Săn "ca sĩ mùa hè"

19/06/2008 01:05 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Khi những cơn mưa đầu mùa đến là người dân trong xóm tôi rủ nhau đi bắt ve sầu về... nhậu. Năm nay cũng vậy, khi những cánh phượng hồng vừa chớm nở và những hạt mưa đầu mùa rơi lộp bộp trên mái nhà là những tay chuyên nghiệp chuẩn bị đồ
 
Nhộn nhịp mùa bắt ve
 
Biết chúng tôi có ý định muốn cùng đi bắt ve, anh Tường bảo chỉ cần sắm một cây đèn pin loại ánh sáng trắng và một cái xô nhựa nhỏ, đựng một ít nước muối hoặc nước mắm pha loãng là đủ. Trời chập choạng tối, anh Tường dẫn chúng tôi đến những vườn tràm bông vàng ở xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh để canh bắt những chú ve sầu mới bò lên lột xác. Trước đây, chúng tôi cứ ngỡ bắt ve sầu khó lắm, nhưng khi đến những vườn tràm này mới thấy bắt ve dễ như lấy đồ trong túi.  
Trẻ em đi bắt ve sầu

Chỉ cần cầm đèn pin rọi vào những gốc cây, bụi cỏ ở độ cao từ đầu gối trở lên (khoảng 0,4 - 2m) là dễ dàng phát hiện ra những chú ve sầu đang nằm lột xác. Những con vừa mới từ mặt đất chui lên, chưa kịp lột, lớp vỏ bên ngoài còn màu nâu đen, hơi khó phát hiện. Nhưng có những con vừa mới lột xác, thân hình và đôi cánh trắng lấp lánh rất dễ nhận ra. Ở một số vườn tràm thì thỉnh thoảng mới có một vài con leo lên lột xác, nhưng những khu vườn đất tơi xốp, khô ráo, mỗi cây tràm có đến 5 - 7 con bám vào.

Mỗi con ve bắt được, dù đã lột xác hay chưa, đều được bỏ vào cái xô đựng nước muối, hoặc nước mắm pha loãng. Theo anh Tường giải thích: “Bỏ ve vào nước mặn như thế là để cho ve không bị đen”. Còn vì sao không bị đen thì có nhiều ý kiến khác nhau. Anh Tường thì cho rằng vì ve thường hay thải ra nhiều nước tiểu làm đen da, có người bảo rằng cho ve không mọc cánh nữa, ăn ngon hơn...

Chỉ trong thời gian chưa đầy hai giờ đồng hồ mà chúng tôi đã tóm được gần cả trăm con ve sầu vừa lột xác. Đến vườn tràm mới biết, không chỉ riêng chúng tôi đi bắt ve sầu mà nhiều nhóm trẻ nhỏ mới 5 - 10 tuổi cũng đi bắt ve. Ngoài cách bắt ve ban đêm như thế, anh Tường kể, còn nhiều cách bắt ve khác. Những người nóng ruột muốn sớm ăn ve thì dùng cuốc đào dưới gốc cây để bắt. Theo kinh nghiệm của anh Tường, cứ nơi nào có ve kêu trên cây nhiều là đào dưới đất sẽ có nhiều ấu trùng ve. Anh mô tả: “Cách đào rất dễ, chỉ cần lấy cuốc cào bỏ một lớp đất mỏng sẽ thấy những cái lỗ nhỏ bằng ngón tay mà ve đang khoét để chuẩn bị chui lên mặt đất. Sau đó dùng dây kẽm bẻ cong một đầu như lưỡi câu, rồi thọc sâu vào hang móc ve lên. Những chú ve ấu trùng này chỉ nằm cách mặt đất khoảng 0,1 - 0,2m. Loại ve này chưa lột nên béo tròn, ăn rất ngon”.
 
Ve sầu vừa lột xác

Những người thích ăn ve trưởng thành thì dùng cây dài khoảng 4 - 5m, trên đầu cây cuốn bông gòn đã tẩm nhựa mít, hoặc làm một cái vòng tròn có bọc ni lông, sau đó đến những cây có tiếng ve, tìm những chú ve đang mải mê “ca hát” chụp vào là xong. Ngoài ra, có thể bắt ve trưởng thành ban đêm bằng cách dùng đèn pin lia lên các cành cây, sau đó rọi đèn xuống mặt đất, ve thấy ánh sáng đèn sẽ sà xuống. Cách này khó bắt được số lượng nhiều, nhưng loại ve đã trưởng thành ăn rất giòn nên nhiều người ưa thích.

Món ăn ve sầu lên ngôi

Theo bà Nguyễn Thị Nga, 78 tuổi, ở xã Bình Minh (thị xã Tây Ninh), người đã từng bắt ve mấy mươi năm nay thì phong trào ăn thịt ve mới phát triển mạnh trong vòng hai năm gần đây. Tuy khá mới mẻ, nhưng món thịt “ca sĩ mùa Hè” này nhanh chóng chiếm được vị trí số một trong các bữa cơm và trên bàn nhậu.

Ve sau khi bắt về, cắt cánh, cắt chân, lăn bột chiên giòn, số còn lại chiên nước mắm dùng cơm, nhắm rượu, vừa ngọt vừa béo không món ăn dân dã nào bằng. Một số chủ quán ăn, quán nhậu cũng nhanh chóng “cập nhật” món đặc sản này và chế biến thành nhiều món ăn mà thực khách khó lòng bỏ qua. Hiện nay, các món ve sầu chiên bột, chiên giòn, xào hành, nấu cháo v.v... đã trở nên khá quen thuộc ở các điểm ăn uống với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/đĩa. Thịt ve sầu thơm, ngon hơn thịt dế, ít béo hơn con đuông, con tằm nên ăn không ngán. Sau khi thưởng thức một số món ve sầu tại một quán ăn khá nổi tiếng ở thị xã Tây Ninh, anh Nguyễn Văn Toàn, một chủ doanh nghiệp ở tỉnh Tây Ninh tâm sự: “Do công việc, chúng tôi thường tiếp khách, tôi đã được thưởng thức nhiều món ăn sang trọng nhưng gần đây, các món chế biến từ ve được xem là món ăn thời thượng và luôn được chúng tôi ưu tiên lựa chọn”.

Không riêng ở Tây Ninh, mùa Hè đi du lịch đến những khu vườn sinh thái ở Vĩnh Long, du khách được nằm võng đu đưa dưới những bóng cây mát rượi vừa có thể nghe tiếng ve sầu ca hát và còn được thưởng thức món ăn ve sầu. Đây cũng là một trong những thế mạnh du lịch mà Vĩnh Long và một số tỉnh miền Tây đang khai thác. Nhưng nếu cứ cái đà bắt ve sầu bừa bãi như thế này, e rằng trong tương lai chẳng còn nghe tiếng ve gọi Hè

Box: Trong Đông y, xác ve sầu có tên gọi là “kim thiên”, có tính mát, trừ phong nhiệt nên có thể dùng chữa bệnh sốt, kinh giật, kinh phong ở trẻ em, tay chân co quắp, ho cảm mất tiếng, viêm tai giữa v.v... Thịt ve sầu có nhiều protein nên người ở nhiều dân tộc trên thế giới như Trung Hoa, Malaysia, Burma, châu Mỹ Latin v.v... thích ăn thịt loài côn trùng này.
 
Đức An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm