Săn én trên "đỉnh trời" Khau Phạ

11/12/2012 07:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa Đông gió hút, nhưng từng đàn én đã sớm “đưa thoi” rợp đỉnh trời Khau Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái). Tiếng lích rích văng vẳng tới từ xa giữa bạt ngàn lau trắng. Theo những cơn gió từ phương Bắc, đàn én đã trở về.

Cánh én - tín hiệu báo tin Xuân - là biểu tượng của mùa Xuân tươi đẹp. Nhưng đối với hàng trăm chàng trai ở bản Thào Cang Chải, xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải), én tới đồng nghĩa với một mùa săn mới.

Kỹ nghệ bẫy chim

Trên bãi đất trống giữa đèo, buộc chặt chân chú chim én "mồi", Hoàng Văn Hóa cùng nhóm trai bản Thào Cang Chải ghì sát người xuống đất, căng mắt đợi…

Chừng mươi phút, một đàn én cả trăm con lao qua phần phật. Thấy đồng loại xập xòe dưới mặt đất, vài chú én sà xuống. Nhanh như cắt, chiếc dây thừng quay phựt, cả tấm lưới rộng chục mét vuông đổ ụp vào bầy én. Đám én giãy dụa trong vô vọng, đám thợ săn hào hứng gỡ én từ lưới cho vào lồng. Sau đó, họ lại đặt chim mồi, lại ghì sát người và căng mắt đợi chờ.

Hoàng Văn Hóa kể, từ lúc hơn chục tuổi, Hóa đã theo bố đi bẫy chim. Trước đây bố Hóa phải tự đan lưới, bện dây để bẫy én. Bây giờ đám thanh niên chỉ cần mua lưới bán sẵn ở chợ thị xã, lưới mắt to, mắt bé, loại mềm, loại cứng đều có. Mua lưới về, rồi tìm hai thanh tre, cuốn ở hai đầu tấm lưới. Phải để lưới chùng vì nếu lưới căng, khi ụp vào là kẹp chết én ngay.

Đường Văn Máy khoe lồng én mới bắt được sau chưa đầy nửa tiếng

Làm lễ trước khi săn én

Từ tảng sáng, trai bản Thào Cang Chải theo chân trưởng bản ra suối Mường Lùng cầu khấn trước chuyến đi săn. Trưởng bản khấn xong, những đôi chân trần lội xuống làn nước lạnh thấu xương để làm lễ rửa lưới.

Theo dân bản Thào, những công cụ đi săn như lưới đánh cá, lưới bắt chim, nỏ, dao…đều phải xin phép thần rừng bằng việc rửa ở con nước Mường Lùng.

Đám đàn ông cả bản chia ra làm những nhóm nhỏ 4-5 người (thường là người nhà hoặc bạn bè thân thiết). Mỗi nhóm chọn một địa thế đẹp rồi giăng bẫy. Theo kinh nghiệm của dân bản Thào Cang Chải, nơi lý tưởng đặt bẫy là những bãi đất bằng phẳng. Song bãi đất đó nhô lên so với bình địa chung thì càng tốt. Vì mô đất càng cao, xác suất nhìn thấy én mồi của đàn én cả trăm con càng lớn, càng bẫy được nhiều.

Loay hoay gỡ mấy con én từ bẫy để vào lồng, Đường Văn Máy (bản Thào Cang Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái) thì thào bật mí: "Con chim mồi khỏe, vẫy vùng nhiều, cũng bẫy được nhiều én hơn. Nên bọn tao phải thay chim mồi thường xuyên”.

Chỉ quay nhẹ chiếc dây thừng, tấm lưới sẽ đổ ụp vào đàn én

Xót xa én thành mồi nhậu

Cũng theo Máy, én thường đến vào lúc chuyển mùa, nhiều nhất là từ Đông sang Xuân, hoặc đổi trời sắp chuyển mưa hoặc chuyển nắng. Ở chân đèo cũng bẫy được én. Nhưng ở trên đỉnh đèo, én mới nhiều. Qua đỉnh Khau Phạ đàn én thật khỏe, thịt chắc mới luồn lách được giữa những luồng gió bạt tứ phía nơi lưng trời.    

Từ lưng chừng núi nhìn xuống, Thào Cang Chải ẩn hiện giữa những rặng pơ-mu thẳng vút phía chân trời, càng về gần, hương pơ-mu càng đượm. Đám trai bản mang về cả trăm con én và cả tiền bán én ở ngoài đường cái. Mà có tiền là có rượu.

Con chim mồi bị buộc chặt chân để nhử các con én khác

Trung bình mỗi nhóm 4-5 người bẫy được hơn 100 con én, giá mỗi con bán ở trung tâm huyện Mù Cang Chải là 5 nghìn đến 7 nghìn đồng. Nhân viên nhà hàng ở thị xã Nghĩa Lộ, trung tâm huyện Mù Cang Chải, Than Uyên vẫn ngược con dốc dài cả chục cây số lên mua én ở đỉnh Khau Phạ.

Khoan nói dưới góc độ bảo tồn, chỉ nghe những con số đó, cùng số tiền ít ỏi từ việc bán chim én, người ta đã thấy không khỏi xót xa... Cánh én, biểu tượng của mùa Xuân, đang bị xem như là... mồi nhậu.

Số lượng săn bắt chim én như thế không phải là quá nhiều, chưa đến mức đe dọa sự tuyệt diệt của loài chim này. Nhưng khoan nói dưới góc độ bảo tồn, chỉ nghe những con số đó, cùng số tiền ít ỏi từ việc bán chim én, người ta đã thấy không khỏi xót xa… Cánh én, biểu tượng của mùa Xuân đang bị xem như là…mồi nhậu.

Ông Vàng A Dê (bản Thào Cang Chải) kể: "Nếu bẫy được nhiều én thì đem bán, nếu được ít, trai bản mang về để cả nhà cùng có "bữa tươi" và có mồi nướng lên uống rượu".

Nhìn cảnh những con én vô tội giãy giụa trong lưới, rồi bị vặt trụi lông cho lên than lửa... thui, tôi phải nén lòng lại. Nhưng biết làm thế nào được, cuộc sống vẫn cứ diễn ra như thế trên đỉnh đèo Khau Phạ và quanh những bếp lửa đồng bào cả trăm, cả ngàn năm nay...

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm