Tăng tốc không đơn thuần là "nhấn ga"!

20/06/2010 11:39 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tốc độ là thứ mà thứ thể hiện sức mạnh rõ nhất. Trong hình dung của mỗi chúng ta về một đất nước phát triển luôn có hình ảnh của những đường cao tốc thẳng vút, nơi mà xe cộ có thể chạy trên dưới một trăm cây số một giờ. Và thường có hình ảnh của những tàu điện ngầm chạy vùn vụt trong lòng đất hay những tuyến đường sắt cao tốc lao tít tắp về phía chân trời.

Khi đến Thượng Hải, tôi được anh Lý, hướng dẫn viên du lịch ở đây giới thiệu về đường sắt cao tốc 300km/h như một trong những biểu tượng cho sức mạnh của thành phố hiện đại nhất nhì Trung Quốc này. Và chỉ cần gõ chữ “train” + “fast” vào Google ở mục tìm kiếm “video” chúng ta sẽ gặp hàng trăm clip tàu cao tốc chạy tới 500km/h, không khác gì một chiếc phi cơ chạy trên bình đồ nằm ngang, lao vụt qua màn hình nhanh đến nỗi các du khách đứng xem đều giật mình ngã bổ ngửa ra đằng sau, còn cỏ cây hai bên đường tàu thì rạp xuống và... mãi không thấy ngóc đầu trở lại!


Tàu cao tốc, giấc mơ của các đô thị ở Việt Nam?
Nhìn đó mà mà thương cho những chuyến tàu “ì ạch” của chúng ta. Cách đây hai ba chục năm, ngành đường sắt của chúng ta có thể rất tự hào “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui” dù thời gian chạy tàu đến 3 ngày trời, nhưng bây giờ thời gian chạy tàu Bắc Nam kéo ra đến một ngày rưỡi đã là tàu chậm. Ngành đường sắt Việt Nam hiểu điều đó. Hơn chục năm nay, họ bị thúc ép bởi tốc độ. Tôi nhớ rằng khi rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc Nam xuống còn khoảng 30 tiếng, ngành đường sắt đã hùng hồn tuyên bố tiến độ cứ hai năm rút ngắn thời gian chạy tàu một lần và mỗi lần là 120 phút. Từ 72 tiếng chạy tàu Bắc Nam, sau 7 lần rút xuống sẽ chỉ còn 29 tiếng. Năm 2004, ngành dự kiến đến năm 2008 thời gian chạy tàu Thống Nhất chỉ còn 24 giờ.

Cái đích 24h đã không trở thành hiện thực, bởi rút ngắn thời gian không chỉ đơn thuần là “đạp ga” cho tàu chạy nhanh (tất nhiên). Khát vọng tốc độ của ngành đường sắt đã bị chặn đứng có lẽ bởi lái tàu Bùi Thái Sơn, khi bị thúc ép bởi thời gian đã đạp ga cho tàu chạy tới hơn 60km/h ở Lăng Cô, Huế gây ra thảm họa lật tàu. Kể từ đó sự cố đó, tôi không thấy ngành đường sắt hô hào “rút ngắn thời gian chạy tàu” nữa.

Mà có cố rút ngắn cũng không thể là vô tận, bởi theo tính toán rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc Nam tới 24 h sẽ là giới hạn cuối cùng vì rút ngắn hơn nữa sẽ không bảo đảm an toàn.

Trong bối cảnh đó, dự án đường sắt cao tốc ra đời có thể giải tỏa sức ép từ “lới hứa” cứ hai năm rút ngắn một lần. Với tốc độ 300km/h thì thời gian chạy tàu Bắc Nam chỉ còn 5-7 tiếng, giảm tới 4-5 lần so với hiện nay, lên ngay tới “đỉnh cao” tốc độ!

Nhưng, nếu như trước đây với hệ thống đường sắt cũ kỹ, việc rút ngắn thời gian chạy tàu không chỉ đơn thuần là “đạp ga” cho tàu chạy nhanh; thì bây giờ, để lên đỉnh cao tốc độ cũng không chỉ đơn thuần là “rinh” công nghệ từ các nước tiên tiến về. Vấn đề còn là tiền, là tiềm lực kinh tế của đất nước, là thời điểm, và cả năng lực quản lý của ngành nữa. Những vấn đề này các ĐBQH đã cân nhắc rất kỹ và quyết định không (hay chưa) thông qua dự án trong kỳ họp này. Có thể còn nhiều ý kiến tranh luận nữa, nhân đây người viết bài này xin đóng góp một góc nhìn nhỏ. Tốc độ luôn đòi hỏi sự đồng bộ. Theo dự án đến năm 2020, thì thời gian chạy tàu từ Hà Nội tới Vinh chỉ còn khoảng 1 tiếng rưỡi. Quả là một giấc mơ cho những ai muốn đi nghỉ mát ở Cửa Lò... Thế nhưng, nếu giao thông nội đô của Hà Nội chưa được cải thiện, khi các tuyến đường sắt nội đô của thành phố vẫn mất hút ở tận đâu đâu dù 1.000 năm Thăng Long đã đến gần, thì có khi để đi chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội ra ga tàu cao tốc cũng mất cả tiếng đồng hồ hay tiếng rưỡi (khi bị tắc đường thì đó là tất nhiên).

Quả là nơi nào cũng cần phải đẩy nhanh tốc độ. Nhưng nếu không có sự đồng bộ và những tính toán ưu tiên đầu tư hợp lý thì sẽ rất khó phát huy được sức mạnh của tốc độ.

Thiếu Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm