Thực hư gạo lạ

05/04/2012 16:15 GMT+7 | Thế giới

Câu chuyện về những hạt gạo lạ với những đặc điểm bất thường do sinh viên Nguyễn Duy Mạnh, tạm trú Q.Hoàng Mai (Hà Nội) cung cấp cho báo chí khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người hồ nghi, đây có thể là gạo giả.

Nghi vấn gạo giả

Nếu sử dụng ni lông hoặc cao su và hương liệu để làm gạo giả thì giá thành đều đắt hơn rất nhiều so với trồng lúa để lấy gạo

TS Lê Duy Hàm Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp

Trao đổi với Thanh Niên, Nguyễn Duy Mạnh cho biết: “Khi mua gạo tại một cửa hàng gần nhà trọ về nấu ăn, chúng tôi phát hiện nhiều điểm bất thường. Bề ngoài, trông gạo rất đẹp, cả hạt gạo trong suốt, 10 hạt đều như nhau. Nấu lên để nguội thì cơm rất cứng và không có độ kết dính”. Theo anh Mạnh, số gạo này được mua từ ngày 16.3 với giá 14.000 đồng/kg. Quan sát những hạt gạo “lạ” do Mạnh cung cấp, chúng tôi nhận thấy, các hạt gạo đều rất bóng, dài, không bị nát và gần như giống hệt nhau. Dùng tay, rất dễ để bẻ gãy đôi các hạt gạo. Cho vào miệng nếm thử thì không có mùi vị gì cả. Bằng mắt thường, rất khó có thể phân biệt được đây là gạo “lạ” hay không “lạ”.

Ngay sau khi thông tin về những hạt gạo bị nghi là gạo giả được phát đi, các cơ quan hữu trách của Hà Nội và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã vào cuộc, tiến hành xác minh tại cửa hàng đã bán gạo cho Mạnh. Tuy nhiên, tại đây, các đoàn công tác không tìm thấy mẫu gạo như Mạnh đã thông tin. Lượng gạo “lạ” mua về, Mạnh cũng đã đổ bỏ hết. Hiện còn một ít mẫu gạo do Mạnh cung cấp lúc đầu đang được một vài cơ quan báo chí giữ và các cơ quan hữu trách đã liên lạc để lấy mẫu.

Trước đó, hồi giữa năm 2011, một bạn đọc ngụ tại thị trấn Xuân Mai (H.Chương Mỹ, Hà Nội) đã cung cấp cho phóng viên Thanh Niên những hạt cơm được cho là nấu từ những hạt gạo “lạ”. Theo người đàn ông này, những hạt gạo mua về trông trong suốt, đều đặn, không bị nát, không có nội nhũ. Thành cơm thì các hạt cơm không kết dính vào nhau, không có mùi vị, để 5-6 ngày trong túi ni lông buộc kín vẫn không bị thiu và bốc mùi. Ăn cơm này vào thấy đầy và đau bụng nhẹ.

Những hạt gạo mà anh Mạnh và bạn đọc nêu trên cung cấp được cho là giống hệt với những hạt gạo mà một người nội trợ tại TP.HCM mua phải từ một người chạy xe đạp bán gạo dạo với giá 10.500 đồng/kg vào cuối tháng 2.2011. Người tiêu dùng lo lắng về sự an toàn và chất lượng bữa cơm của gia đình nhưng từ đó đến giờ, chưa có một kết luận mang tính khoa học, chính thức từ các cơ quan hữu trách về việc đó có phải là gạo giả hay không và nếu không phải gạo giả thì là gạo gì.



Những hạt gạo “lạ” do anh Mạnh cung cấp cho báo chí (trái) và gạo mà gia đình người viết đang sử dụng - Ảnh: Q.D

Làm gạo giả giá đắt hơn gạo thật

TS Lê Duy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, về mặt công nghệ, làm ra gạo thật dễ hơn nhiều so với làm gạo giả. Giá thành gạo thật cũng rẻ hơn so với gạo giả. “Giá thành mỗi kg gạo phẩm cấp trung bình hiện chỉ ở mức trên 10.000 đồng/kg. Nếu sử dụng ni lông hoặc cao su và hương liệu để làm gạo giả thì giá thành đều đắt hơn rất nhiều so với trồng lúa để lấy gạo. Về mặt kinh tế, sẽ không có chuyện người ta chấp nhận bỏ công sức, tiền bạc và bất chấp pháp luật để sản xuất ra một thứ gạo chỉ bán ra thị trường với giá khoảng 14.000 đồng/kg. Bán với giá đó, lỗ là đương nhiên”, ông Hàm nói.

Theo TS Hàm, gạo “lạ” có thể là một thứ gạo ăn kiêng nào đó. Hiện người ta đã chọn tạo ra được giống lúa cho gạo cung cấp riêng cho những người bị tiểu đường. Ăn gạo này sẽ no bụng nhưng lượng đường trong máu không tăng như gạo bình thường.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, gạo lạ chính là loại gạo basmati của Ấn Độ và Pakistan đã được bán ở Việt Nam, tuy không phổ biến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho biết, giá của loại gạo basmati hiện ở mức trên 1 USD/kg nên không có ai dại gì mà bỏ tiền nhập gạo này về bán với giá 14.000 đồng/kg. GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN nói rằng, VN đã trồng lúa basmati nhưng mới chỉ ở diện hẹp, chưa phổ biến do điều kiện thổ nhưỡng ở nước ta không phù hợp. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng xác nhận, hiện VN đang nhập một lượng không đáng kể các loại gạo phẩm cấp cao từ Thái Lan để phục vụ nhu cầu của một bộ phận nhỏ người tiêu dùng trong nước.

Tối 4.4, sau khi quan sát, sờ tận tay và cho vào miệng nếm thử những hạt gạo bị nghi ngờ là gạo giả do sinh viên Mạnh cung cấp cho cơ quan báo chí do PV Thanh Niên đem đến tận nhà riêng, ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm khẳng định: “Bằng cảm quan, theo tôi đây chắc chắn là gạo thật, không phải gạo giả. Gạo trong và bóng nhiều khả năng là do đã được đánh bóng hoặc “hồ” bằng một chất nào đó. Cho vào miệng nhai, gạo không có mùi vị gì có thể là do gạo cũ, đã để lâu ngày nên mất mùi. Muốn xác định chất lượng những hạt gạo này như thế nào thì cần phải làm các xét nghiệm mới cho kết quả chính xác và thuyết phục nhất”.

Ông Hoàn phán đoán rằng, có thể đó là một loại gạo phế phẩm, người ta “tút” lại rồi đem bán kiếm lời. Bên cạnh đó, bây giờ đã có nhiều giống lúa cho gạo hạt dài. Với công nghệ tiên tiến như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể luộc gạo ở nhiệt độ 54 độ C, sấy khô rồi xay xát để có được những hạt gạo trong, đều và không bị nát.

Trứng giả là trứng chay

Liên quan đến thông tin trứng giả đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam, TS Lê Duy Hàm cho biết, qua xác minh đã xác định đó thực chất là loại trứng phục vụ người ăn chay. Ở Trung Quôc người ta còn mở cả lớp dạy làm trứng này. Giá thành rẻ hơn trứng bình thường nên dân buôn nước mình mua về, trộn lẫn với trứng gà, trứng vịt để bán kiếm lời. Thực chất đây là hành vi gian lận thương mại.

Chỉ cần đánh mấy chữ “trứng gà giả” bằng tiếng Hoa, google.cn sẽ lập tức cung cấp tới 997.000 trang mạng với thông tin liên quan, trong đó có vô số trang còn cẩn thận cung cấp một số công thức làm trứng gà giả, cũng như những cách nhận biết trứng gà giả. Theo đó, cách thông thường là sử dụng muối alginate - một loại muối rẻ mạt, 6,5 kg có khả năng sản xuất được 150 kg trứng giả; canxi oxit, màu thực phẩm... Cho muối alginate vào nước và khuấy đều sẽ cho ra một dung dịch trắng có độ dính y hệt lòng trắng trứng gà thật. Tiếp đó, lấy một phần lòng trắng vừa tạo được, cho thêm màu thực phẩm vàng để làm ra hỗn hợp làm lòng đỏ. Hỗn hợp này được đưa vào khuôn có kích thước bằng lòng đỏ thật và sau đó nhúng thật nhanh vào nước vôi để định hình. Mặt ngoài của “lòng đỏ” sẽ có một màng trong suốt y như thật. Đem “lòng đỏ” bỏ vào trong “lòng trắng” sẽ được một quả trứng giả. Bước cuối cùng là nhúng hỗn hợp này vào canxi cácbonat để tạo thành vỏ trứng. Như vậy, chỉ mất 0,55 tệ giá vốn (1.760 đồng), người ta đã có ngay 1 kg trứng gà giả, sẵn sàng trộn lẫn vào trứng gà thật, tung ra thị trường bán lấy lời. Việc sản xuất trứng gà giả rất dễ nên trung bình 1 người có thể sản xuất được 1.500 trứng gà giả/ngày.

Báo chí Trung Quốc cũng nhận định, dù các chất này khi vào cơ thể con người không có tác động quá lớn rõ rệt tới sức khỏe, nhưng nếu người tiêu dùng vô tình ăn loại trứng gà giả này kéo dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ và những vấn đề về não, hoặc gây đau dạ dày.


Theo Thanh niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm