Thêm một người sưu tập tranh truyền thần

23/05/2008 17:25 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH)- Hơn một tháng sau, TT&VH nhận được thư của nghệ nhân Trần Thanh Ngữ, 74 tuổi, có hơn 30 năm hành nghề vẽ truyền thần… chia sẻ nhiều nỗi niềm của người làm nghề này. Chúng tôi đã ghi lại những lời chia sẻ này của ông

Theo nghệ nhân Trần Thanh Ngữ, sở dĩ ông có thư phản hồi đến TT&VH chậm như vậy vì bản tính của ông rất cẩn trọng trong mọi việc làm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngữ cho biết nghề vẽ truyền thần vẫn mang lại nhiều hữu ích cho đời sống mặc dù trước sự tiên tiến của khoa học kỹ thuật, nghề này ngày một thoái trào.

Ông Ngữ lo lắng trước khi nhắm mắt về với ông bà không được thấy nghề này phát triển. Nghệ nhân Trần Thanh Ngữ sinh năm 1934 tại Huế. Ông đến với tranh truyền thần bằng việc “học lỏm” từ lúc khoảng 18 tuổi, khi đi xem các tiệm vẽ làm việc. Những năm 1960 tại Huế có nhiều tiệm vẽ truyền thần; nếu so sánh một cách tương đối thì các tiệm vẽ này cũng nhiều như các tiệm chụp ảnh cùng thời. Nhưng thời đó, nhiều người ở Huế còn thích vẽ truyền thần để kỷ niệm, dù giá một bức truyền thần cao hơn nhiều lần so với ảnh chụp.

Vì mê vẽ và cũng vì nghề này làm ăn khấm khá, cậu thanh niên Trần Thanh Ngữ quyết tâm học nghề. Gọi là học nghề nhưng thực chất là tự học; ông Ngữ thực hành bằng cách vẽ người thân trong gia đình. Bức truyền thần đầu tiên ông vẽ người cậu ruột. Khi biết đứa cháu vẽ mình, người cậu đã la rầy: “Muốn vẽ thì phải có thần thánh phù hộ, chứ người như mi vẽ ra răng?”. Không chỉ riêng người cậu của ông Ngữ mới “mê tín” chuyện vẽ truyền thần, mà ngay cả những người thợ hành nghề lâu năm cũng tin vào chuyện thánh thần phù hộ.

Ông Ngữ cho biết nhiều người thợ vẽ không giống nhân vật thường đổ lỗi rằng người trong ảnh “cao số” quá nên vẽ không thể giống. Trong hơn 30 năm vẽ truyền thần, ông Trần Thanh Ngữ đã lang bạt vào Nam hành nghề hầu khắp các tỉnh, thành và cuộc sống đã cho ông nhiều kinh nghiệm để khẳng định: “Muốn làm nghề gì cũng phải có bí quyết”. Rút tỉa từ kinh nghiệm làm nghề, ông Ngữ đã biên soạn quyển sách Bí quyết vẽ truyền ảnh chân dung chuẩn xác (NXB Mỹ Thuật 2005).

bức tranh truyền thần ca sĩ Mỹ Tâm

Quyển sách này dày chưa đến 50 trang nhưng được trình bày đơn giản để bất cứ ai cũng có thể đọc và tự học vẽ. Ông Trần Thanh Ngữ tự hào mình có thể vẽ chuẩn xác đến 99%, dù ảnh mẫu đã xuống cấp chỉ còn độ nét 60 - 70%, cũng nhờ những bí quyết đã thu gặt được sau nhiều chục năm làm nghề. Chờ khi thiên hạ nhàm chán với máy móc Nhưng đến nay, không ít người tự hỏi, trong bối cảnh ai cũng có thể sắm cho mình một máy ảnh kỹ thuật số, chưa kể các tiệm chụp ảnh cũng nhận phục hồi ảnh cũ bằng máy vi tính thì nghề truyền thần sẽ ra sao?

Bằng kinh nghiệm và sự trải đời của mình, ông Ngữ khẳng định nghề vẽ truyền thần chỉ tạm thời gặp khó khăn chứ không thể biến mất hoàn toàn. Ông tin đến một lúc nào đó, khi con người thấy nhàm chán với máy móc thì các nghề thủ công nói chung và nghề vẽ truyền thần nói riêng sẽ có cơ hội phát triển trở lại. Nhưng đợi đến lúc đó, thì ngay bây giờ nghề vẽ truyền thần ít nhất phải được gìn giữ bằng việc truyền nghề cho người trẻ. Ông Ngữ có người con đã tốt nghiệp đại học ngành tài chính, nay học thêm mỹ thuật. Ngày con ông thi vào mỹ thuật đã vẽ một bức truyền thần thì giáo viên đề nghị vẽ lại vì loại tranh này không có giá trị mỹ thuật. Nói như thế để thấy, vẽ truyền thần là một nghề thì phải có nơi đào tạo nghề bài bản. Ông Trần Thanh Ngữ hiện tuổi cao sức yếu nhưng vẫn nhận “hàng” từ nhiều nơi gởi về, đặc biệt là Mỹ.

Ở Mỹ không phải thiếu người vẽ truyền thần cũng như công nghệ để phục hồi ảnh cũ. Nhưng như tên gọi của nghề này, dù sao chép lại ảnh cũ cũng phải giữ được cái thần hay truyền thần của nhân vật vào tranh. Chính vì phải “truyền thần” nhân vật vào tranh đã khiến nhiều thân chủ không hài lòng khi nhận sản phẩm rất giống mà không hề giống nhân vật chút nào. Ông Ngữ bật mí vẽ truyền thần phải chăm chút tất cả các chi tiết nhưng khó nhất vẫn là mắt và mũi vì hai nơi này là trung tâm của gương mặt, mà điều này không phải máy móc nào cũng làm được. “Vẽ ca sỹ Mỹ Tâm mất 8 công đoạn”

Ông Ngữ hiện có một bộ sưu tập khoảng 16 bức truyền thần vẽ những nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam và nhiều ngôi sao trong làng giải trí quốc tế. Ông muốn thông qua tranh truyền thần những nhân vật quen thuộc với mọi người để ai cũng có thể đối chiếu sự giống nhau giữa tranh và nguyên mẫu. Bức ảnh truyền thần vẽ ca sĩ Mỹ Tâm, ông Ngữ lấy ảnh mẫu từ một tờ báo bé xíu rồi từ đó vẽ thành bức tranh lớn hơn với 8 công đoạn thực hiện. Ông Ngữ cho biết để hoàn thành một bức truyền thần phải mất từ 2 đến 7 ngày thực hiện, tùy độ khó dễ của gương mặt.

Như bức vẽ ca sĩ Mỹ Tâm, đầu tiên ông kẻ ô thưa trên giấy rồi phát thảo những nét cơ bản của gương mặt, sau đó kẻ ô dày hơn để phát thảo thêm các chi tiết. Bước thứ 3 ông Ngữ vẽ các chi tiết phụ như mái tóc và dần dần kẻ ô dầy đến từng milimet để bức truyền thần đạt độ chính xác hoàn mỹ... Lâu nay nhiều người quan niệm vẽ tranh là công việc tài tử, nghệ sĩ... Nhưng với thể loại tranh truyền thần và người làm nghề này thì không thể làm việc theo cách “nghệ sĩ” được. Đó là công việc đòi hỏi lòng kiên nhẫn rèn luyện và học hỏi không ngừng. 
T.Kiều 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm