SGK Ngữ văn lớp 6 còn sạn

23/05/2008 17:26 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH)- Trong tay tôi là hai tập sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, tái bản lần thứ năm (năm 2007), có nghĩa là đã qua 6 lần ấn loát. Đã lâu lắm rồi tôi không đọc sách giáo khoa, nay đọc thử xem có thể học gì trong đó, tình cờ nhặt ra một số điểm chưa chuẩn như sau.

1. Chưa chuẩn về biểu đạt, cú pháp:

- “ Truyền thuyết: loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tố tưởng tượng kỳ ảo” (Trang 7, tập 1). Ba chữ “thời quá khứ” nghe không được thông cho lắm. Đúng là “thời quá khứ”, nhưng ngày hôm qua, tháng trước hay năm ngoái cũng là quá khứ. Sao không viết: “... liên quan đến lịch sử thời xa xưa... ” vừa dễ hiểu, vừa xác đáng hơn? - “ Trạng nguyên: học vị cao nhất trong hệ thống thi cử chữ Hán ngày trước (riêng triều Nguyễn không lấy đỗ trạng nguyên)” (Trang 53, tập 1).

Nói “ học vị” ở đây có lẽ chưa chính xác, còn “chữ Hán” thì mới chú ý về mặt ngôn ngữ mà chưa hàm nghĩa về nội dung, lối thức thi cử, hai chữ “thi cử” chưa cho thấy đặc thù của phép thi trong giáo dục xưa, còn ghi chú “trong triều Nguyễn” thì phải nói về các triều đại trước đó. Do vậy lẽ ra câu này nên viết: “Trạng nguyên: người đỗ đầu trong các tiến sĩ, học vị cao nhất trong hệ thống khoa cử Nho học trong các triều đại phong kiến (Riêng triều Nguyễn... )”. - “ Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, năng khiếu thơ nảy nở rất sớm. Từ lúc là học sinh tiểu học đã có nhiều bài thơ đăng báo và tập thơ đầu được in năm 1968, lúc tác giả mới mười tuổi”(trang 80, tập 2)



SGK ngữ văn lớp 6, tập 2

Câu sau chưa thật chuẩn, có lẽ dấu chấm (.) ở giữa hai câu nên đổi dấu phảy (,) để câu sau trở thành một bổ ngữ của câu trước thì đúng hơn.

2. Chưa chuẩn về nội dung

Có khá nhiều điểm chưa chuẩn về nội dung của hai tập sách, sau đây là một vài dẫn chứng. - Trang 16, tập 2 có bảng kê các “ kiểu văn bản và phương thức biểu đạt của văn bản”, trong đó tác giả kê 6 kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính-công vụ, và mục đích giao tiếp của nó. Chúng tôi đọc bản kê này mà không hết băn khoăn.

Có lẽ hai chữ “tự sự” nên được thay bằng “tường thuật”, còn việc “miêu tả”, “biểu cảm”... có thể tự nó hình thành một “kiểu văn bản” hay không, thì cũng nên xem lại. Hai chữ “tự sự” dù cho nghĩa gốc nó là kể chuyện, thì nó vẫn thường chỉ một trong những loại hành văn học (tự sự, trữ tình, kịch) hơn là một phương thức biểu đạt. Và cái tít nên bỏ 3 chữ “ kiểu văn bản” để chỉ còn lại “ Phương thức biểu đạt của văn bản” thì đúng hơn. Trong mục 6 “hành chính-công vụ”, tác giả giải thích ở cột “mục đích giao tiếp” là “ Trình bày ý muốn, quyết định nào đó, thể hiện quyền hạn, trách nhiệm giữa người và người”. Sao lại giữa “người và người”? Chỉ có thể là giữa công dân với nhà nước chứ!

- Trang 25 tập 1, nói về cách viết của “từ mượn” của ngôn ngữ nước ngoài, tác giả viết “ Đối với những từ mượn chưa được Việt hoá hoàn toàn, nhất là những từ trên hai tiếng, ta nên dùng gạch nối để nối các tiếng với nhau”. Ở đây cần phải hiểu rằng trong khái niệm của tác giả, thì “từ mượn” bao gồm cả “tiếng Hán” và ngôn ngữ các nước khác. Thế nhưng ngay ở trang trước (trang 24), tác giả đưa ra hàng loạt: sứ giả, ti vi, xà phòng, buồm, mít tinh, ra-đi-ô, gan, điện, ga, bơm, xô viết, giang sơn, in-tơ-nét. Ta thấy tác giả có tuân thủ đúng quy tắc của mình đề ra đâu?

Nếu các từ gốc Hán (đơn âm tiết) như sứ giả, giang sơn không cần gạch nối, thì tại sao các từ gốc ngôn ngữ phương Tây như ra-đi-ô, in-tơ-nét có gạch nối, mà các từ xô viết, ti vi, mít tinh lại không có gạch nối? Ở đây tác giả lại đã “tự tương mâu thuẫn” với chính mình.

Theo chúng tôi, tác giả nên theo quy tắc mà nhiều nhà ngôn ngữ học ngày nay đã thống nhất, đó là: đối với từ mượn từ các ngôn ngữ đa âm tiết (thường của phương Tây) cần phải có gạch nối giữa các âm tiết (tức là “tiếng” theo quan niệm của tác giả) vì thực chất đó là các âm tiết hợp thành 1 từ không thể cắt rời - ngoại trừ một ít trường hợp quá quen thuộc, như xà phòng chẳng hạn. - Cùng là chú thích về tác giả các bài văn, mà ở các tác giả này thì ghi “ quê ở tỉnh... ”, như Võ Quảng “ quê ở tỉnh Quảng Nam” (trang 39, tập 2), Đoàn Giỏi “ quê ở tỉnh Tiền Giang” (trang 20 tập 2), trong khi đó số tác giả khác thì ghi “quê ở huyện... ”, như Tạ Duy Anh “ quê ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây

(trang 33 tập 2), Trần Đăng Khoa “ quê ở huyện Nam Sách... ” (trang 80 tập 2), cá biệt như Tô Hoài lại ghi là “ lớn lên ở quê ngoại – làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội” (trang 8 tập 2) mà trước đó sao không ghi “quê nội”? Vậy thì “tiêu chí” để của quê ở đây là gì? Vậy “quê” được xác định là ở đâu - thôn, xã hay chỉ huyện, tỉnh, quê nội hay quê ngoại?

Cao Chư

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm