Teen quậy phá do... “cơn bão hoócmôn”

01/06/2010 07:11 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Nhà giáo, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn Văn Chất, Giám đốc An Việt Sơn (trung tâm tư vấn tâm lý thanh thiếu niên), trong một lần trao đổi với PV TTXVN đã kể lại câu chuyện khá thú vị. Ông đưa ra câu hỏi cho hàng chục học sinh ở lứa tuổi 11 – 13: “Ai quan trọng nhất đối với các cháu?”. Hầu hết các cháu trả lời, đó là cha mẹ, hoặc ông bà, đôi khi là thầy, cô giáo… Chỉ có hai cháu trả lời đúng như ông mong đợi: Chính mình là quan trọng nhất đối với bản thân.

Ý nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn Văn Chất muốn nói đến tinh thần trách nhiệm đối với bản thân ở tuổi mới lớn. Cần phải giáo dục các cô bé, cậu bé biết tự chịu trách nhiệm về suy nghĩ, hành động của mình. Không thể giáo dục kỹ năng sống ở các em nếu các em chỉ ỷ lại vào gia đình, nhà trường hay xã hội.

Suy nghĩ của nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn Văn Chất có điểm trùng với quan điểm của các nhà nghiên cứu tâm lý Nga đăng tải trên tờ báo điện tử Narkotiki.ru. Theo họ, mâu thuẫn nội tại ở tuổi mới lớn nằm giữa sự mong muốn làm theo người lớn nhưng lại không dám nhận trách nhiệm như người lớn.

* Không dễ với chính mình

Ở tuổi mới lớn các tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động, xuất hiện các dấu hiệu giới tính thứ cấp. Ở trẻ gái giai đoạn dậy thì bắt đầu sớm hơn ở trẻ trai 2 năm và kéo dài 3 – 4 năm, ở trẻ trai kéo dài 4 – 5 năm. Ở các cậu bé đây là giai đoạn phát triển tính dục và siêu tính dục.

Có sự cải tổ hoócmôn: Trong cơ thể các cô bé có sự tăng trưởng estrogen, còn ở các cậu bé là sự tăng trưởng testosterone. Ở cả bé trai và bé gái đều có sự gia tăng các hoócmôn nam (androgen) ở tuyến thượng thận khiến các dấu hiệu giới tính thứ phát bộc lộ rõ. “Môi trường hóa học” mới của cơ thể làm cho tâm trạng của trẻ mới lớn lên xuống rất đột ngột, thân thể phát triển nhanh chỉ có thể so với thời kỳ trong bụng mẹ và ở từ hai tuổi trở xuống. Khung xương phát triển nhanh hơn các mô cơ nên các cậu bé có hình dáng xương xẩu, vụng về, không cân đối.
 
Tuổi teen thường có diễn biến tâm lý phức tạp - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Ở các cô bé tỷ trọng các mô mỡ tăng 10 – 20%, còn ở các cậu bé tăng các mô cơ, số lượng mô cơ ở trẻ trai vượt các cô bạn khác giới 4 lần, phổi nở ra và hơi thở sâu hơn nhằm đảo bảo ô xy cho cơ thể đang lớn, thể tích tim cũng tăng gấp đôi trong thời kỳ chuyển từ thiếu nhi lên thanh niên.

Xuất hiện sự biến động lớn trong huyết áp, nhiều khi theo hướng tăng cao, thường xuyên có những cơn đau đầu, hệ thống gipotolamo – tuyến yên và hệ thống nội tiết hoạt động quá mạnh. Sự xuất tinh ở các chàng thiếu niên và kinh nguyệt của các thiếu nữ đôi khi gây phản ứng ghê sợ chính bản thân mình.

Tuổi teen vừa là nạn nhân của các “hoócmôn nổi loạn” lại vừa không phải. Phải, là vì điều này gây ra sự thay đổi tâm trạng nhanh chóng, trầm uất, mất tập trung, dễ kích động, hay lo lắng, hiếu chiến. Không phải, là vì tâm trạng của các cô bé, cậu bé còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như quan hệ trong gia đình, vị thế của chúng trong môi trường bạn bè, thành tích học tập, khả năng xây dựng tương lai…

* Tâm lý tuổi teen

Các cô, cậu thiếu niên không phải là trẻ con nhưng chưa phải là người lớn. Vị trí chuyển tiếp này gây ra nhiều phiền phức. Đôi khi thế giới người lớn đóng sập trước mũi chúng – “hãy còn bé”, “lớn lên chút nữa”. Chúng và cả các bậc cha mẹ không sẵn sàng cho vị thế mới của con cái trong gia đình và xã hội.

Sự khủng hoản nội tại trong việc tự đánh giá ở tuổi mới lớn xuất hiện do khả năng của các cô, cậu thiếu niên được mở rộng trong khi vị thế trẻ con vẫn giữ nguyên. Khủng hoảng tuổi 13 thường được so với khủng hoảng lứa tuổi lên ba. Những cô bé, cậu bé rời xa bố mẹ để đi vào thế giới của mình – thế giới của bạn bè cùng lứa.

Mâu thuẫn nội tại cơ bản ở tuổi mới lớn là các cô bé, cậu bé muốn có vị thế và cơ hội của người lớn nhưng lại lảng tránh phần trách nhiệm mà người lớn phải gánh vác. Những đứa trẻ thường từ chối tiếp nhận sự đánh giá và kinh nghiệm sống của bố mẹ cho dù chúng hiểu điều này là đúng. Chúng muốn tự mình trải nghiệm, tự gây ra sai lầm và học hỏi kinh nghiệm chính từ đó.

Điều điển hình đối với tuổi teen là mong muốn được thừa nhận về thành tích của bản thân trong giới bạn bè cùng lứa.

Những đứa trẻ đang trải qua sự xung đột nội tại – từ bỏ thế giới trẻ con nhưng không dám nhận trách nhiệm của người lớn. Chúng không thấy lối thoát ra khỏi tình trạng này nên cảm thấy cô đơn và mệt mỏi. Chúng tìm người cùng cảnh ngộ và tụ lại với nhau, tạo ra một thế giới riêng, một nếp văn hóa riêng đối trọng với thế giới của người lớn. Học tập và nhà trường thôi không còn là nhiệm vụ quan trọng nhất, mối quan tâm hàng đầu mà nhường chỗ cho mối quan tâm đến quan hệ bạn bè.

Ở tuổi mới lớn hoạt động trí tuệ giảm sút do do tư duy cụ thể được thay bằng tư duy lô gích. Những cô, cậu thiếu niên có tính phê phán cao hơn. Chúng không tiếp nhận niềm tin “mù quáng” của người lớn mà đòi phải chứng minh.

Teen thích chạy theo mốt và những lý tưởng được thừa nhận trong giới riêng của chúng. Các phương tiện thông tin đại chúng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cô bé, cậu bé này. Người đàn ông lý tưởng là các siêu nhân quảng bá việc tôn sùng sức mạnh, lòng quả cảm và tình bạn bền chặt đã qua thử thách.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm