Se sắt chuyện tìm Vàng (Kỳ 2)

26/08/2008 09:55 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Bản K2, Pắc Ta, Than Uyên, Lai Châu là nơi mà trước đây được những cán bộ người Kinh đặt thành vè: trâu gõ mõ, chó leo thang, gà chạy vũ trang, lợn đào công sự. Có một điều không thể phủ nhận về sự xuất hiện của mỏ vàng tại Pắc Ta đó là sự thay da đổi thịt của những cư dân và mảnh đất ven đường bên dãy núi K2.
 
Bài 2: Những nô lệ của vàng
 
Đầu tiên là sự "tấn công" ồ ạt của những người ở địa phương khác đến, tiếp theo là sự tăng giá đến chóng mặt của đất đai trong khu vực bản K2 và ven đường quốc lộ 32, sau đó là sự xuất hiện của hàng loạt các loại dịch vụ từ ăn uống đến hàng tiêu dùng và phục vụ vui chơi giải trí và cả dịch vụ… người!
 

Lán trại của cửu vạn

Chân dung một bưởng vàng

Trân, thanh niên từ tỉnh khác mới đến Lai Châu lập nghiệp. Một bưởng vàng mới nổi. Đương nhiên khác xa với sự tưởng tượng của tôi về một đám đầu gấu xăm trổ đầy mình, mở mồm ra là chửi thề, sẵn sàng cho người khác ăn dao nếu trái mắt - Trân khá trẻ và đẹp trai. Trông lại hiền lành, nho nhã, thư sinh đầy học thức.

Trân bảo: Thời nay chả có ai làm bưởng mà trông như ăn cướp cả, nhất là ở bãi vàng này. Bưởng cũng chẳng nhất thiết phải ở nơi thâm sơn cùng cốc. Bưởng ở nhà chạy xe máy xịn đi thăm mỏ vàng và giám sát nhân công.

Trân kể: Lúc đầu, cũng không hiểu gì về vàng, nhưng thấy dân làm ăn được nên mình cũng theo. Mình không biết đào hay đãi, càng không có sức để làm cửu vạn, bởi vậy phải thuê người, quan trọng là làm thế nào, làm với ai.

Bằng cách nào đó, dù những người dân xung quanh có muốn thì cũng không thể mon men đến khu vực núi đã khoanh vùng, nhưng họ kể, Trân có hẳn một hầm mỏ.Thực hư ra sao tôi không rõ nhưng rõ ràng Trân không giấu giếm việc mình thuê người làm. Không phải một vài người mà cả chục người ngày đêm cần mẫn làm việc. Họ đều là những anh em chú bác thân tín được Trân mang từ quê lên.

Nham nhở một vùng núi

Cũng không ai biết rõ là mỗi tháng Trân thu được bao nhiêu tiền từ vàng, nhưng riêng tiền thuê người làm trong nhà mỗi tháng Trân phải chi tới cả vài trăm triệu, lại còn tiền ăn uống, tiền mua sái của các chủ máy xát vàng khác nữa.

Ngoài việc có hầm mỏ, Trân còn có mấy điểm ủ sái. Các điểm ủ sái này nằm rải rác trong địa bàn xã Pắc Ta, theo Trân nói, việc nghiền quặng và đãi vàng mới chỉ lấy được 20 phần trăm trữ lượng vàng trong đất. Công đoạn ủ vàng quặng bằng hoá chất mới là công đoạn thu hết vàng. Mà cũng không phải ủ một lần đã hết, còn phải ủ lần 2, lần 3 mới có thể "mót" hết vàng.

Chính vì vậy, những người dân ở Pắc Ta, nếu nhà nào không có sức khoẻ, không có thế mạnh, không có nhiều người và ít vốn, thì mua ngay một chiếc máy nghiền quặng mà dân gọi nôm na là máy xát vàng, xát thuê cho những người đi lọ mọ được quặng và đã đãi vàng qua lần 1 và lần 2. Còn lại xái quặng, chỗ bỏ đi đương nhiên thuộc về người có máy. Thế nên, mua một chiếc máy có giá khoảng 10 triệu đồng, vừa làm thuê có tiền lại vừa thu được sái. Những sái này được bán với giá 50.000 đồng một bao. Máy nào càng nghiền thuê được nhiều thì càng thu được nhiều sái, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thu nhập sẽ tăng lên đáng kể nhờ làm dịch vụ xát vàng.

Trân bảo, cơ hội kiếm tiền dễ dàng nên cũng nhiều người tham, ngay cả những người họ hàng cô dì chú bác của Trân cũng thế, nếu có cơ hội là người ta bán trộm quặng, lấy trộm sái mang đi lấy tiền nhiều hơn. Bởi vậy, lúc nào Trân cũng gần như chỉ quan tâm đến vàng: vào hầm mỏ, kiểm tra số lượng sái, kiểm tra nhân công… không có thời gian để nghỉ.

Một ngày làm cửu bằng 3 tháng trồng rẫy


Gánh quặng vàng

Đó là lời mà những người đi đào vàng về nói chuyện với nhau, sau khi họ hiến thân xác cho vàng. Chuyện có tiền nhanh chóng của một số người khiến cho dân tứ xứ kéo đến ngày một nhiều. Những người đàn ông có sức khoẻ thì lên núi tìm quặng, những người yếu hơn thì chở quặng đi nghiền, những người yếu hơn nữa thì mang hàng hoá đến bán. Chả mấy chốc, bản K2 heo hút với 24 hộ dân trở nên tấp nập.

Những mảnh đất vốn chỉ để cột trâu bò giờ thành có giá, người ta mua để dựng nhà hàng, khách sạn, quán ăn… gi gỉ gì gi cái gì cũng có bán, cũng được hiện diện đầy đủ ở đây, kể cả khoản "tươi mát" theo đúng lời mô tả của một "bưởng" vàng.

Có vàng, người trong vùng đi làm vàng, kéo theo người của địa phương khác cũng đến làm vàng. Nhưng sau khi tỉnh giao mỏ vàng cho 12 đơn vị doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng thì những người dân không được bén mảng đến khu vực của doanh nghiệp nữa, bởi vậy họ mới phải làm trộm. Những người dân "thổ địa" ở Pắc Ta thì làm trộm được, chứ dân từ những nơi khác đến thì chỉ có thể làm cửu vạn. Bởi đường từ trong núi ra là đường rất xấu. Đường ấy vốn xưa dân toàn đi bộ, vừa đi vừa trèo, nay cũng chỉ có những người giỏi đi xe máy mới có thể đi được.

Làm cửu vạn nhưng có thu nhập khá. Chỉ cần có một chiếc xe máy và có tay lái ngon lành một tí là yên tâm kiếm được việc làm ngon lành. Mỗi bao sái được chở từ khu vực mỏ ra đến nhà dân để ủ với quãng đường khoảng 5km được trả 30.000 đồng. Một cửu vạn khoẻ mạnh, lái xe tốt có thể chở được 6 bao một chuyến, mỗi ngày chở được khoảng 20 chuyến. Tính sơ sơ cũng được hơn 3 triệu đồng một ngày. Cửu vạn có thu nhập như vậy không nhiều, nhưng những người kiếm được ít thì cũng phải là con số hàng triệu bạc chứ không ít. NgườI ta nhẩm tính, một ngày làm cửu vạn mèng mèng cũng kiếm được bằng cả 3 tháng trồng ngô trước đây. Vậy thì sao không đi làm cửu vạn mà kiếm tiền, có tiền sẽ mua được ngô, sẽ mua được gạo, sẽ có thịt bò, thịt dê…

Mọi phương tiện giao thông, mọi sức kéo đều được huy động đi làm cửu vạn. Phụ nữ thì dắt bằng xe đạp, gánh gồng, vác trên vai, đội cả trên đầu, còn trẻ em thì mang những tấm bạt dứa, rồi đặt bao quặng lên mà kéo.

Trên đường vào mỏ, tôi đã gặp một số đứa trẻ vị thành niên đang dắt chiếc xe đạp mà trên phoóc ba ga chất một bao tải quặng. Buổi chiều, trở xuống đường 32, nơi đã mọc lên rất nhiều nhà hàng và quán ăn cùng với cửa hàng trò chơi điện tử. Tôi gặp lại cậu bé dắt xe đạp lúc sáng trong một cái quán dựng tạm như thế. Cậu đang uống coca cola và tay kẹp điếu thuốc lá rất sành điệu. Cậu nói, ngày hôm nay kiếm được 120.000 đồng và nó có toàn quyền sử dụng số tiền mà nó kiếm được vào bất cứ việc gì nó muốn.

Thằng bé nhỏ loắt choắt, tóc dựng đứng vì lâu ngày không gội, chiếc áo nó mặc lấm bùn đất, đôi chân trần vàng khè. Mỗi ngày kiếm được từ dăm bảy chục đến 100 ngàn, nó không thích đi học nữa. Sức hấp dẫn của đồng tiền nó lớn hơn nhiều so với việc đến lớp với con chữ. Và cuối mỗI ngày, sau khi được thanh toán số tiền công, dù nhiều hay ít nhưng nó sẽ được tiêu số tiền ấy, chơi điện tử hoặc ăn quà. Thằng bé nói, nó đang định gom tiền mua một chiếc điện thoại di động. Mua để làm gì nó chưa biết, nhưng nó thích thì muốn mua thôi.

BuổI tối, dòng điện sáng trưng trên suốt cả một dãy núi Pắc Ta, nhìn lung linh như một thành phố nào đó. Thật khó ai tin được cách đây một năm dãy núi vẫn còn là nơi hoang vu tối tăm, cả ngày không có một chuyến xe nào dừng lại. Và con suối Mít Nọi vốn lúc nào cũng trong, bây giờ gầm gào giận giữ bởi dòng nước đã trở nên đục ngầu vì những máy đãi vàng xả đất thừa xuống suối. Cả bản K2 và 4 bản còn lại đang sử dụng nước dòng suối ấy làm nước tưới tiêu và nơi giặt giũ, đã không thể chịu nổi mùi hoá chất bốc lên từ suối.

(Kỳ sau: Những hệ lụy của vàng)
Hoàng Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm