Sơn móng tay rẻ tiền: Độc chất ngấm vào máu

09/07/2008 16:27 GMT+7 | Thế giới

Hầu hết các chuyên gia về sức khoẻ đều khuyên phụ nữ mang thai không nên sơn móng chân móng tay. Sở dĩ như vậy vì rằng sơn móng tay có một số hóa chất có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi

Ung thư, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Đối với nhiều phụ nữ, sơn móng chân móng tay đã trở thành một công đoạn không thể thiếu khi làm đẹp. Tuy nhiên, cả họ và chính những người thợ sơn móng đều không ý thức được rằng việc làm này có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ vì nhiều loại sơn móng tay có chứa các thành phần hóa chất độc hại như formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate (DBP).
 
Formadehyde là chất bảo quản được dùng trong các loại mỹ phẩm rẻ tiền. Trong sơn móng tay, formaldehyde còn có một tác dụng khác là làm cứng móng. Formaldehyde thuộc nhóm các chất gây ung thư. Toluene là chất lỏng không màu đóng vai trò dung môi trong sơn móng tay. Đây là một chất độc thần kinh thuộc nhóm các hợp chất hữu cơ bay hơi.
 
DBP là chất làm mềm, giúp cho sơn móng tay có độ dẻo và khả năng kết dính để giữ bền màu trên móng. DBP gây ung thư trên động vật thí nghiệm, đồng thời bị nghi ngờ là thủ phạm gây thiểu năng tuyến sinh dục ở bé trai sơ sinh và ảnh hưởng lâu dài đến khả năng sinh sản (làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng...) của các em khi đến tuổi trưởng thành. Chính vì vậy mà hầu hết các chuyên gia về sức khoẻ đều khuyên các bà mẹ mang thai không nên sơn móng chân, móng tay.

Một vấn đề khác là mỗi lần sơn móng người ta đều phải sử dụng một số hóa chất để tẩy bỏ lớp sơn cũ trước khi sơn lớp mới. Các chất này có thể bao gồm các thành phần độc hại như acetone, ethyl acetate, propyl acetate, denatonium benzoate, propylene carbonate, toluene, formalde-hy de... Theo báo cáo của tổ chức môi trường Environmental Working Groud, các nguy cơ mà chất tẩy sơn móng có thể gây ra là: ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch; tổn thương gan và đường tiêu hóa; tổn thương da.

Ngấm qua móng tay vào máu

Thời gian và lượng tiếp xúc càng nhiều thì khả năng sức khoẻ bị ảnh hưởng càng lớn. Những người thường xuyên sơn móng tay và thợ làm móng là hai đối tượng có nguy cơ cao nhất. Một số người vẫn cho rằng móng tay, móng chân là chất sừng, cứng và dày hơn da rất nhiều nên có thể sử dụng hóa chất trên đó mà không gặp nguy hiểm gì. Trên thực tế, móng có khả năng thấm hút rất tốt nên các chất bôi lên móng hoàn toàn có thể dễ dàng ngấm vào máu.
 
Sơn có thể ngấm qua móng vào máu
 
Mặc dù các nhà sản xuất sơn móng tay luôn khẳng định rằng hàm lượng các chất độc hại trong sản phẩm của mình đều ở mức an toàn, nhưng thực tế rất khó kiểm soát vấn đề này vì nhiều hãng không ghi thành phần trên nhãn mác, hoặc nếu có thì cũng không cho biết lỉ lệ từng thành phần. Do lệnh cấm của các cơ quan chức năng và sức ép từ các tổ chức môi trường, một số công ty mỹ phẩm lớn đã ngừng sử dụng DBP, formaldehyde và một số hóa chất độc hại khác.
 
Tuy nhiên, vẫn còn vô số các cơ sở sản xuất nhỏ đặc biệt là ở các nước đang phát triển tiếp tục dùng các chất này mà không đếm xỉa gì đến sức khoẻ người tiêu dùng. Do đó, nếu muốn sơn móng tay, tốt nhất bạn nên chọn sản phẩm có ghi rõ "không chứa DBP, formaldehyde, toluene..." của các hãng lớn, có uy tín. Khi sơn hoặc tẩy sơn móng, nên làm ở chỗ rộng rãi, thoáng gió để hạn chế việc hít phải các hợp chất hữu cơ bay hơi. Không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu sơn liên tục để giảm bớt thời gian tiếp xúc với hóa chất độc hại.
 

Theo KH&ĐS

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm