Tâm sự về "nghề" đại biểu Quốc hội

19/08/2011 09:43 GMT+7 | Thế giới

"Chi phí để bầu ra và phục vụ hoạt động cho mỗi đại biểu Quốc hội lên đến tiền tỷ. Đó là tiền của dân chi cho ĐBQH để làm việc chứ không phải để vào hội trường để ngủ".


Nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết: "Nếu đại biểu chỉ mang theo mỗi “cái đầu” của mình vào kỳ họp QH thì chưa đủ và chưa đúng vai đại biểu".

Được đông đảo cử tri đánh giá cao, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH khóa XI, XII đã để lại dấu ấn với nhiều bài phát biểu sắc sảo trên nghị trường. Ông đã trả lời phỏng vấn về Quốc hội khóa XIII và công tác của các ĐBQH.

*Là người đã có hai nhiệm kỳ liên tiếp đảm đương trọng trách đại biểu Quốc hội, ông đánh giá thế nào về hoạt động của các ĐBQH khóa XIII qua kỳ họp đầu tiên?

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII chủ yếu làm công tác nhân sự nên các đại biểu chưa thể hiện được nhiều. Nếu có gì đáng phàn nàn thì tôi chỉ lấy làm tiếc là QH chưa ra được một Nghị quyết về Biển Đông như kỳ vọng của người dân. Tuy vậy, qua mấy buổi thảo luận, tôi thấy nhiều đại biểu có những bài phát biểu có sức nặng, được cử tri đánh giá cao như đại biểu Dương Trung Quốc, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh... Tôi cũng mừng là nhiều đại biểu lần đầu tham gia QH đã nhập cuộc rất nhanh. Tuy cũng có một số đại biểu mới chỉ phản ánh được những thông tin báo chí đã nêu chứ chưa có cách đặt vấn đề sắc sảo nên ý kiến dễ bị chìm đi trong một “rừng ý kiến”, nhưng chắc rằng sau một thời gian ngắn, tình hình sẽ được cải thiện. Đại biểu đã có tâm với công việc, với cử tri thì việc gì cũng sẽ làm được.

Dĩ nhiên, thành công của đại biểu trước hết là do năng lực và tâm huyết của mỗi người. Nhưng ở đây cũng có dấu ấn của công tác bồi dưỡng đại biểu. Từ đầu khóa XII, các đại biểu lần đầu trúng cử được Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu tổ chức tập huấn trước khi bắt tay vào công việc Quốc hội và tiếp tục tập huấn trong suốt quá trình hoạt động. Nhớ lại những bỡ ngỡ ban đầu của mình khi tham gia QH khoá XI, tôi thấy rõ ràng có tập huấn có hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ thời gian hoạt động của khoá XIII này còn dài. Vẫn cần phải chờ thêm một thời gian nữa mới đánh giá chính xác được.

*Có một điều đáng chú ý là trong cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XIII có tới 38 vị là doanh nhân...

- Khi chúng ta xây dựng kinh tế thị trường thì doanh nhân là những người đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Nhưng QH có tới 38 doanh nhân mà không có một văn nghệ sỹ nào và không có đại diện của Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam thì cơ cấu “vênh” quá. Có lẽ trong các lần bầu cử sau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần giới thiệu ứng cử viên thuộc hai Liên hiệp hội này nhiều hơn để cử tri có điều kiện xem xét, lựa chọn và để hai tổ chức quan trọng ấy có đại diện trong QH.

Tôi hy vọng là với một số lượng lớn chưa từng có trong QH từ trước tới nay, các đại biểu - doanh nhân khoá này sẽ ghi lại dấu ấn tốt đẹp trong tâm khảm cử tri cả nước về những đóng góp của họ cho công việc chung, nhất là trong việc góp phần tìm giải pháp đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái, lạc hậu hiện nay.

*Ghi nhận của báo chí qua các buổi họp Quốc hội được tường thuật trực tiếp, có một số đại biểu đã có những phát biểu rất thiếu chính xác về những vấn đề rất cơ bản. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

- Đại biểu nào cũng thế thôi, chỉ có thể am hiểu một vài lĩnh vực, không thể am hiểu hết các lĩnh vực. Nhưng đại biểu hoạt động trong Quốc hội là hoạt động với tư cách đại diện cử tri. Nếu đại biểu thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tích cực tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, lấy nguồn trí tuệ, nguồn sức mạnh ở cử tri (trong đó có các chuyên gia) thì ý kiến của đại biểu mới phù hợp với cuộc sống, đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri và mới có giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn nếu đại biểu chỉ mang theo mỗi “cái đầu” của mình vào kỳ họp QH thì chưa đủ và chưa đúng vai đại biểu.

Người ta đã tính rằng để bầu ra một đại biểu, phải chi khoảng 700 triệu đồng, chi cho kỳ họp cũng tới vài trăm triệu đồng một ngày. Nói vui, “giá” của mỗi đại biểu Quốc hội lên tới cả tỷ đồng. Đó là tiền của dân chi cho đại biểu Quốc hội để làm việc chứ không phải để vào hội trường ngủ hay làm việc riêng. Ở nước ngoài cũng có tình trạng này. Nhưng chắc chắn là dù ở bất cứ đâu thì cử tri cũng không thể hài lòng khi chứng kiến hình ảnh thiếu tích cực của các vị đại biểu mà mình bầu ra để lo việc cho nước, cho dân.

Có một điều tôi đã tự rút ra cho mình thôi. Ấy là khi kết thúc năm đầu tiên làm đại biểu QH, tôi thấy thời gian trôi nhanh quá. Lúc ấy tôi tự bảo mình: Một nhiệm kì rồi cũng sẽ trôi qua rất nhanh. Nếu mình cứ lần lữa, để thời gian trôi đi thì hết nhiệm kì 5 năm sẽ phải hối tiếc vì bỏ phí cơ hội sử dụng diễn đàn mà nhân dân đã ưu ái dành cho mình.

*Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Đất Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm