số khoảng 70 ngôi đình ở phố cổ mà Thế Sơn đưa vào dự án là không chính xác. Bởi theo quan sát của nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, trong triển lãm, toàn bộ ảnh họa sĩ Thế Sơn chú thích là “đình”  nhưng trên thực tế có cả loại hình di tích khác như đền…

Theo ông Bình, tác phẩm này nằm trong không gian của triển lãm Đối thoại với đình làng, vậy đối tượng Thế Sơn cần khảo sát phải là đình làng, chứ không phải là bi đình, thủy đình... (mỗi loại đình có chức năng khác nhau) hoặc các loại hình di tích khác như đền, chùa, miếu cũng không nằm trong mục tiêu của triển lãm.

“Tại triển lãm, có ảnh, tên di tích viết trên kiến trúc bằng chữ Hán là “từ” tức “đền”, nhưng phía dưới ảnh họa sĩ Thế Sơn lại chú thích là “đình”(?!). Chẳng hạn như đền Nhân Nội ở phố Bát Đàn không phải là đình làng nhưng cũng được họa sĩ Thế Sơn đưa vào bộ ảnh của mình và chú thích là đình. Ở đây Thế Sơn đã đánh đồng loại hình di tích, vì thế công chúng dễ hiểu nhầm là trong khu phố cổ có đến 70 ngôi đình làng và đình làng trong phố cổ đang bị xâm hại nghiêm trọng” - ông Bình phân tích.

Tránh hiểu nhầm gây sốc...

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Đức Bình: “Bản thân di tích tôn giáo tín ngưỡng ở khu phố cổ Hà Nội mang trong mình nhiều vấn đề đặc trưng, không giống với di tích ở làng quê. Ngày xưa phần lớn dân từ các nơi vào đây làm ăn, họ mua đất, dựng đình, đền, chùa… để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, phục vụ cho công việc buôn bán là chính.


Tác phẩm được Nguyễn Thế Sơn chú thích là: Đình Du Vũ (Hàng Da, Hà Nội)

Vì vậy, xung quanh di tích phần nhiều là được bao bọc bởi nhà cửa, phố xá, không gian vì thế cũng bị chèn ép, chật chội. Nhiều di tích, do cá nhân hoặc phường thợ, dòng họ bỏ tiền ra xây dựng, sau này đời con cháu họ đã chia nhỏ ra sử dụng, do đó di tích đã bị biến dạng, hoặc biến đổi công năng. Về thực trạng này chính quyền khó can thiệp trong việc bảo tồn”- ông Bình cho biết.

“Thêm nữa, tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn bày ở triển lãm mang tính học thuật, trong không gian của một trường đại học. Vì vậy, theo tôi tác giả cần nghiên cứu kỹ về di tích, phân biệt rõ loại hình di tích và các vấn đề liên quan đến đặc thù của di tích để khi đưa tác phẩm ra công bố tránh công chúng hiểu nhầm, gây sốc không đáng có như báo chí đã nêu” - ông Bình kết luận.

Họa sĩ Thế Sơn: “Chú thích về đình chỉ như giả định…”

Trao đổi với TT&VH, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay: “Những chú thích về đình của tôi chỉ như giả định, như đồ thị về cảm xúc. Đây là cảm nhận của riêng tôi, người nghệ sĩ, nó không phải công trình nghiên cứu khoa học nên không cần chính xác tuyệt đối.

Thêm nữa, tham vọng nghệ thuật của tôi hơi lớn nên đặt vấn đề hơi to tát và không bao quát được vấn đề để giải quyết rốt ráo. Điều này dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng tới các cơ quan khác.

Nhưng tôi vẫn khẳng định dù không đến 70 song vẫn có ít nhất 50 ngôi đình ở phố cổ Hà Nội”.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm