Tìm về đại danh lam triều Lý, chùa Dạm

07/02/2016 14:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Lần hồi trên con đường  hành hương cách đây một ngàn năm, chúng tôi tìm về chùa Dạm- đại quốc tự triều Lý. Con đường rêu phong bám núi đâm qua rừng thông mới được phát lộ trong đợt khai quật khảo cổ cách đây 5 năm. Con đường đã từng bầm dập dấu chân người trong những quốc lễ cách đây một thiên niên kỷ nay trầm mặc trong dáng chiều Kinh Bắc ẩn chứa bao câu chuyện, bao phận người về những triều đại đã qua…

Chùa Dạm hay còn gọi là chùa Bà Tấm, Đại Lãm Thần Quang Tự, được nhà Lý cho xây dựng năm 1086. Chùa nằm lưng chừng núi Dạm, nhìn ra sông Đuống thuộc địa phận xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh. Đây cũng là nơi mà nguyên phi  Ỷ Lan, nguyên phi từng hai lần nhiếp chính, một lần mưu đoạt quyền bính từ tay Thượng Dương Thái Hậu, cùng hàng loạt nghi án lịch sử đã từng ẩn tu, lần tràng hạt trong những ngày cuối đời…  


Cột trụ nổi tiếng của chùa Dạm

Linh sơn hoang phế

Chùa Dạm xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có nhiều đoạn chép về việc xây chùa ở Lãm Sơn: “Bính Dần, Quảng Hựu năm thứ 2 (1086) (Tống Nguyên Hựu năm thứ 1)…; Làm chùa Đại Lãm Sơn”; “Đinh Mão, Quảng Hựu năm thứ 3 (1087) (Tống Nguyên Hựu năm thứ 2)…; Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến chùa Lãm Sơn làm hai bài thơ Lãm Sơn dạ yến; Giáp Tuất, Hội Phong năm thứ 3 (1904)… Mùa Hạ, tháng Tư, tháp chùa Lãm Sơn xây xong”; “Ất Sửu, Long Phù năm thứ 5 (1105) (Tống Sùng Ninh năm thứ 4)… Mùa Thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn”.

Theo cứ liệu khoa học này, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, chùa Dạm được xây dựng vào năm 1806, đến năm 1094 hoàn thành. Suốt quá trình xây cất, công trình được vua Lý Nhân Tông rất mực quan tâm và được các sử quan ghi chú cẩn thận.


Những họa tiết ngàn năm lẩn khuất ở bất cứ đâu trong phạm vi ngôi chùa cổ xưa

Nay, đặt chân trên đại danh lam, tất cả chỉ có thể hiện về bằng trí tưởng tượng. Toàn bộ công trình đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Vừa rồi, qua quá trình làm việc đằng đẵng của các nhà khảo cổ, ngôi chùa cổ xưa dần hiện ra chân móng cùng các họa tiết ngàn năm.

Đứng ở lưng chừng núi Dạm, chúng tôi thấy rõ 4 tầng kỳ vĩ xếp chồng lên nhau của ngôi đại quốc tự xưa. Những bậc thang đã rêu phong sừng sững chạy dọc các tầng công trình. Điều thú vị, quanh những mặt bằng hoang phế với “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, ở bất cứ đâu trên diện tích công trình rộng tới gần 8.000 mét vuông đều ẩn chứa vẻ đẹp không tuổi.

Vén một bụi cỏ ở tầng thứ nhất, ta bắt gặp một hàng gạch lát với họa tiết hoa cúc tinh xảo được tạo tác bởi những người nghệ nhân cách đây ngàn năm. Cạnh đó, nhiều móng tường cổ khổng lồ làm ta mường tượng ra chừng mức rộng lớn của công trình.

Lặng lẽ đi trên các bậc thang đá cổ kính, tầng thứ hai đập vào mắt lữ khách là một cột trụ cao chừng 5 mét.  Trên cột chạm khắc hai con rồng thời Lý uốn lượn xung quanh. Dưới cột là các phiến đá mang hình hoa sen đặc trưng trong chùa thời Lý. Nét chạm mềm mà sắc, tạo tác uyển chuyển mà mạnh mẽ. Có nhiều giả thuyết quanh cột trụ này song có hai luồng quan điểm chính. Luồng quan điểm thứ nhất, đó là một chiếc Linga biểu tượng giao thoa văn hóa Đại Việt- Chămpa. Theo thuyết này, chiếc cột trụ được giải mã rằng nó mang thông điệp về sự sinh sôi nảy nở. Luồng quan điểm thứ hai, cho rằng chiếc cột trụ này là phần cột còn lại của một công trình kiến trúc. Nếu thuyết này đúng, cột trụ là phần còn lại vô giá trong việc phục dựng.   


Những viên gạch cổ được xếp thành hàng tại tầng thứ 3 của ngôi chùa

Dù cột trụ thực chất là gì thì có một điều chắc chắn: Cột trụ trên là biểu tượng của mỹ thuật Việt Nam. Một tiêu bản cột này đã được dựng trong Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. Nếu mục sở thị cột trụ tại chùa Dạm thì chắc hẳn ai yêu mỹ thuật cũng đều công nhận lựa chọn này là xác đáng. Vì tiểu công trình này mang đầy đủ tâm hồn Việt, tài hoa Việt trong cả mỹ thuật, điêu khắc và kiến trúc.

Chưa hết choáng ngợp với cột trụ, quay ngang 90 độ, lữ khách lại trầm trồ trước một vết dấu khác của quá khứ: Móng tháp đá cổ. Móng tháp đá cổ mang họa tiết thủy ba (sóng nước) với kỹ thuật ghép đá mộng đuôi cá, đổ chì. Tháp xưa nay chỉ còn chừng nửa mét, liên hoàn kiến trúc đại tự xưa nay chỉ còn những khối đá hoang phế. Song, nền mặt bằng rộng giữa sườn núi thoai thoải với bao hương thầm sắc ẩn thôi thúc con người nhớ về lịch sử, về những tháng ngày đã mất trong chiến tranh, về nước Đại Việt văn hiến hùng cường.

Tầng nền thứ ba của công trình là nơi lưu trữ những công trình hữu hình nhất: Gian nhà nhỏ để tượng nguyên phi Ỷ Lan từ thời Lý; chiếc giếng cổ có tên “giếng Bống” (chùa Dạm tương truyền là nơi khởi đầu của câu chuyện Tấm Cám); cùng hàng loạt cấu kiện chân cột bằng hoa sen xếp chồng… Nhưng, có lẽ, với những người chịu hấp lực dữ dội về một nền văn minh đã qua, những điều hữu hình lại là những điều kém hấp dẫn nhất.


Giếng Bống, nơi tương truyền là nơi Tấm dành phần ăn của mình cho cá bống ăn

Phục dựng thánh địa

Nói về độ kỳ vĩ của đại công trình xưa, người dân trong vùng có câu: Mười năm trăng náu, mười sáu trăng treo, mười bảy phẩy giường chiếu, mười tám đóng cửa chùa Dạm. Tương truyền rằng, cứ sau ngày rằm, những người trông coi đóng cửa chùa. Công việc này bắt đầu từ xẩm tối tới lúc trăng lên mới đóng hết tất cả các cửa.

Không để quốc đại cổ tự hùng vĩ xưa hóa phế tích, tháng 8 năm 2015, tỉnh Bắc Ninh phối hợp các nguồn vốn xã hội hóa quyết định xây mới chùa Dạm dựa trên tinh thần đại danh thắng xưa. Cụ thể, quy hoạch được phê duyệt với tổng diện tích 199 ha gồm các phân khu chức năng: Không gian di tích, không gian phát huy giá trị di tích, không gian phát triển dịch vụ công trình công cộng, đất công trình tín ngưỡng, đất ở, đất giáo dục, đất nghĩa trang, đất hạ tầng, mặt nước, đất cây xanh và đất sinh thái du lịch.

Theo quan sát, hiện tại, các lực lượng thi công đã bắt đầu san mặt bằng để làm thêm tầng thứ 5 mang tính xây mới của công trình. Theo bản đồ quy hoạch, các cấu kiện khảo cổ sẽ được bọc kính để người xem vừa tham quan vừa mường tượng về ngôi chùa kỳ vĩ xưa.

Ông Nguyễn Văn Phong- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bắc Ninh trao đổi với người viết: “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện tại, ngôi chùa cũ do triều đình nhà Lý dựng và phong là đại quốc tự đã bị phá hủy. Ngôi chùa do nhân dân địa phương lập nên nhỏ như một cái đền khiến di sản được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1962 chỉ luôn ở dạng tiềm năng với bao giá trị đang ngủ vùi dưới lòng đất. Công trình tới sẽ “đánh thức” những trầm tích ngàn năm, để những phiến đá kể những câu chuyện lịch sử…”

Bài và ảnh: Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm