Tan hoang vì cơn lốc vàng

02/11/2008 18:44 GMT+7 | Thế giới

Từ thị xã Cao Bằng đi dọc tỉnh lộ 209 qua địa phận 3 xã: Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng (huyện Thạch An, Cao Bằng) nhìn cánh đồng ven sông Minh Khai - một nhánh chính của thượng nguồn sông Hiến hiền hòa, ai cũng xót xa.
Bãi khai thác vàng xã Minh Khai
Cả dòng sông nước đục ngầu, những thửa ruộng màu mỡ ngày nào giờ đây chỗ thì bị khoét thành hố sâu, chỗ thì đụn lên, lổn nhổn toàn đất đá, tiếng máy xúc, máy bơm hút chạy bằng động cơ diezen ồn ã... Cả cánh đồng đang oằn mình, tang tóc vì nạn khai thác vàng trái phép.

Dân khát vàng, đồng ruộng tan hoang

Nạn khai thác vàng trên đất nông nghiệp tại địa bàn 3 xã này đã bùng phát từ năm 2006, và chính quyền các cấp của tỉnh Cao Bằng đã phải mở một chiến dịch lớn mới dẹp yên. Bẵng đi hơn một năm tình trạng này lại bùng phát trở lại và lần này có vẻ như tàn khốc hơn. Lợi dụng đoạn đường tỉnh lộ cạnh đó đang thi công, người dân tranh thủ thuê máy xúc, máy ủi để biến những thửa ruộng nhà mình thành hố sâu rồi mới dùng máy hút cát sỏi để khai thác vàng.

Cứ hễ thấy người lạ xuất hiện là những người dân đang khai thác vàng lại tản ra, lỡ có gặp thì cũng chỉ một câu duy nhất: "Không biết" hoặc họ nói bằng tiếng dân tộc khiến "khách" chịu chết. Một đồng nghiệp biết tiếng Tày "phiên dịch": Ruộng nhà tôi, tôi đào, cả xóm đều làm như nhà tôi cả. Moong (hố) nào không gặp vỉa thì ngày cũng được vài ba "phân", còn gặp ngày may mắn cũng được cả chỉ. Mấy hôm nay, nhà tôi còn thuê thêm người để làm, giá mỗi ngày công là 50.000 đồng/người/ngày.

Theo một số người khách mua vàng, dải đất bên dòng sông Hiến có vàng đã được phát hiện từ lâu nhưng để khai thác quy mô lớn thì mới bùng phát do áp dụng công nghệ... hút cát. Chỉ cần đầu tư một đầu máy hút, một động cơ diezen của Trung Quốc công suất 12 mã lực và hệ thống tời, đường ống với tổng chi phí trên dưới 13 triệu đồng là hoàn chỉnh một dàn máy đào đãi vàng. Không khó khăn như khai thác trên núi, khai thác ở ruộng đơn giản hơn nhiều vì chỉ cần thuê máy xúc hớt lớp đất màu bên trên, đào thành các moong gặp lớp cát xen trong vỉa đá là có thể bơm hút đất, cát đổ vào máng đãi. Quy trình khai thác quá dễ khiến cho những hố, những moong khai thác vàng xuất hiện chi chít trên những cánh đồng ven sông ở Canh Tân với mật độ ngày càng dày đặc...

Tiếp tục ngược lên hướng xã Minh Khai, nhiều cánh đồng màu mỡ trước đây giờ chi chít hố. Không thể đếm được có bao nhiêu dàn máy khai thác vàng đang hoạt động, bởi cả xã có tới 7 xóm bản vùng đồng và tất cả các bản này đều "tranh thủ" đãi vàng trên đất ruộng trong mùa nông nhàn. Còn ở xã Quang Trọng, việc phá ruộng đào vàng đang bắt đầu "nóng", đặc biệt tại hai bản: Nà Mu và Nà Cọ. Thống kê sơ bộ, tại hai bản này có khoảng hơn 20 dàn máy đang hoạt động và chính quyền xã vẫn không thể thống kê diện tích đất nông nghiệp đã bị đào xới.

Chính quyền còn đủng đỉnh

Tại Ủy ban nhân dân xã Quang Trọng, ông Lô Quốc Phòng, Phó Chủ tịch xã cho rằng việc đào đãi vàng ở xã là để giúp dân "xóa đói giảm nghèo" vì hiện tại xã có tới hơn 60% hộ nghèo. Trước đây xã đã cấm khai thác vàng trên đất ruộng nhưng hiện tại cũng chỉ dừng lại ở biện pháp "nhắc nhở", vận động. Dù biết khai thác vàng trên đất nông nghiệp là sai nhưng vì đất ruộng của bà con là "đất ông cha" nên rất khó xử lý. Công trường khai thác vàng chỉ cách Ủy ban nhân dân xã một đoạn đường nhưng chính quyền và cấp ủy xã chưa có bất kỳ động thái nào để ngăn chặn việc tàn phá đất đai, nguồn tài nguyên thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Khi bị chất vấn, xã lại "đá" lên huyện, quy trách nhiệm giải tỏa cho huyện (!?).

Được biết, việc phá ruộng tìm vàng ở Quang Trọng, Canh Tân và Minh Khai đã diễn ra rầm rộ từ khi kết thúc vụ mùa nhưng chính quyền huyện Thạch An đến nay vẫn chưa cử cán bộ xuống khảo sát mà vẫn chỉ ra văn bản yêu cầu chính quyền xã đi thống kê số hộ để trình lên huyện. Còn Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh vẫn đang trong quá trình chuẩn bị lập đoàn thanh tra... Khó hiểu hơn, một cán bộ xã Minh Khai còn cho rằng việc đào đãi vàng trên đất nông nghiệp không ảnh hưởng gì nhiều vì sau khi khai thác, các hộ lại hoàn thổ và tiếp tục sản xuất bình thường. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu hộ nào khai thác trúng vỉa, có vàng, đủ kinh phí để thuê máy san gạt lại...Và cho dù có san gạt lại thì lớp đất màu phía trên cũng bị đảo lộn, ruộng màu mỡ lại biến thành ruộng sỏi đá. Trong khi đó, tỉnh Cao Bằng đang thiếu trầm trọng quỹ đất sản xuất.

Đến thời điểm này, khi các ngành chức năng, chính quyền vẫn còn đang loay hoay hoặc chuẩn bị giải pháp ngăn chặn thì thực tế mỗi ngày có thêm hàng nghìn mét vuông ruộng bị đào xới. Không chỉ đất nông nghiệp bị tàn phá, nạn khai thác vàng trái phép đang để lại những hậu quả nặng nề khi không ít đá sỏi móc lên lại bồi lấp xuống các thửa ruộng xung quanh, tràn cả xuống sông, cản lấp, thay đổi dòng chảy. Nghiêm trọng hơn là do khai thác thủ công nên những năm trước đây đã từng xảy ra tình trạng sập hầm gây chết người vì vàng.

Theo Mạnh Hà/Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm