“Tết này con không về”

13/01/2012 10:52 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tết Nguyên đán càng đến gần, những người xa quê bắt đầu chộn rộn chuẩn bị về nhà đón Tết, những người ở lại nhà trọ càng cảm thấy buồn hơn. Họ ở lại đón Tết tha hương vì lương, thưởng cuối năm thấp mà vé tàu, vé xe tăng cao. Có người ở lại để tranh thủ kiếm thêm tiền lo cho gia đình.

Xóm trọ phía đường Kênh Tân Hóa, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM, dành cho công nhân, lao động nhập cư vào thành phố. Những người sinh sống tại đây làm đủ nghề: mua bán đồng nát, ve chai, công nhân ở các xí nghiệp, cơ sở sản xuất…  

Bánh thuẫn, bánh nổ

Trời đã nhập nhoạng tối, mà khu phòng trọ nơi Nguyễn Thị Thúy Liễu, 25 tuổi và Nguyễn Thị Yến Nhi, 22 tuổi vẫn còn tất bật với công việc mưu sinh. Những bó ni lông, thùng bìa cát tông, chai lọ và hàng đống thứ lỉnh kỉnh khác được xếp sắp, phân loại bởi những đôi bàn tay chai sần của họ.

Liễu và Nhi là 2 chị em ruột, từ miền quê Quảng Ngãi dắt díu nhau vào thành phố mưu sinh đã được 9 năm. Chưa kịp cởi bỏ chiếc áo thun công nhân, Liễu ngồi bên ngoài phòng trọ với đống chén bát, một con cá điêu hồng, một bó rau cải mà Liễu tranh thủ mua vội sau giờ tan ca. Liễu kể, từng ấy năm mà chỉ vỏn vẹn có 3 lần được về quê đón cái Tết sum vầy với gia đình.

Liễu đã ăn Tết xa quê 7 năm và năm nay cũng vậy

“Em của em còn phải làm tăng ca nên chưa về được. Tết năm nay, 2 chị em cũng phải ăn Tết Sài Gòn nữa rồi. Bởi tiền đi lại về quê chắc phải mất hơn 2 triệu, mà năm nay nghe đâu em không có tiền thưởng. Còn tiền lương tháng 1, họ nói qua Tết họ mới trả. Em gái em cũng vậy. Không tốn tiền xe về quê, tiền nhà trọ đằng nào thì cũng phải đóng đủ tháng, nên thôi gửi số tiền tích cóp về nhà lo Tết cho gia đình lợi hơn, anh à”.

Kể về không khí Tết ở quê nhà, Liễu nhắc đến 2 món bánh thuẫn, bánh nổ mà theo lời Liễu nói: “ước gì Tết này, chị em của em được ăn”. Liễu cho biết, người Quảng Ngãi thường làm nhiều loại bánh để cúng ông bà và ăn Tết như: bánh in, bánh thuẫn, bánh gai… nhưng không thể thiếu bánh nổ.

“Người dân Quảng Ngãi, đến ngày Tết không có món bánh nổ là coi nhưng chưa ăn Tết. Bánh nổ chỉ đơn giản là rang thóc nếp cho nổ bung lên như hoa chanh, hoa cam. Khi vỏ thóc bị tách ra, lộ ra hạt nếp trắng ngần thì đóng lại thành bánh. Còn bánh thuẫn thì giống như bánh bông lan ở Sài Gòn nhưng bánh giòn rộp chứ không mềm. Đi xa nhớ 2 món đó lắm anh ơi” - Liễu cười tươi và nói.

Liễu cho chúng tôi biết, những năm ở lại Sài Gòn ăn Tết, việc mà 2 chị em họ “ưa thích” nhất là ngủ, chẳng mua bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa hành gì. Chỉ đến sát ngày Giao thừa, 2 chị em đi mua vài chiếc áo mới để đón Xuân.

“Những năm ăn Tết ở Sài Gòn buồn lắm, đêm Giao thừa, 2 chị em gọi điện về quê chúc Tết cha mẹ, ông bà rồi rủ nhau đi chùa gần nhà cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình. Nhà nghèo nên bọn em phải đi làm xa để phụ giúp cho cha mẹ nuôi các em. Cầu mong cho cuộc sống gia đình khấm khá hơn, bọn em sẽ về quê và đón những mùa Tết ấm cúng bên gia đình” - Liễu buồn buồn nói.

“Tết này em chạy xe ôm”

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường để gặp Nguyễn Duy Khoa, 19 tuổi, Khoa hẹn chúng tôi ở gần trạm xe buýt đường Hòa Bình, quận Tân Phú. Khoa cho biết, những ngày gần Tết, sau giờ tan ca ở Cty Đ.P chuyên sản xuất cầu chì, Khoa lại ra chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập.

“Em làm mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 2 triệu đồng. Số tiền lương ít ỏi này, em có tằn tiện lắm thì cũng chỉ gửi một ít tiền về lo cho gia đình. Nghe mấy anh ở Cty nói, năm nay làm ăn khó khăn nên không có tiền thưởng. Nên em mới làm thêm nghề chạy xe ôm, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Có thêm được nhiều thì gửi về cho gia đình lo Tết” - Khoa nói.

Sau khi tan ca, Khoa chạy xe ôm kiếm thêm tiền vào dịp Tết này

Theo lời Khoa, mỗi tối chạy xe ôm cũng kiếm được trung bình 20 - 30 ngàn đồng nhưng có đêm chẳng có đồng nào và đã 2 cái Tết liên tiếp, Khoa cũng không có điều kiện để về quê đón Tết. “Quê em ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Em vào Sài Gòn được 4 năm rồi. Lúc mới vào Sài Gòn, em chỉ có 16 tuổi nên không có Cty nào dám nhận nên em đi làm nghề may ở một cơ sở may tư nhân, đường Vườn Lài, quận Tân Phú. Sau đó em lại “nhảy” qua làm công nhân cho cơ sở làm giày dép. Đến giờ em làm công nhân cho Cty này” - Khoa kể.

Nhắc đến chuyện ăn Tết xa quê, Khoa tâm sự: “Ăn Tết Sài Gòn buồn lắm, thiệt lòng mình chỉ muốn về quê. Nhưng tiền xe ra vào nhiều quá mà gia đình lại nghèo nữa. Thôi ráng chịu đựng để kiếm thêm tiền, mình có việc làm có tiền lo cho gia đình là mừng rồi anh à. Vậy chứ ngày Tết, chạy xe cũng kiếm được lắm”.

Dù nhiều mùa Xuân qua, các cơ quan, tổ chức đã có nhiều hoạt động để chăm lo Tết cho công nhân để họ có thể đón một cái Tết xa quê để họ cảm thấy vui tươi, ấm áp. Tuy nhiên, hoạt động chăm lo ý nghĩa đó vẫn còn chưa “với tới” những người lao động nhập cư khác. Họ khắc khoải, nhớ nhung cái Tết ở quê nhà, bên mâm cỗ gia tiên, bên ông bà, cha mẹ. Nhưng họ phải ở lại Sài Gòn thêm mùa Tết này vì cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm