Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Lệ Hằng: "Giáo dục gia đình phải 'nóng' hơn nữa!"

21/11/2012 06:15 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc trò chuyện bắt đầu từ những thông báo “hấp dẫn” trên mạng: Hội thảo “Vẽ đường cho hươu chạy”, “Giáo dục giới tính trong gia đình”, “Tập huấn văn minh tình dục”, “Ngày Chủ nhật tươi đẹp-Giới tính của con”…, mà diễn giả là cây bút từng làm “dậy sóng” dư luận với các bài viết về giáo dục trẻ em: tiến sĩ Nguyễn Lệ Hằng, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Chủ đề giới tính và tình dục khi nào cũng “hot”

* Học trò mới “phát sốt” với phát biểu của hiệu trưởng một trường THPT ủng hộ “vẽ đường cho hươu chạy đúng”. Trước đó ở TP.HCM, hội quán Các bà mẹ ở tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về giáo dục giới tính... Chương trình Giáo dục giới tính trong gia đình “Vẽ đường cho hươu chạy” của Trung tâm Tâm lý trẻ em và Kỹ năng sư phạm gia đình TES.T do chị sáng lập có gì khác với những gì mọi người đang nghĩ và đang nói đang làm về vấn đề này không?

- Tôi nghĩ là có khác đôi chút, trước hết có lẽ là tính triết lý của vấn đề mà chúng tôi quan niệm. Trong cuộc sống thường có hai câu nói ngược nhau về cùng một sự việc, mà đều đạt sự chuẩn mực như nhau (đã có “anh em như thể chân tay”, lại có câu “anh em kiến giả nhất phận”). Đối với TES.T, sự đúng-sai không phải là mối quan tâm hàng đầu, mà là cái lằn ranh giới giữa hai giá trị sống có vẻ như mâu thuẫn nhau, nhưng sẽ cùng ổn, nếu một trong hai giá trị ấy được cá nhân lựa chọn trên một động cơ tốt. Ví như chúng tôi đưa ra các vấn đề: thủ dâm và tiết dục, quan hệ tình dục trước hôn nhân và sự giữ gìn trinh tiết, tự do luyến ái và nền nếp truyền thống...

Vấn đề giới tính và tình dục đang đến với đời sống trẻ em như một cơn bão, mà chúng thì như là cây đang lớn, ngọn cây thì lay động vô định về mọi phía: truyền thông, mạng xã hội, phim ảnh, quảng cáo… trong khi cái gốc cây (gốc nhận thức) sắp bật tung lên thì đang bị lãng quên hoặc bị né tránh quá lâu. TES.T đang chọn cho mình cách thức vun cái gốc cây ấy, nghĩa là xây dựng những giá trị sống đối với GT-TD như một chuẩn mực. Đó là một lựa chọn khó khăn và dài lâu. Nhưng biết làm sao khác được. Vì nhận thức và thay đổi nhận thức đều là những quá trình cần thời gian.

* Chương trình bắt đầu “vẽ đường…” thế nào? Có điều gì diễn ra ngoài “bản vẽ” của chị?

- Chương trình diễn ra dưới dạng hội thảo. Mục đích lớn nhất là thay đổi cách tiếp cận vấn đề từ phía phụ huynh, làm sao thuyết phục để họ kiên nhẫn hiểu rằng, trong giáo dục, không có phương pháp “mì ăn liền”. Chúng tôi hiểu sự bối rối của các bậc làm cha làm mẹ, vì với câu hỏi “Có anh chị nào đã từng được hưởng một sự giáo dục giới tính và tình dục trước đây trong quá trình trưởng thành của mình không?” thì câu trả lời là “không”, gần như là 100% (trừ hai bà mẹ trẻ thừa nhận có được sự hướng dẫn về vấn đề vệ sinh trong quá trình dậy thì). Vậy là chẳng còn cách nào có thể đi nhanh hơn, chắc hơn là phải tự mình học tập, thay đổi nhận thức của chính mình dưới sự dẫn dắt của các kiến thức khoa học được xử lý một cách thực dụng trong chính gia đình mình.

Chúng tôi luôn nói nếu quý vị chỉ cần lời khuyên, cần mẹo vặt, cần chiêu trò gì đó, thì các vị có thể lên mạng gặp ông thầy Google, ra phố mua sách về đọc, hoặc vào các trang mạng xã hội để “chia sẻ”… chứ không cần mất thời gian và tiền bạc đến đây dự hội thảo này.

Cùng con gái Tết 2009, gia đình chị luôn đón Tết theo lối truyền thống: gói bánh chưng, mặc áo dài…

Chúng tôi không chủ định có một bản vẽ sẵn mang đến cho phụ huynh. Cùng một chủ đề về giáo dục giới tính và tình dục, 4 lần hội thảo là 4 bức tranh khác nhau. Thật thú vị! Bởi người vẽ lên chúng chính là các vị phụ huynh, bằng các câu chuyện thực của họ, vấn đề thực của họ như: “Vợ chồng em đang quan hệ thì các con nhìn thấy, làm sao bây giờ hả chị?”, hay: “Cháu trai 4 tuổi của em cứ liên tục nghịch con chim của mình một cách khoái trá, có làm sao không, em sợ lắm!”…

Sau này tôi biết có những người đi dự cả 3 cuộc hội thảo tại Hà Nội. Thách thức đối với chúng tôi ở mỗi lần tổ chức hội thảo hay tập huấn là, việc sắp xếp câu chuyện của họ thành một bức tranh có dụng ý khoa học. Nói một cách hình ảnh, chúng tôi chỉ cố gắng xác định tọa độ các điểm, còn phụ huynh là người tạo ra cách nối liền các điểm đó thành một bản vẽ thực dụng.

* “Giáo dục giới tính trong gia đình”, “Vẽ đường cho hươu chạy”, “Tập huấn văn minh tình dục”, “Cà phê sư phạm thứ Bảy - Giáo dục giới tính” liên tục các chương trình gần đây của TES.T đều liên quan tới vấn đề “hot” của xã hội hiện nay: giới tính và tình dục. Chị nghĩ như thế nào về sự “hot” và độ “hot” của vấn đề này trong xã hội VN hiện nay? Có phải TES.T cũng bị thu hút vì độ “hot” này?

- Chắc chắn việc TES.T đưa ra vấn đề giáo dục giới tính và tình dục trong gia đình vào lúc này không hẳn vì độ “hot”. Chủ đề giới tính và tình dục thì chưa bao giờ mất độ “hot” trong xã hội người, cho dù trước đây được giấu kín hoặc ngày nay được phơi bày đến mức trơ trẽn. Tuy nhiên, điểm xuất phát mấu chốt của chúng tôi khi đưa ra vấn đề này là: những nghiên cứu về tâm lý trẻ em cho thấy ký ức tuổi thơ và dấu ấn gia đình đã tham gia quy định phần lớn các giá trị của con người trong quá trình trưởng thành về sau (có 4/10 trẻ em bị lạm dụng tình dục, 9/10 trẻ em bị bạo hành). Cũng có lẽ, quan điểm của chúng tôi còn chịu ảnh hưởng bởi một lý thuyết rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa được giới thiệu kỹ tại Việt Nam của nhà phân tâm học Freud, rằng, vấn đề bản năng và dục vọng chi phối đởi sống tâm lý người vô cùng mạnh mẽ, cho dù chỉ ở dạng tiềm thức. Cũng có lẽ nó còn xuất phát từ chiêm nghiệm đời sống thực của chính bản thân mình: một người đàn bà Việt Nam cảm nhận được sự sâu thẳm của hạnh phúc bởi có được sự bình đẳng thực sự trong quan hệ tình dục. Tình dục thật là thú vị, và sự thăng hoa trong tình dục là một điều cần được dạy và được học (về cả giá trị, lẫn kỹ thuật).

“Hot” (về các vấn đề xã hội) ở ta thường nương vào một số sự kiện giật gân, gợi sự đau lòng và thường được truyền thông tận dụng để đẩy sự kiện “hot” đó lên đến “độ” thái quá, mà theo tôi là đôi khi là phản tác dụng (xét ở khía cạnh giáo dục). Nhưng rồi thì sẽ đến lúc “hot” sẽ… nguội. Nhưng vấn đề thì vẫn còn đó và có thể là còn vĩnh viễn, vì thế TES.T mong các bậc phụ huynh tỉnh táo xem xét vấn đề ở góc độ tâm lý giáo dục - một cách nhìn bền chắc về giáo dục giới tính.

Làm mẹ đơn thân, ly hôn... không phải là Tây hóa!

* Tất cả các chủ đề được đưa ra tại TES.T đều liên quan tới gia đình và giáo dục trong gia đình. Tại sao chị lại đặt sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục gia đình như vậy?

- Đúng là tôi đặc biệt quan tâm đến giáo dục gia đình. Như một thói quen cố hữu, mỗi khi nhìn thấy bất kỳ đứa trẻ nào ở đâu đó, tôi cũng đều dự cảm đến một đời sống tinh thần của chúng là gì ẩn sau bộ váy áo đẹp đẽ kia, ẩn sau mặt mũi nhem nhuốc kia, hay ẩn sau cái iPhone 4S trên tay chúng…, có điều gì làm chúng bị tổn thương không?

Nhiều người nói với tôi rằng thật là hoài cổ, đây là thời đại nào rồi mà còn lo tới giáo dục gia đình: học bán trú ở trường cả ngày, ăn bữa cơm tối vội để còn đi học thêm, chúng chỉ có ngủ ở nhà. Gia đình đang bị chôn vùi trong một thế giới bận rộn. Cộng với thông tin dồn dập từ các phương tiện đại chúng hấp dẫn đến mức có thể xói mòn những giá trị đạo đức của thậm chí những gia đình mạnh mẽ nhất, hạnh phúc nhất nếu không có sự quan tâm giáo dục gia đình thích đáng…

Vậy mà tôi vẫn cho rằng: gia đình, chỉ duy nhất có giáo dục gia đình là quan trọng nhất cho đời sống tinh thần của trẻ em ngay lúc này.

* Hàng chục năm nay, khi bố mẹ gửi con tới nhà trẻ, mẫu giáo, rồi vào các trường tiểu học, THCS, THPT, thì cô giáo đã được xem như “mẹ hiền”, tức là trách nhiệm giáo dục được đặt chủ yếu lên vai các thầy cô và nhà trường. Mọi thứ vẫn ổn. Vậy thì tại sao giờ đây chuyện giáo dục gia đình lại trở thành vấn đề nóng?

- Chị thấy đấy, sự phát triển kinh tế, công nghệ... cũng kéo theo nhiều cám dỗ xấu, chắc chẳng cần phải nói thêm. Với tôi điều đáng sợ nhất là những giá trị phi vật thể nhân bản bị xói mòn dần dần hàng ngày mà con người ta không ý thức được. Và trẻ em thì thật mong manh làm sao trước một môi trường sống như thế. Vị trí của gia đình ở đâu giữa cuộc hỗn loạn đó?

Giáo dục gia đình ở ta nay có nóng, cũng là một sự nóng muộn. Và tôi ước sao xã hội chúng ta không coi nó là hiện tượng nóng đột nhiên mà còn phải đẩy vấn đề lên đến “độ” cao hơn nữa và giữ nó bền lâu ở tầm độ nóng ấy.

Ở các nước phát triển, họ có trường học nghiêm túc dạy cách làm cha, cách làm mẹ và nghiên cứu về gia đình như là một tổ chức cơ bản và cổ xưa nhất, cũng như quan trọng nhất của xã hội, vì nhân tố con người, và vì 18 năm đầu tiên của đời người là 18 năm học làm người căn cơ nhất. Thời gian này, con người chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình.

Với con gái út, hiện đang học tại Anh, chị từng suýt mắc phải sai lầm khi đứng trước sự khủng khoảng tâm lý cuối cùng để trưởng thành (17 tuổi) của con.

* Gia đình ở VN càng ngày càng có xu hướng Tây hóa: ngày càng nhiều bà mẹ đơn thân, người độc thân, ly hôn, những quan hệ đồng tính… Giáo dục gia đình sẽ thay đổi ra sao trong những mô hình gia đình kiểu mới như vậy?

- Ngày nay hiện tượng có những bà mẹ độc thân hay ly hôn, phản ánh rất rõ sự thất vọng của họ về hôn nhân, họ không còn tin tưởng vào sức mạnh của mô hình gia đình truyền thống, và họ là những bà mẹ thật bản lĩnh ở cái thời điểm mà họ quyết định chọn lựa kiểu gia đình chỉ có một mình (độc thân) hay cộng thêm với những đứa trẻ (đơn thân); ly dị...

Nhưng đó không phải là hiện tượng độc quyền và “Tây hóa”. Ngày xưa trong chiến tranh, những người mẹ đơn thân nuôi con nhiều hơn bây giờ rất nhiều chứ. Chồng mất không tái giá, hoặc không dám tái giá. Người mẹ đơn thân khi đó là do hoàn cảnh, chứ không phải do sự chủ động như ngày nay.

Nhưng nếu nói tới những điều này đứng trên lợi ích của con trẻ, thì ảnh hưởng sẽ là như nhau, ngày xưa cũng như ngày nay. Đấy là một sự thiệt thòi tuyệt đối khi đứa trẻ lớn lên không có cha, không có hình ảnh của một người bố nâng giấc cho chúng, cho chúng ăn, dọn rửa tã lót... Chưa nói tới khi chúng lớn lên, những tổn thương mơ hồ, những khắc nghiệt hiện hữu sẽ là nỗi ám ảnh suốt đời mà các bà mẹ đơn thân cần nhận ra càng sớm càng tốt. Đứng ở khía cạnh này, sự chọn lựa những “mô hình gia đình kiểu mới” như thế không còn là bản lĩnh, mà là liều lĩnh. Việc bù đắp sự thiếu hụt hình ảnh một người cha trong gia đình đòi hỏi một nỗ lực vượt bậc khác thường của các bà mẹ đơn thân. Tôi quan niệm việc cân bằng âm dương ở mọi sự trong gia đình là điều thuận tự nhiên cho sự phát triển tâm lý của trẻ em. Việc mất cân bằng dưới một hình thức nào đó trong gia đình đều dễ dẫn đến sự bất ổn trong tinh thần con trẻ, và sự bất ổn đó lại lặn sâu đến mức không phải người mẹ nào cũng có thể nhận ra được, cho dù với một tình yêu vô bờ bến. Những di chứng phải đến nhiều năm sau mới nhận ra được, sẽ là “món nợ” mà chúng ta sẽ phải gánh cả đời. Ở những gia đình ly hôn, việc tái hôn nên được khuyến khích. Xu hướng “Tây hóa”, theo tôi, không vận dụng vào việc lý giải những trường hợp này.

Tôi từng thất bại

* Gia đình chị là niềm mơ ước của hầu hết các gia đình Việt Nam (một ngôi nhà trong mơ về vật chất, một người chồng lý tưởng về địa vị, học thức, kinh tế, hai con học tập tại nước ngoài và ngoan ngoãn, gia đình giữ truyền thống…). Chị có được điều đó nhờ may mắn? Nhờ sự hiểu biết, kiến thức của một tiến sĩ giáo dục học, hay còn cần yếu tố gì nữa? Một gia đình nếu không có yếu tố nào được như chị (có học, có người bạn đời tâm đầu ý hợp, có môi trường sống và làm việc phù hợp, có điều kiện kinh tế…) thì có khả năng có một gia đình mơ ước như vậy hay không?

- Những điều tôi có được hôm nay trước hết là nhờ vào nguồn gốc gia đình: tôi được đứng trên một cái nền văn hóa của tổ tiên để lại, cộng với một sự may mắn là đương nhiên rồi, và thêm nữa, yếu tố lãng mạn đã xuyên qua mọi cách tiếp cận của tôi với cuộc đời, nâng đỡ tôi bước đi, kiên nhẫn.

Trong trường hợp không có được may mắn trong quá khứ trưởng thành, hãy bắt đầu xây dựng một di sản gia đình từ đời mình ngay hôm nay, cho đời các con mình. Với tâm nguyện gia đình là trên hết, chúng ta sẽ tìm ra đối sách hợp lý. Tôi được biết địa chỉ rõ ràng những gia đình nông dân nghèo rất hạnh phúc, vì họ có giấc mơ của mình, họ không mơ giấc mơ của người khác.

* Trong giáo dục con và duy trì hạnh phúc gia đình, chị đã bao giờ suýt thất bại?

- Không phải là “suýt” mà đã từng thật sự thất bại! Chẳng có ai sống mà không thất bại, giả sử nếu cẩn trọng quá để không thất bại, thì như là không sống vậy, nó cũng như là cách chúng ta thắng từng cuộc nhưng tổng cuộc lại là thua.

Thất bại là một giá trị sống được nhận thức bằng sự đau đớn, nhưng bài học có được từ nó lớn hơn mọi thành tích mà chúng ta đạt được. Đây cũng là một điểm mấu chốt quan trọng của TES.T dành để huấn luyện cho trẻ em trong các kỳ trại “dế mèn bản lĩnh” của mình.

* Tại sao chị chọn 2 yếu tố Con bản lĩnh, Gia đình thuận hòa là 2 yếu tố hàng đầu của một gia đình? Người ta thường mong Con ngoan chứ ít ai nói tới Bản lĩnh.

Để trả lời được cho chị câu hỏi này, tôi muốn mượn câu nói của Giáo hoàng Alexander:

“Thói vô đạo đức là tên quái vật xấu xa

Vì căm ghét mà con người ta lại càng muốn nhìn

Nhưng nếu nhìn nhiều và quen với nó

Ban đầu chúng ta sẽ cố chịu đựng, sau đó sẽ là thương cảm và cuối cùng là đi theo”.

Nếu không phải là BẢN LĨNH thì sẽ là phẩm chất nào trong nhân cách con người có thể cưỡng lại được quá trình “gây tê” tiệm tiến này? Chúng ta mong con ngoan là chúng ta thường mong chúng có biểu hiện về thái độ lễ phép, biết nghe lời, tự tin… TES.T muốn đi vào tầng tâm lý sâu hơn trong nhân cách làm người của con trẻ. Và chúng tôi chọn BẢN LĨNH như một cái NEO tâm lý để trẻ em bám víu vào đó để thực hiện các quyền căn bản của mình (trong công ước quốc tế), đặc biệt trong tình hình xã hội bây giờ: chỉ có bản lĩnh mới tự vệ được và nói được lời từ chối với những cám dỗ.

Về yếu tố HÒA THUẬN: Ai cũng mơ về hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc thì dường như cần phải có sự tham gia của yếu tố may mắn. Trong giáo dục, không có các biện pháp sư phạm để làm ra những yếu tố mơ hồ không nắm bắt được, vì thế, điều khả dĩ là nằm ở một gia đình hòa thuận, vì sự hòa thuận thì chúng ta có thể làm chủ và tạo ra được. Đứng trên quan điểm thực dụng, thì HÒA THUẬN là điều có ích thiết thực hằng ngày cho từng thành viên trong gia đình. Một gia đình hòa thuận là một cái nôi thân thiện, chuẩn mực, kiểm soát được để con cái chúng ta trưởng thành lành mạnh, có bản lĩnh.

* Chị thích tiểu thuyết Suối nguồn và lấy nó làm tên trang web của TES.T? Điều gì ở cuốn sách này lôi cuốn chị?

- Suối nguồn là lời đề nghị từ Phó giám đốc của TES.T, là kiến trúc sư - nhà báo Đoàn Kỳ Thanh - với dụng ý hình ảnh về một dòng nước trong trẻo. Ngay lúc ấy, trong tôi tràn ngập những cảm xúc trở về từ cuốn tiểu thuyết Suối nguồn của Ayn Rand. Bởi khi tôi có nó, tôi đã luôn muốn sống ở cái thế giới như trong Suối nguồn, một cuốn sách ban đầu bị 12 nhà xuất bản từ chối vì họ nghĩ là sẽ không bán được và sẽ không có độc giả cho nó, vậy mà sau 25 năm cuốn sách vẫn được tiếp tục xuất bản.

Tôi thích Roark (*) bởi chẳng gì cám dỗ được triết lý sống của anh: Roark nói cái điều anh nghĩ và làm cái điều anh nói. Tôi thích cái lời thoại ý nghĩa nhất trong Suối nguồn trả lời câu hỏi của Toohey: “Sao anh không nói thẳng cho tôi biết anh nghĩ gì về tôi?”. Roark trả lời: “Nhưng tôi không nghĩ về ông”.

* Cảm ơn và chúc chị giữ mãi niềm say mê với công việc giáo dục của mình.

(*) Nhân vật chính trong tiểu thuyết Suối nguồn

P.T.T.T (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm