Toàn cảnh cuộc diễn tập quốc gia về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

14/08/2013 13:28 GMT+7 | Thế giới

Ngày 14/8, tại tòa nhà Diamond Plaza (34 Lê Duẩn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra cuộc diễn tập quy mô quốc gia về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với sự tham gia của trên 3.600 người. Cuộc diễn tập nhằm đối phó với các tình huống mang tính chất thảm họa, tai họa do cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng. Cuộc diễn tập do do Bộ Công an và UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh cuộc diễn tập. Ảnh - TTXVN

Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh Lê Tấn Bửu cho biết: Diamond Pl aza được chọn làm điểm diễn tập, do tòa nhà này là một công trình phức hợp, vừa là trung tâm thương mại, vừa là khu vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, căn hộ cho thuê, nhà hàng, văn phòng, phòng khám đa khoa. Ở đây có nhiều vật dụng có khả năng gây cháy nổ, nhiều vật liệu dễ cháy. Đồng thời, khu vực này thường xuyên tập hợp khá đông người dân đến vui chơi, mua sắm.

Theo tình huống giả định, khoảng 9 giờ 25 phút ngày 14/8, do sự cố kỹ thuật rò rỉ khí gas dẫn đến nổ và cháy lớn tại khu vực bếp ăn ở tầng 5, tòa nhà Diamond Plaza. Một phần tầng 5 tòa nhà bị sập, lối thoát hiểm từ tầng 5 xuống dưới bị hỏng do vụ nổ. Ngọn lửa cháy lan ra toàn bộ tầng 5 và phát triển đến các tầng khác với diện tích khoảng 3.000 m2. 

Thiết bị bay điều khiển từ xa phục vụ công tác quan sát, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh Thanh Vũ - TTXVN

Lúc này, trong tòa nhà có khoảng 2.500 người, trong đó có hơn 100 người tại tầng 5 bị thương tích, nhiều người bị mắc kẹt trong khu vực cháy do lối thoát hiểm bị bịt kín. Khi vụ cháy nổ xảy ra, các đơn vị đã huy động lực lượng tại chỗ để hạn chế đám cháy và cứu chữa người bị thương, đồng thời báo cho cơ quan chức năng.

Chỉ 5 phút sau, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhanh lực lượng tới hiện trường, bao gồm cả lực lượng chữa cháy của các quận, huyện gần nhất. Nhận định vụ cháy phức tạp, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nhanh chóng báo cáo cấp trên để phối hợp các lực lượng khác ứng cứu kịp thời. Các cơ quan chức năng đã huy động 2 máy bay trực thăng của Sư đoàn Không quân 370, 99 xe ô tô các loại, 4 máy bơm chữa cháy, cùng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ… với gần 400 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chữa cháy và trên 500 người tham gia cứu nạn, cứu hộ. 

Máy bay trực thăng của Sư đoàn không quân 307 tham gia diễn tập. Ảnh Thanh Vũ - TTXVN

Các lực lượng đã tích cực giải thoát các nạn nhân khỏi nơi nguy hiểm, đưa người xuống dưới bằng thang dây, đường ống tuột, nệm hơi, dây leo… Khoảng 40 phút sau khi sự cố xảy ra, toàn bộ hơn 2.500 người trong tòa nhà đã được cứu thoát ra bên ngoài, đám cháy cũng được khống chế.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc diễn tập, cho biết: Cuộc diễn tập nhằm ứng phó kịp thời với những thảm họa tại các nhà cao tầng. Đây là cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng thực tế cho cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là thiết lập cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn. Cuộc diễn tập đã huy động lực lượng đông nhất, phương tiện hiện đại nhất mà các nước khác đang sử dụng và bắt đầu triển khai tại Việt Nam .

Ngoài hai máy bay trực thăng, lần đầu tiên chó nghiệp vụ của Bộ Công an được sử dụng vào công tác tìm kiếm người bị thương trong đống đổ nát, đồng thời sử dụng hai xe tiếp nước lớn nhất hiện nay. Bên cạnh các phương tiện hiện đại, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh cũng áp dụng “phương thức” mới khá sáng tạo trong cứu nạn ở nhà cao tầng. Đó là, các loại cáng chuyên dụng cứu nạn, cứu hộ trên mặt nước, đầm lầy được “chế lại” làm cáng trượt dây đưa người từ trên cao xuống dưới, rất thuận lợi trong cứu nạn ở nhà cao tầng.

Lực lượng PCCC dùng đệm hơi phục vụ cứu nạn. Ảnh Thanh Vũ - TTXVN

Hiện, thành phố Hồ Chí Minh có trên 25.000 cơ sở thuộc diện quản lí về phòng cháy chữa cháy, trong đó có 189 nhà cao tầng (10 tầng trở lên), 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 147 chợ, 33 trung tâm thương mại, 60 siêu thị… Đây là những khu vực tập trung nhiều phương tiện, thiết bị, hàng hóa có giá trị tài sản lớn, là nơi tập trung đông người. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra sẽ rất nguy hiểm.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành phố có nhiều công trình mới, các công trình có tầng ngầm, công trình ngầm, siêu cao tầng. Thực tế này đặt ra cho công tác phòng cháy chữa cháy nhiều thách thức.

Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh: Mặc dù theo quy định, các tòa nhà cao tầng của thành phố đều phải có bãi đáp máy bay trực thăng để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ. Nhưng mỗi tình huống có cách ứng phó linh hoạt, sử dụng các phương tiện phù hợp. Việc sử dụng máy bay trực thăng ứng cứu này khá mới, nhưng cũng phải được tính đến trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai máy bay trực thăng sẽ áp dụng trong những tình huống phức tạp, nguy kịch. Trong các tình huống khác, chủ yếu vẫn sử dụng thang dây, đường ống tuột.

Lực lượng chữ thập đỏ sơ cấp cứu nạn nhân. Ảnh Thanh Vũ - TTXVN

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc diễn tập nhấn mạnh: Đợt diễn tập này có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Các cơ quan chức năng đã ghi hình, xem đây là tài liệu để tổ chức huấn luyện cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy trên toàn quốc. Kinh nghiệm và bài học rút ra từ cuộc diễn tập quốc gia sẽ được phổ biến, vận dụng rộng rãi trong cả nước.

Vũ Tiến Lực - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm