Tịch thu bình nước từ thiện: mèo tha miếng thịt xôn xao, kễnh tha con lợn thì nào thấy chi

05/08/2015 07:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Người ta nói rất đúng, từ thiện và việc tuân thủ pháp luật là hai việc rất khác nhau. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bất kể là ai, hành động với mục đích gì cũng đều phải tôn trọng pháp luật.

Điều đó có nghĩa là, việc người dân đặt bình nước từ thiện trên vỉa hè, dù mục đích rất tốt đẹp, nhưng lại vi phạm trật tự an toàn giao thông thì nhất thiết phải tịch thu, không cần gì phải bàn cãi.

Một cái bình nước đặt trên vỉa hè, nói là vi phạm trật tự an toàn giao thông thì không sai. Vỉa hè, về nguyên tắc là để dành cho người đi bộ. Ai để các vật dụng trên đó, đều là lấn chiếm; chưa kể việc người đi đường dừng lại làm một cốc nước miễn phí ở đó có thể gây cản trở giao thông.

“Không phải cứ làm từ thiện là có quyền hôm nay đặt bình nước, ngày mai để can nước, ngày kia để téc nước ra đó” - Phó Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh, phân tích.

Suy luận phải nói là rất logic, mặc dù chỉ bằng siêu tưởng người ta mới có thể hình dung ra chuyện có thể mang cả téc nước ra vỉa hè để từ thiện, nhưng có lẽ không ai không nhận thấy một thực tế là cái vỉa hè của Hà Nội hoàn toàn không "vô trùng" đến mức mà để một cái bình nước từ thiện đặt trên đó cũng có thể làm rối loạn phép nước.

2. Tất cả đều thấy hàng ngày, hàng giờ, vỉa hè, thậm chí lòng đường, cùng nhiều không gian công cộng của thành phố đang bị chiếm dụng như thế nào theo cả hai cách: hợp pháp và bất hợp pháp. Chúng bị sử dụng để làm chỗ bán hàng, họp chợ, làm bãi trông giữ xe..., nhiều chỗ cũng thu phí hẳn hoi, và đương nhiên có mang nguồn thu về cho ngân sách.

Nhưng thử hỏi, cách khai thác vỉa hè như vậy đã hợp lý chưa? Có cản trở giao thông không? Không thể nói là không ảnh hưởng. Nhưng phải chăng vì nó mang lại lợi ích (cho cá nhân, hay tập thể, hay cho cả xã hội) mà người ta chấp nhận và coi là hợp pháp? Thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là một "nét đẹp" văn hóa của đô thị ta.

Bỏ qua cái nét đẹp ấy. Thực tế thì ai cũng có thể đặt câu hỏi, vì sao không dẹp triệt để được việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè; vì sao phường nào cũng phải sinh ra một đội trật tự chuyên đi bắt, đuổi hàng rong, họp chợ mà cuối cùng phần lớn vẫn là "bắt cóc bỏ đĩa"?

Là bởi vì không diệt được những lợi ích khó đong đếm được trong đó. Vỉa hè vẫn là chỗ để "xin – cho".

Lúc đó sao không nhấn mạnh sự thượng tôn pháp luật? Hay như dân gian thường nói, "mèo tha miếng thịt xôn xao, kễnh tha con lợn thì nào thấy chi"?

3. Xét cho cùng, bình nước từ thiện cũng mang lại lợi ích như việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Đó là lợi ích vật chất cho những người nghèo (cốc nước miễn phí) và lợi ích tinh thần cho cả xã hội.

Nhưng dù thế, tôi cũng rất kỳ vọng vào một sự thượng tôn pháp luật sau vụ tịch thu bình nước miễn phí, trả lại toàn vẹn vỉa hè cho người đi bộ, không khai thác kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhưng tôi lại ngạc nhiên khi sau đó, khi có ý kiến dư luận, công an phường tịch thu bình nước từ thiện lại mời đại diện các hộ dân lên trả lại, thậm chí còn được hứa tuyên dương. Các hộ dân lại được phép tiếp tục đặt bình trà đá từ thiện nhưng được yêu cầu phải ở vị trí hợp lý.

Tôi ngạc nhiên không biết thế nào là vị trí hợp lý? Trong các bức ảnh mới nhất, tôi vẫn thấy bình nước được đặt trên vỉa hè, cạnh một gốc cây. Theo phân tích về tinh thần thượng tôn pháp luật như trên thì có lẽ nó vẫn vi phạm việc sử dụng vỉa hè, dù chỉ một tí ti...

Dù chỉ một tí ti, nhưng nó vẫn là một sự nửa vời...

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm