Rao bán đặc sản giữa Thủ đô

13/04/2012 14:55 GMT+7 | Thế giới

Muốn ăn cơm cháy không phải về tận Ninh Bình, không phải về mãi Thanh Hóa để mua nem chua... tất cả những đặc sản trên đều có thể mua được ở ngay giữa lòng Hà Nội. Thời gian gần đây, nhiều người dân địa phương đã "bán rao đặc sản" trên các đường phố, bến xe buýt giữa Thủ đô.

Hai tuần gần đây, nhiều người dân trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) không còn là lẫm với cảnh 3, 4 điểm bán cơm cháy Ninh Bình mọc lên ngay giữa đường phố lớn đông người Xã Đàn. Trú ngay dưới nhà chờ xe buýt, hoặc đừng ngay bên lề đường với một tấm biển hiệu và 5, 6 thùng cơm cháy. Nhưng đợt giao dịch với khách hàng đi đường chỉ mất chừng 30 giây cho việc lấy hàng và trả tiền. Với mức giá bình dân 25.000 đồng/gói, sản phẩm cơm cháy nhãn hiệu Khải Hoa được nhiều người đón nhận.

Anh Bùi Duy Bôn, nhân viên tiếp thị cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của một công ty ở Hoa Lư, Ninh Bình chia sẻ: Xuất phát từ dân bán bia hơi. Tôi từng chứng kiến khách hàng chen chân mua thịt dê, cơm cháy Ninh Bình chính hiệu. Cũng có ý định kinh doanh mặt hàng này nhưng chua có điều kiện. Khi một người bạn đề nghị mang một ít hàng ở quê lên trên Hà Nội bán thì tôi quyết định thử kinh doanh mặt hàng này.

Anh Bôn cũng cho biết thêm, mặc dù đã có một đại lý bán cơm cháy Ninh Bình Đê La Thành nhưng trên thực tế, do chi phí cho sản xuất, dịch vụ trung gian quá cao nên người sản xuất nhận lại được lợi nhuận rất thấp mà người mua vẫn phải trả giá cao. Khi bán hàng rao tại các phố, giảm bớt được tiền thuê địa điểm bán hàng và dịch vụ khác thì giá đặc sản đã được giảm xuống. Trong khoảng 10 ngày bán thử với 3 điểm bán hàng cùng trên trục đường Xã Đàn mỗi ngày anh bán được khoảng 100 hộp cơm cháy. Rất nhiều người sau khi ăn đã quay lại trở thành khách hàng thường xuyên của cửa hàng "di động".


Cơm cháy bán tại nhà chờ xe buýt. (Ảnh: HD)

Không chọn một điểm đứng bán như cách anh Bôn (Ninh Bình) chọn, mà với đồ nghề là là chiếc xe máy biển 36, một chiếc loa được cài sẵn "ai nem chua nào, ai nem chua đê" và chiếc sọt chở hàng trăm chiếc nem chua, anh Hoàng Văn Hùng (Hà Trung, Thanh Hóa) chạy xe chậm chậm trên đường Xuân Thủy. Vừa đi, anh vừa để ý dọc hai bên đường, cứ mỗi lần có khách vẫy là anh ngay lập tức tạt vào.

Anh Hùng chia sẻ: Khởi điểm là nhân viên bảo vệ cho một cửa hàng quần áo trên đường Cầu Giấy, công việc nhàn nhưng lương chẳng được bao nhiêu. Trong khi làm việc, anh phát hiện quán ăn vặt bên cạnh cửa hàng anh làm rất đắt hàng, nhất là nem chua được nhiều người mua và thích. Anh bàn với vợ lấy hàng từ trong nhà ra Hà Nội bán. Anh mới bắt đầu từ tháng 2, lượng hàng mới đầu phải bán quen khách. Trung bình anh bán được 100 đến 200 chiếc nem chua/ngày.

Tuy nhiên, anh Hùng cũng gặp phải nhiều khó khăn. Anh chia sẻ, do không có điểm bán cố định, nhiều người ăn không dám mua nhiều, không tin tưởng vì nếu gặp sản phẩm không chất lượng không biết tìm đến đâu, đến ai để chịu trách nhiệm. Thường thì người mua phải thử rồi mới mua. Mặt khác, do bán rao nên lượng hàng bán ra không ổn định.


Cửa hàng nem chua di động. (Ảnh: HD)

"Thấy biển hiệu ngay giữa đường nên tôi tò mò vào mua thử. Giá cả không quá đắt, coi như mình thử cũng không phải tính toán nhiều. Hơn nữa, người ta có điều kiện người ta mò về tận quê mua từ lít mắm đến cái bánh đa. Mình tiện ngay đây thì sao không thử", chị Đỗ Thị Thủy (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) một khách hàng của điểm bán cơm cháy trên đường Xã Đàn cho biết.

Thích thú với đặc sản 100% made in quê hương, chị Nguyễn Bích Hà, người gốc Bỉm Sơn, Thanh Hóa xin luôn số điện thoại của anh Hùng bán nem chua. Chị cho biết: mặc dù chuyển lên Hà Nội 10 năm nay nhưng mỗi lần về quê chị đều mang rất nhiều nem chua lên làm quà cho bạn bè, cho nhu cầu của gia đình. Giờ có đặc sản quê mà không cần đi lại mà rất thuận lợi, chỉ cần gọi là có người mang tới nên thấy đây là cách bán hàng rất tốt. Hơn nữa, có thể ủng hộ cho đặc sản địa phương thì không còn gì bằng.

Theo Vietnamnet

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm