Thú chơi đại bàng giữa chốn Hà Thành

17/05/2010 16:33 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện nhan nhản các trang web mua bán chim đại bàng để phục vụ thú chơi “độc” của nhiều người tại TP.HCM. Những tưởng thú chơi “cầm tù” chúa tể trời xanh chỉ xuất hiện ở Sài Gòn. Tuy nhiên, “dân chơi” Hà Nội cũng tỏ ra không kém cạnh. Nếu tìm hiểu kỹ có thể thấy loại chim quý này đang trở thành thú tiêu khiển của một số người.

“Độc” nhưng phạm luật

Giới chơi chim đại bàng đất Hà thành có vẻ kín tiếng hơn những người có cùng sở thích ở TP.HCM. Trên các trang web mua bán và hướng dẫn giá cả, cách nuôi, thông tin chủ yếu hướng vào thị trường TP.HCM. Tuy nhiên, qua giới thiệu của H. nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội một người khá nổi tiếng trong giới chơi chim ở Hà Nội thì có thể thấy thú chơi chim đại bàng cũng không xa lạ gì với dân chơi Hà Nội.

Trong nhà H., từ hiên cho tới vườn lủng lẳng hàng trăm lồng chim, có rất nhiều loại, từ loài chim để chơi màu sắc lông như gà tre, vẹt, chào mào, bồ câu hội, hoàng yến... đến loài chim chơi tiếng hót như cu gáy, khướu, họa mi, sơn ca. Cũng như TP.HCM, những người chơi chim đại bàng ở Hà Nội không hiếm, cũng như cách chơi đại trà của người Sài Gòn, chỉ cần nuôi chim sống khỏe mạnh là được. Ở Hà Nội hiện nay, hầu hết người chơi cũng chỉ dừng lại ở mức độ “nuôi nhốt”, dùng xích cột chân chim vào một chỗ để làm cảnh hoặc nhốt chim vào lồng để ngắm! Như vậy, chim không chết nhưng cũng sống “dặt dẹo” vì đã mất hết những đặc tính săn mồi bản năng của loài nhất điểu. Nuôi đã khó, huấn luyện đại bàng còn khó hơn. Theo H người được gọi là có vía chơi chim là phải thần phục được loài chim đế vương này. Tận mắt nhìn thấy đại bàng, nhất là đại bàng đã được huấn luyện theo lệnh chủ, trước đây tôi chỉ thấy trong... phim, sau khi thuyết phục, H. đồng ý để tôi thực mục sở thị chúa tể trời xanh.


Chú đại bàng thuần hóa trên tay H.

Thiên điểu của H. được xích chân trên bộ cây gỗ lũa ở ban công tầng hai, một nơi thoáng đãng khí trời nhưng tương đối kín đáo. H. nhẹ nhàng đưa bàn tay đã đi chiếc bao da dày cộp về phía con chim, tay kia tháo sợi xích bạc. Con chim ưng ngoan ngoãn nhảy lên tay chủ, đôi mắt vàng ngó nghiêng mấy vòm cây xanh quanh nhà và những con chim H. chỉ chơi sắc như vẹt, bồ câu hội... trong những chiếc lồng treo trước hiên. Mỏ đại bàng sắc dài, nhọn màu đen pha xám bạc, mắt có màu vàng với các tia nhìn ánh kim sắc lạnh, bộ móng rất dài, sắc như dao quặp chặt vào chiếc bao da. H. rất ít khi để các loại chim “chơi thanh” tức là chim có giọng hót hay nhìn thấy thiên điểu bởi tuy nó không thể “động chạm” đến lũ họa mi, chào mào, sơn ca kia nhưng nếu chúng nhìn thấy đại bàng là tất cả co rúm mình và “tắt hót” hàng tuần lễ. Đấy là cái “vía” của loài chim đế vương, người huấn luyện phải bắt được cái vía này và phải yêu quý con chim thật sự thì mới nói đến chuyện huấn luyện nó thành công.

H. đã từng nuôi qua tay và huấn luyện đến hàng chục chú đại bàng. Ngày đầu tiên, mang chim dữ về nhà anh bị gia đình phản đối kịch liệt vì sợ con chim làm hại đến lũ chim cảnh và trẻ con trong nhà. Và quả thực, con chim hoang dã tỏ ra rất hung dữ, nó dùng những thế võ bằng móng và mỏ của loài nhất điểu để tấn công vào tay anh. Tay H. bị con chim quắp những móng sắc nhọn làm tóe máu. Bằng sự kiên trì và thói quen nhà nghề, mấy ngày liền H. chủ động ngồi đối diện nói chuyện để con chim quen và nhận ra tiếng chủ. Thật bất ngờ, đến ngày thứ ba, con chim đã bắt đầu nhận chủ. Mặc dù dè dặt nhưng nó đã thôi, không tấn công H. nữa. H. cho con chim ăn một chế độ đặc biệt, mỗi ngày con chim ăn hết một nửa lạng thịt bò, ban đầu là xắt thành miếng nhỏ bằng đốt ngón tay (không dùng thịt xay hay thịt băm) để con chim có thể sử dụng những động tác bản năng là xé, giằng mồi. Thậm chí, thỉnh thoảng H. cho nó bắt sống cả loại chim nuôi công nghiệp theo cách huấn luyện của H.

Khi cho chim ăn, H. phải đeo bao tay bằng da đề phòng móng vuốt của đại bàng bấu vào gây thương tích. Theo H., chim ưng là giống vật đặc biệt trung thành, chỉ nhận một chủ. H. đã từng mất con chim ưng đầu tiên, chính vì đặc điểm “chỉ nhận một chủ” này. Thấy H. thả chim đi và gọi bay về được nên một lần khi H. đi vắng, người nhà cũng thử thả chim ra để cho nó ăn. Thấy không phải là chủ của mình, con chim sợ bay mất hút. Từ con chim thứ hai, H. đã có được thành công, không chỉ biết “nghe lời” khi ăn mà nó còn bắt đầu biết định dạng tiếng còi của H. để gọi chim bay đi và bay về.

Khi tôi hỏi, H. có biết đây là loại chim được liệt vào danh sách quý hiếm cần bảo tồn, H. im lặng.

Cần phải nghiêm cấm

Theo phụ lục của công ước về cấm buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, đại bàng là động vật hoang dã nằm trong mức cực kỳ quý hiếm. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới tùy vào nền văn hóa và pháp luật mà một số nước cho phép người dân sở hữu loại động vật này. Giống như tại thảo nguyên Mông Cổ, vùng Siberi, người dân nuôi đại bàng để phục vụ săn bắt hay chăn nuôi gia súc. Ở một số nước A-rập thì việc sở hữu một con chim đại bàng được xem là thước đo đánh giá độ sang trọng, giàu có của chủ nhân. Ví dụ chi phí cho một chú đại bàng của các ông hoàng A-rập, hoặc một đại gia có thể lên đến cả triệu USD với mũ đội đầu chim ưng có gắn gia huy bằng vàng, găng tay, bộ định vị điện tử GPS và người chăm sóc chim được trả lương rất cao.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo nghị định 32-CP của Chính phủ thì đại bàng nằm trong nhóm 2B thuộc loại động vật quý hiếm. Những hành vi buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép, không có nguồn gốc, giấy tờ chứng minh, kể cả việc vô tình nuôi làm cảnh sẽ bị tịch thu và theo mức độ nặng nhẹ mà quyết định xử lý hình sự hay hành chính. Thực tế, trên mạng có khá nhiều trang web, diễn đàn công khai mua bán và hướng dẫn nuôi loại động vật này. Ngay cả một diễn đàn về nông nghiệp khá nổi tiếng là http://agri....com cũng đưa thông tin về việc mua bán loại chim này. Theo các trang này, giá chim rất đa dạng, từ vài trăm nghìn đồng đến khoảng 5 triệu đồng một con, tùy vẻ đẹp và tuổi của chim. Tại Hà Nội, theo H., việc tìm mua đại bàng cũng không phải là quá khó khăn. Chú chim H. đang nuôi là do một lần đi mua chim cảnh ở phố Hoàng Hoa Thám. Thấy con chim non trong tình trạng thảm thương, ủ dột, thoáng nhìn, H. biết ngay đó là đại bàng, dường như, nó quá mệt mỏi với việc tháo chạy khỏi lồng. Người buôn chim uể oải đưa ra cái giá 40 nghìn đồng, khuyến mãi luôn cả chiếc lồng cũ. Và đến giờ, sau 2 năm, con chim này của H. đã có người trả 4 triệu đồng, nhưng H. chưa bán.

Không như dân nuôi chim TP.HCM, đại bàng nuôi thường có nguồn gốc từ Tây Nguyên. Dân chơi chim đại bàng Hà Nội thường mua đại bàng của các dân buôn từ Móng Cái về, họ giao hàng ở Bắc Giang và Bắc Ninh. H. cho biết, trước kia những nhà buôn này thường nhập cả rùa cảnh, chuột bạch về bán các phố tại Hà Nội, họ bán cả đại bàng, nguồn gốc ở đâu thì “chỉ họ mới biết”. Hiện nay, phong trào nuôi chuột bạch và rùa của giới trẻ Hà Nội chìm xuống, nhưng đầu nậu vẫn nhập các loại chim, nếu đặt trước, thì mua đại bàng với số lượng hàng chục con cũng có.  

Như vậy, có thể thấy thú chơi chim đại bàng không chỉ xuất hiện tại TP.HCM mà nó còn khá phổ biến tại Hà Nội. Đại bàng là loại động vật quý hiếm cần bảo vệ, tuy nhiên vì nhiều lý do, người dân vẫn lén lút nuôi để phục vụ cho sở thích riêng. Đây là việc làm đe dọa nghiêm trọng tới loài động vật cần được bảo vệ.

Lưu Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm