Tháp Po Dam - Kiến trúc kỳ lạ của tháp cổ Champa

29/07/2013 07:15 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Tháp Po Dam thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được xem là một trong những cụm tháp cổ nhất của nền kiến trúc Champa, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, trong thời gian trùng tu, mưa lớn làm đổ hàng dài bờ thành mới ở phía Đông, qua đó lộ diện nhiều hiện vật lạ, quý... Nhà nghiên cứu Inrasara trình bày đôi nét về cụm tháp này.

Tháp Po Dam (đọc là Pô Tằm) là tên cụm tháp thuộc làng Tuy Tịnh (palei Paplom) có cấu trúc và sự bố trí rất lạ, lạ nhất so với các cụm tháp thuộc truyền thống kiến trúc Champa.

Lạ, thay vì dựng trên đỉnh đồi hay trên đất bằng như nhiều cụm tháp khác, tháp Po Dam lại được bố trí bên sườn đồi. Người Chăm gọi đó là Cơk Gađak, còn người Việt trong vùng gọi là đồi Ông Xiêm. Đến tận hôm nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải thích được hiện tượng này. Lạ nữa, trong 6 ngôi tháp tìm thấy, duy nhất tháp Nam (theo cách đặt tên của nhà khảo cố Pháp H. Parmentier) có cửa chính hướng về đông là phía mặt trời mọc như hầu hết tháp Chăm, còn lại cả 5 ngôi tháp trong cụm tháp Po Dam đều quay mặt về hướng Nam, chếch hướng Tây một ít. Hiện tượng này ở Thánh địa Mỹ Sơn cũng có, nhưng thay vì hướng Nam, tháp G1 lại quay mặt về hướng Tây. Có nhà nghiên cứu lí giải rằng, cửa tháp hướng như thế để tưởng niệm tổ tiên, còn hướng nam là về thế giới bên kia, cõi âm. Dẫu sao, đây là hai hiện tượng hiếm có trong lịch sử kiến trúc tháp Chăm.

Tháp Po Dam mặt hướng về Nam
Tháp Po Dam là cụm tháp được tạo dựng vào thế kỉ thứ tám, cùng niên đại với tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận. Hơn 12 thế kỷ sóng gió, thêm vị trí kiến trúc khá “bấp bênh”, nên tháp bị đổ nát nhiều. Ngoài hai ngôi tháp trục Bắc bị đổ hoàn toàn trơ ra linga, 4 ngôi thuộc trục Nam còn lại không ngôi tháp nào còn nguyên vẹn. Do đó tỉnh Bình Thuận có kế hoạch gia cố, trùng tu và tôn tạo.

Kế hoạch kéo dài từ năm trước, nhưng do phát hiện thấy vài dấu vết lạ, đoàn gia cố tạm ngưng, chờ quyết định tiếp theo của Bộ. Tháng 6/2013 vừa qua mưa lớn, lũ đổ xuống làm lở hàng dài bờ thành phía Đông. Thế là nhà khoa học các cấp - Bảo tàng tỉnh Bình Thuận và Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ - cấp tập tiến hành làm lại và khai quật lại toàn diện hơn.

Ngoài các cổ vật quý được tìm thấy mà các báo đã đưa tin, như: các mảnh ngói cổ có hình thù lạ, bộ bàn nghiền bằng đá (người Chăm gọi là Rathung patau), hai chiếc nhẫn mưta bằng đồng, 1 chiếc chuông nhỏ bằng đồng, 1 rìu sắt,  1 lục lạc đồng in, dưới trục tháp Bắc, người ta còn tìm thấy 1 cái chén (pata - patil) màu vàng (có thể bằng đồng hay vàng) và đặc biệt là bộ xương có thể là hài cốt mà truyền thuyết cho là của mẹ vua là Po Bia Than. Ngôi mộ của bà - như mộ của Bia Than Cih ở tháp Po Rome ở Ninh Thuận - sau đó đã được lấp lại. Và chờ...

Phía Nam khu tháp trục Nam sau khi khai quật cũng hiện ra toàn bộ phần chân đế với các di tích quan trọng.

Tháp Po Dam là một trong những cụm tháp cổ và có cấu trúc kỳ lạ nhất trong nền kiến trúc cổ Champa ở vùng cực Nam vương quốc này. Hơn thế nữa, đó là cụm tháp sống, nghĩa là đang được cộng đồng Chăm trong khu vực thờ phụng, cúng tế hằng năm. Khai quật mang tính khảo cổ là cần, để qua đó khám phá những dấu vết chứng thực cho lịch sử đồng thời thu thập được các hiện vật làm giàu bảo tàng đất nước. Thế nhưng cần hơn nữa, là làm sao tôn tạo được tháp mà không bị hư hại và nhất là, không bị lai tạp, để giữ phần linh thiêng của tháp như là tháp Chăm đúng nghĩa của nó.

Inrasara
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm