Quyết liệt thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội

22/05/2009 20:36 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sáng 21/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.

Đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 so với số liệu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước có một số thay đổi nhưng về căn bản đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, chuyển mạnh sang cơ chế giá thị trường, bảo đảm được an sinh xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng, có bước chuẩn bị tích cực cho kế hoạch năm 2009. Những kết quả đó thể hiện sự nỗ lực to lớn của các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn dân. Tuy nhiên, việc khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém đang đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn cho công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.

* Phát huy hiệu quả từ gói kích cầu của Chính phủ

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đánh giá gói kích cầu của Chính phủ đã được thực hiện linh hoạt, kịp thời nhưng trong quá trình thực hiện cũng đặt ra một số vấn đề cần được xem xét. Đại biểu phân tích: hiện nay, gói kích cầu đang tập trung cho các doanh nghiệp làm ăn bình thường, tức là doanh nghiệp đã khỏe nay lại càng khỏe hơn, trong khi đó các tổ chức kinh tế đang gặp khó khăn lại không được hưởng lợi từ gói kích cầu này. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để các doanh nghiệp thực sự khó khăn được tiếp cận nguồn vốn và nhận được sự trợ giúp từ chính sách này. Nhấn mạnh việc thực hiện gói kích cầu là cần thiết, đại biểu Loan cho rằng sự chuẩn bị, đánh giá, phân tích, so sánh nền kinh tế của ta với các nước khác là cần thiết. "Cần có sự phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác"- đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Chính phủ công bố gói kích cầu 8 tỷ USD, tương đương 145.000 tỷ đồng, nhưng trong đó lại có một số nhóm là nguồn chứ không phải là chi thêm. Chẳng hạn như việc chuyển nguồn vốn đầu tư từ năm 2008 sang; hay như phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ là để bù vào nguồn thu bị thâm hụt, không phải là chi thêm để kích cầu”. Đại biểu cho rằng, thống kê như vậy sẽ khó đánh giá đúng tác động của các gói kích cầu.                                                                                                                            

Bày tỏ đề nghị gói kích cầu của Chính phủ cần quan tâm tới đầu ra của sản phẩm, đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) cho rằng việc tổ chức thực hiện gói kích cầu này trong thời gian tới cần xem xét tới các yếu tố tác động và thống nhất chính sách chung của cả nước (cần lưu ý đầu tư cho giải quyết lao động, cải cách thủ tục hành chính trong quá trình hoạch định). Phân tích gói kích cầu của Chính phủ dưới một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhận định: trong gói kích cầu của Chính phủ chưa thấy đề cập tới giải pháp về nguồn nhân lực. Đại biểu kiến nghị Chính phủ phải có những giải pháp về nguồn nhân lực thực hiện trong đó tập trung vào đánh giá trách nhiệm, năng lực, vai trò chủ đạo của các tập đoàn kinh tế Nhà nước trước lạm phát và suy giảm kinh tế như hiện nay. Cũng đề cập về vấn đề này, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) kiến nghị trong kích cầu đầu tư cần đặc biệt chú ý tới vấn đề giải quyết việc làm, Chính phủ cần dành một phần kích cầu cho nông thôn miền núi để xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực sản xuất...

*Bội chi ngân sách bao nhiều là hợp lý?

Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách năm 2009 từ 4,82% lên không quá 8% GDP, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng ( TP Hồ Chí Minh) cho rằng mức bội chi 8% là quá cao, cần phải có biện pháp quyết liệt để giảm xuống. Theo đại biểu, bội chi ngân sách năm nay khoảng 6%-6,5% GDP là hợp lý. Tuy nhiên,  theo đại biểu Trần Du Lịch, nếu mức bội chi 8% đạt được trong bối cảnh kiềm chế được lạm phát dưới 10% sẽ là “cú hích” cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Đại biểu đề nghị Quốc hội cần ra một nghị quyết riêng về tăng bội chi ngân sách với các điều kiện đi kèm như: làm rõ phần nào là để bù thiếu hụt cho thu ngân sách, phần nào để chi thêm cho kích cầu và kết quả của việc tăng bội chi ra sao.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị phải cân đối thu chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, mức bội chi 8% là quá cao. Đại biểu khuyến cáo: nếu tăng bội chi ngân sách Nhà nước 8% thì sẽ có nguy cơ lạm phát tăng cao. Đại biểu Mã Điền Cư cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất mức bội chi ngân sách 8%. Đại biểu đề nghị cân nhắc ở mức 6%, 6,5% hoặc 7%.

Thảo luận về các giải pháp kích thích phát triển kinh tế, đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) cho biết người dân và cử tri đang lo về vấn đề thực hiện: “Giải pháp đúng nhưng phải làm sao thực hiện cho tốt. Chính phủ muốn phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu là hợp lý, nhưng phải giám sát thế nào để đồng vốn đó được sử dụng một cách hiệu quả”. Đại biểu dẫn chứng về vấn đề thực hiện các giải pháp còn chưa tốt, chẳng hạn như ở Quảng Ngãi tiếp cận vốn vay ưu đãi còn khó khăn, vấn đề kích cầu kinh tế hợp tác còn chưa được chú ý. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đồng tình là các giải pháp đi vào thực tế còn chưa đạt yêu cầu. Ví dụ như chính sách cho vay (lãi suất 0%) hỗ trợ người lao động mất việc làm, áp dụng cho năm 2009 nhưng đa số DN có lao động mất việc làm lại rơi vào năm 2008, nên đến nay hầu như triển khai cho vay rất khó.

Buổi chiểu, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Luật Bồi thường Nhà nước.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm