Tiếp tục trao đổi thẳng thắn, chân thành về vấn đề Biển Đông

17/06/2013 17:00 GMT+7 | Thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 19-21/6, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ đã trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam và Trung Quốc về ý nghĩa chuyến thăm cũng như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết trong thời gian ở thăm Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, trao đổi ý kiến về các biện pháp làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước và cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp; cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang ở giai đoạn then chốt trong sự nghiệp đổi mới và cải cách mở cửa. Do đó, chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ (trái) trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Quang Đức - Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ khẳng định Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ giao lưu hợp tác truyền thống. Nhân dân hai nước đã từng kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Dù tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, quan hệ hai nước có những lúc thăng trầm, nhưng lãnh đạo và nhân dân hai nước đều có một nhận thức chung không thay đổi là sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước có ý nghĩa quan trọng và trực tiếp không chỉ đối với sự phát triển ở mỗi nước mà còn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, tuy còn một số bất đồng, nhưng hợp tác và hữu nghị vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước.

Trong những năm qua, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung không ngừng được củng cố và phát triển. Giao lưu chính trị không ngừng được thúc đẩy với các chuyến thăm và gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước và giữa các bộ, ban, ngành, các đoàn thể nhân dân và các địa phương diễn ra thường xuyên. Gần đây, hai bên cũng thiết lập và vận hành đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong cuộc điện đàm tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nhất trí về những phương hướng lớn chỉ đạo quan hệ hai nước trong thời gian tới, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài.

Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư đạt nhiều thành tựu mới và có những bước tăng trưởng vượt bậc. Kim ngạch thương mại từ chỗ chỉ đạt hơn 30 triệu USD đã tăng lên hơn 41 tỷ USD trong năm 2012, tạo tiền đề để hai nước sớm hoàn thành mục tiêu 60 tỷ USD vào năm 2015.

Về đầu tư, tính đến tháng 5/2013, Trung Quốc có 913 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn khoảng 4,77 tỷ USD, đứng thứ 13 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam.

Tuy vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần phải khắc phục như vấn đề nhập siêu của Việt Nam trong thương mại với Trung Quốc, chất lượng và tiến độ các dự án đầu tư phải được nâng lên, nhưng có thể khẳng định rằng những kết quả đó đã góp phần tích cực cho sự phát triển của mỗi nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động mỗi nước.

Hai bên cũng thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế, thương mại quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, kết nối giao thông, trong đó ưu tiên thúc đẩy xây dựng các dự án đường bộ và đường sắt kết nối khu vực trên bộ giữa hai nước.

Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh tiếp tục được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu với những hình thức và nội dung mới. Hai bên vừa có cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ tư rất thành công, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước. Bộ Công an Việt Nam đã hợp tác tốt với Bộ Công an Trung Quốc, nhất là trong việc phòng chống tội phạm xuyên biên giới.

Hợp tác về văn hoá, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân tiếp tục được tăng cường. Hiện có gần 14.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường khách du lịch hàng đầu của Việt Nam với lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam hàng năm hơn 1 triệu lượt người. Nhiều hoạt động giao lưu nhân dân như Diễn đàn nhân dân Việt – Trung, Liên hoan thanh niên Việt – Trung diễn ra sôi nổi, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước. Hợp tác giữa các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh biên giới tiếp tục được đẩy mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết trong 3 vấn đề lớn tồn tại do lịch sử để lại, hai nước đã giải quyết được 2 vấn đề, đó là biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ. Đây là sự cố gắng rất lớn của lãnh đạo và nhân dân hai nước. Hiện hai nước còn bất đồng trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam luôn nhận thức đây là vấn đề lớn, khó khăn, lâu dài và có lập trường rõ ràng, nhất quán. Nếu vấn đề này không được xử lý ổn thỏa sẽ ảnh hướng tới đại cục quan hệ hai nước, tới hòa bình, ổn định ở khu vực. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển trên cơ sở kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, trao đổi thẳng thắn, bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC). Hai bên đã tiến hành được một số vòng đàm phán của Nhóm công tác về khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy việc phân định khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ và nghiên cứu hợp tác cùng phát triển ở khu vực này. Hai bên cũng đạt được thỏa thuận về 3 dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Ngoài ra, việc đảm bảo cho ngư dân Việt Nam được tự do đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống ở Biển Đông là điều rất quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và tâm tư tình cảm của người dân Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết trong chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi thẳng thắn, chân thành về vấn đề Biển Đông. Phía Việt Nam mong muốn từ tầm cao chiến lược và quan hệ hữu nghị, lãnh đạo hai nước sẽ chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, tuân thủ nghiêm túc DOC và tiến tới COC.

Hai bên cũng sẽ thảo luận biện pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề nảy sinh từ hoạt động nghề cá và ngư dân, không để ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị cũng như đời sống và tâm tư tình cảm của người dân hai nước. Hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ; củng cố và mở rộng cơ sở hợp tác cùng có lợi trong mọi lĩnh vực. Hai bên cũng trao đổi công tác thông tin tuyên truyền để tăng cường đưa tin khách quan, tích cực về quan hệ Việt - Trung, tránh đưa tin, bình luận không có lợi cho quan hệ hai nước.

Về các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng nếu so với thời điểm bình thường hóa quan hệ năm 1991 thì sự phát triển quan hệ kinh tế hai nước hiện nay là một bước tiến xa, song nếu so với tiềm năng hai bên thì chưa tương xứng. Theo Đại sứ, cả hai nước đều là những nền kinh tế đang nổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, còn Việt Nam đang trên đường đổi mới thành công, do đó tiềm năng hợp tác còn rất lớn. Nếu tốc độ tăng trưởng thương mại được duy trì như hiện nay, hai nước có thể thực hiện được mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 60 tỷ USD vào năm 2015.

Đầu tư trực tiếp của TQ sang Việt Nam cũng còn rất nhiều tiềm năng. Để có sự bứt phá về chất trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng hai nước cần phát huy đầy đủ hơn nữa vai trò của các cơ chế hợp tác sẵn có giữa hai nước, đặc biệt là Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương để hoạch định và điều phối hiệu quả các hoạt động hợp tác kinh tế; xử lý kịp thời và hiệu quả các vấn đề phát sinh như đảm bảo thương mại biên giới trật tự, ổn định, các vấn đề về lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật…

Bên cạnh đó, chính phủ hai nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước tập trung nguồn lực thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế - thương mại Việt-Trung” vừa được ký kết trong khuôn khổ của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương lần thứ 6 và triển khai có hiệu quả danh mục các dự án hợp tác trọng điểm, nhất là trên các lĩnh vực nông- ngư nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, dịch vụ và hợp tác trong khu vực “hai hành lang một vành đai”.

Ngoài ra, hai bên cần giải quyết tốt vấn đề nhập siêu của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư trong lĩnh vực xây dựng sơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghiệp phụ trợ với công nghệ hiện đại và trang thiết bị tiên tiến, trước hết là tại các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam mà Trung Quốc đầu tư. Đây cũng là biện pháp góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, qua đó từng bước giảm nhập siêu từ Trung Quốc.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ tin tưởng rằng với sự nỗ lực và quyết tâm của hai nước, hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Trung sẽ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới, qua đó tăng cường hơn nữa sự gắn bó về lợi ích và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần vào tổng thể quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm