Se sắt chuyện tìm vàng (Kỳ 1)

25/08/2008 09:13 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nằm trong địa phận xã Pắc Ta, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, mỏ vàng K2 được người dân địa phương phát hiện cách đây chừng 8 tháng. Đó là một mỏ vàng có trữ lượng khá lớn, người dân xung quanh khấp khởi mừng thầm vì biết đâu đây lại là cơ hội đổi đời. Nhưng sau 8 tháng tìm thấy mỏ vàng, cuộc sống của người dân dường như sắp rơi vào bế tắc.



Khu vực lán trại của những người tìm vàng

Kỳ 1: Lọ mọ tìm vàng
Câu chuyện tìm thấy vàng

Những người đàn ông H’Mông làm nghề đào vàng thuê bên Lào Cai hàng ngày vẫn đi về qua dãy núi đá K2 cho nhanh. Đó là một con đường rừng cheo leo nhưng lại là nơi đi lại gần nhất. Một ngày cuối năm 2007, những người chuyên đi đào quặng thuê chợt nhận ra những nẹp vàng lấp lánh trên những phiến đá. Họ đào thử một bao tải mang sang Lào Cai bán được giá 800.000 đồng. Những người đàn ông suốt đời đi làm thuê ấy chợt thấy cơ hội đổi đời. Họ hô lên: Tao giàu rồi.

Ngày hôm sau, cả bản mổ trâu bò, dê lợn ăn mừng. Họ, sẽ không cần phải lầm lũi đi xa để kiếm tiền nữa, mà chỉ cần ở ngay tại bản cũng có thể trở nên giàu có. Ai mà tin được dãy núi K2 vốn chỉ để hoang cho lũ trâu bò dê lên đó kiếm những chiếc lá hiếm hoi cho mùa đông lại có thể có vàng cơ chứ? Người dân bản K2 đã sinh cơ lập nghiệp ở đây cả trăm năm rồi, chẳng ai tin được hàng ngày họ vẫn dẫm lên vàng, ngủ trên vàng, thậm chí đại tiểu tiện trên vàng…

Thêm một ngày nữa, sau khi uống cạn những hũ rượu táo mèo trong góc nhà, giết thịt những con dê béo nhất, tất cả trai bản lũ lượt kéo nhau đi đào vàng. Đúng là mừng như bắt được vàng. Không chỉ có dân của bản K2 mà tin nhanh chóng lan đi các bản khác của xã Pắc Ta, nhanh như dòng nước lũ mùa mưa của con suối Mít Nọi vẫn đổ ào ào từ thượng nguồn núi K2 chảy qua 4 bản khác để tưới tắm cho những mảnh ruộng bậc thang bát ngát và những nương ngô xanh mát.

Thế rồi, những người dân quanh năm u tối, cứ tưởng mỏ vàng đấy ai khai thác thì khai thác, ai làm sao thì làm. Vì họ không hiểu đó là tài nguyên của quốc gia, không cá nhân nào có quyền khai thác nếu không được phép của nhà nước.

Sau 2 tháng, tất cả những người dân xung quanh không còn được bén mảng đến khu vực mỏ vàng này. Tỉnh đã khoanh vùng và giao cho doanh nghiệp. Họ âm thầm đi tìm những nơi khác, những nơi ở gần đó cũng có những quặng vàng.

Thợ vàng cào vẩy vàng trên tấm thủy ngân

Theo thợ vàng đi “lọ mọ”

Theo thống kê của trưởng bản K2 Lý Văn Chài, thì hiện nay khắp bản có khoảng hơn 200 máy nghiền quặng làm vàng trộm, đấy là chưa kể đến hang trăm máy khai thác vàng của 12 doanh nghiệp được phép khai thác chạy ầm ầm suốt ngày đêm trên núi.

Không được làm vàng vì bị cấm thì những người dân của bản K2 và những bản khác làm trộm. Làm trộm nhưng những máy xát vàng, những hố ủ vàng nằm tênh hênh ở ven suối, ven ruộng để tận dụng nguồn nước và nhân công.

Tôi được một người dân bản địa “có máu mặt” dẫn vào bãi vàng. Thú thực, trước khi đi tôi cũng lo lắng lắm, vì vốn biết bãi vàng lộn xộn, ấm ớ có khi mất mạng như chơi, mà cái danh “nhà báo” của tôi nào có đáng gì đối với những bưởng vàng? Bởi vậy, sau khi dặn dò kĩ lưỡng mọi tình huống, mọi bi kịch xấu nhất có thể xảy ra, người dẫn đường đảm bảo rằng, có người ta đi cùng thì chắc chắn tôi có thể bảo toàn được cái mạng nhỏ bé của mình để mà về xuôi.

Cả một dãy núi đá vách dựng đứng có hàng ngàn người đang cần mẫn làm việc, hàng trăm máy móc đang hoạt động hết công suất. Những mảng đồi lở lói đỏ lòm bởi những hầm khai thác vàng. Bên cạnh những máy móc hiện đại đang được điều khiển thì những người dân dùng tất cả mọi thứ có thể từ đôi vai, cái đầu, hay chiếc xe đạp cà tàng đến chiếc xe máy không gác - đờ -  bu để chở những bao tải quặng hoặc “xái” mang xuống dưới  chân núi, đến những máy nghiền quặng tư nhân hoặc về gia đình một “cai” nào đó để ủ xái.

Người dẫn đường đưa tôi đến xem một “hầm” của mấy người dân tộc Dao. Có 4 người làm chung một hầm vàng này, họ cũng mới tìm thấy hầm có trữ lượng vỉa vàng nhiều sau rất nhiều ngày “lọ mọ”. Bởi những chỗ nào tốt, những chỗ nào ngon đều được nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý. Thế nên, muốn có vàng người ta phải “lọ mọ” tìm ở chỗ khác. Mặc dù hầm này cách khá xa nơi đóng quân của những doanh nghiệp khai thác, nhưng họ vừa làm vừa canh chừng đám vệ sỹ và công nhân của mấy doanh nghiệp kia. Theo lời một người thì: nếu nó biết, nó sẽ đến chiếm ngay, bởi chỉ nó mới được khai thác, còn chúng tao không được phép khai thác. Thế thì tao làm trộm.

Cả 4 người đều bận, không có thời gian để nói chuyện với tôi, nhưng người dẫn đường bảo: Có nhiều vụ xô xát xảy ra ở đây dẫn đến đổ máu, mà phần thiệt đều là những người đi “lọ mọ” làm lậu vàng. Tuy thế, khát vọng có tiền, có vàng không sao nguôi được trong máu những người dân vốn rất hiền lành và chất phác này.

Nghiền đá để tìm vàng

Chu trình “biến” sỏi đá thành vàng

Sau khi “mục sở thị” nơi làm vàng, tôi được đưa đến xem chu trình biến “đất cát thành vàng” theo đúng nghĩa đen. Sỏi đá được thong qua một chiếc máy nghiền quặng đãi vàng của một người dân bản K2, đặt ngay cạnh quốc lộ 32. Cả khu vực đồi này, bên cạnh con suối Mít Nọi bày nhan nhản những chiếc máy như thế. Người dân gọi nó là “máy xát vàng” vì bề ngoài trông nó khá giống máy xát lúa, cũng một chiếc máng để đổ quặng vào, một vòi dẫn nước chảy trực tiếp vào máng quặng để tất cả đất đá được nghiền nát trôi qua một máng thuỷ ngân, là nơi giữ lại vàng. Một quy trình khá đơn giản chứ không hề phức tạp, thành ra đối với những người làm vàng ở đây, loại kim loại quý này nó cũng chỉ có giá trị như hạt lúa đối với người dân quê tôi mà thôi, nhưng có giá trị hơn một chút. Máy đang nghiền quặng cho một thanh niên người Thái trắng đã “lọ mọ” suốt đêm hôm trước để có được hai bao tải quặng.

Trời mưa tầm tã. Chiếc máy nghiền quặng chạy ầm ầm. Hai thanh niên lấm bê bết bùn đất, người thì thỉnh thoảng lại nhỏ một ít thuỷ ngân vào máng, người thì canh cho máy chạy được đều. Họ, một người là dân “lọ mọ” còn một người là chủ máy nghiền quặng. Người đang chờ đợi để có được những mảy vàng đầu tiên, còn một người thì cũng muốn giữ để chiếc máy có thể chạy ngon lành, bởi đã đầu tư ra đó cả chục triệu bạc. Người thanh niên thuê máy trông còn khá trẻ, cậu ta không tỏ ra ngại ngần hay xấu hổ gì về việc mình đang phải làm trộm vàng, nên câu chuyện với chúng tôi rôm rả và thẳng thắn mặc dù, có thể do thói quen, trong khi nói chuyện, cậu ấy lúc nào cũng cúi đầu.

- Em bao nhiêu tuổi rồi?

- 22.

- Em đi làm vàng được bao lâu rồi?

- Hai năm, trước đi làm bên Lào Cai, bây giờ về đây làm gần hơn.

- Sao không ở nhà làm rẫy mà lại đi làm vàng?

- Làm vàng được nhiều tiền.

- Em đi làm cùng ai?

- Cậu.

Cậu trai chỉ tay về phía kê mấy tấm ván trong lều, một người đang nằm còng queo ngủ như chết. Cũng một bộ quần áo lấm bùn đất, gương mặt bạc vì thiếu ngủ, một mái tóc rối bù lẫn lộn trong đám chăn chiếu nhàu nát.

Những người thợ làm vàng lấy đêm làm ngày, lấy nguy hiểm làm cơ hội để kiếm tiền, nhưng không phải lúc nào công việc này cũng mang lại kết quả ngay, có khi, mất cả đêm tìm vỉa vàng trong những hầm lò nguy hiểm, vừa mang được bao quặng xuống suối thì bị công an tịch thu mất.

- Mỗi chuyến thế này được khoảng bao nhiêu tiền?

- Bảy tám trăm.

- Có mang về cho vợ không hay tiêu hết?

- Tiêu hết.

- Sao không đưa cho vợ giữ hộ?

- Đã có vợ đâu mà đưa.

Lần đầu tiên cậu thanh niên người Thái ngẩng đầu nhìn tôi và nở một nụ cười thật thân thiện, khác xa với những gì mà tôi tưởng tượng về những người thợ đào vàng trước đây.

Sau một hồi cần mẫn nghiền và cho chảy quặng nghiền qua tấm thuỷ ngân, cậu thanh niên bắt đầu cạo tấm thuỷ ngân để vắt lấy vàng. Vàng lẫn với thuỷ ngân màu trắng như bạc. Vê cục kim loại quý trong tay, cậu bảo: Còn phải mang đến tiệm vàng để “khò” cho thành vàng, thành bạc riêng ra thì mới có tiền.

Làm xong công việc nghiền quặng lấy vàng, cậu thanh niên có vẻ thảnh thơi hơn: “Có thể vài ngày đi tìm em mới tìm được mỏ quặng có vỉa vàng. Tìm thấy rồi chung nhau đào lấy vỉa, chung nhau đào hầm. Vài ngày liền không được thay quần áo, không được tắm rửa, không được ngủ nghỉ. Thế nhưng không phải lần đi nào cũng đạt được kết quả là có được những mảy vàng..”.

Có quá nhiều điều nguy hiểm rình rập xung quanh cuộc sống của những người đào vàng. Đó là sập hầm, đó là ngã núi, đó là xảy ra xung đột giữa những người dân và những công nhân của doanh nghiệp khai thác vàng. Tuy vậy vẫn không nguôi đi cơn khát được làm giàu, được kiếm tiền của họ.

(Kỳ sau: Những nô lệ của vàng)
Phóng sự của Hoàng Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm