Quy hoạch khảo cổ: Vẫn chỉ là con số 0

27/09/2013 10:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - "2 năm trước, tôi có nhắc tới việc Khánh Hòa sắp trở thành địa phương đầu tiên hoàn thành bản quy hoạch khảo cổ của mình. Bây giờ, thật đáng buồn khi phải... đính chính thông tin rằng sau vài năm, mọi chuyện vẫn là con số 0 trên toàn quốc"- PGS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN), nói bên lề hội nghị khảo cổ học toàn quốc lần thứ 48 diễn ra hôm qua tại Hà Nội.

1. Luật Di sản Văn hóa (DSVH) bổ sung vào năm 2010 quy định các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ - nôm na là hệ thống "bản đồ" xác định các di tích trên địa bàn, kèm theo phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần. Thế nhưng, suốt ngần ấy năm từ khi ra đời, vấn đề này vẫn khiến các chuyên gia "rát cổ bỏng họng" trong mỗi kì Hội nghị KCH thường niên.


PGS Tống Trung Tín

Tại tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2011, ngành khảo cổ đã phối hợp điều tra, nghiên cứu hệ thống di chỉ trên toàn tỉnh để lập quy hoạch. Thế nhưng, khi hoàn thành, bản quy hoạch này vẫn chưa hề nhận được phản hồi hoặc phê duyệt bằng văn bản của các cấp có thẩm quyền, để từ đó được  sự đối chiếu, điều chỉnh liên thông khi xây dựng hoặc quy hoạch đô thị, theo luật DSVH.

"Làm rồi để đó, chưa được công nhận thì kết quả vẫn là bằng 0" - PGS Tín than thở. 10 năm trước, nhân kỉ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ học (KCH) đã được yêu cầu nghiên cứu và lập quy hoạch khảo cổ ở dạng sơ khai về hệ thống các di tích tại 4 quận nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, khi hoàn thiện và nộp lại cho Sở VH, TT&DL Hà Nội, bản quy hoạch đó gần như không còn được nhắc đến cho tới bây giờ.

"Những câu chuyện của ngành KCH trong năm qua đã cho thấy việc thiếu vắng quy hoạch khảo cổ gây tác hại lớn thế nào. Có thể lấy việc nhùng nhằng, lúng túng ở cầu vượt Đàn Xã Tắc là ví dụ điển hình nhất" - PGS Tín nhận xét. Ông còn đưa ra thông tin gây "sốc": Thống kê trong ngành cho thấy 80, 90 % các di tích liên quan tới thời đại kim khí  trên toàn quốc đã bị xóa sổ hoàn toàn vì không được quy hoạch bảo vệ.Trong đó, có những di tích cực kì quan trọng như khu di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ) hay mộ táng Thủy Nguyên (Hải Phòng).

2. Các trường hợp di chỉ khảo cổ "mất tích" vì thiếu quy hoạch thường diễn ra với kịch bản chung: Giới nghiên cứu khai quật một phần, khuyến cáo địa phương bảo tồn, để rồi... sững người khi quay lại đó trong thời gian kế tiếp. Cũng ở rất nhiều trường hợp, di tích khảo cổ phát lộ trong quá trình xây dựng hoặc quy hoạch đường xá, nhưng khi các chuyên gia khảo cổ chạy tới thì không còn "nhặt nhạnh" được gì.


Đàn Xã Tắc là ví dụ điển hình của những rắc rối từ việc thiếu quy hoạch khảo cổ

Mọi người hay than thở về tình hình xâm phạm di tích ở Hà Nội. Nhưng sự thật, tại các địa phương xa, tình hình còn phức tạp hơn nhiều. Phát hiện di tích, rất ít khi cơ quan chức năng địa phương kịp thời báo lên cho Viện KCH. Thậm chí, theo lời PGS Tín, cách đây nhiều năm, nhóm chuyên gia khảo cổ của Viện có xuống Hải Phòng để khảo sát khu mộ thuyền Thủy Sơn. Biết rằng khu di tích giá trị này nằm trong hướng quy hoạch Quốc lộ 10, các chuyên gia đã ra sức khuyến cáo, nhắc nhở địa phương - để rồi khi 3 năm sau quay lại thì... đường lớn đã hoàn thành, còn khu mộ thuyền thì mất đi hoàn toàn. "Vấn đề đã được quy định rõ theo luật, thậm chí phân rõ chức năng cho các cơ quan ban ngành. Vậy nhưng, kết quả đáng buồn này cho thấy Luật DSVH cứ viết, cứ nói, còn di tích không được bảo vệ thì cứ mất đi mỗi ngày” - nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét. Theo lời hứa của ông, vấn đề  quy trình thực hiện Luật DSVH - đặc biệt là việc quy hoạch khảo cổ - sẽ được nhắc tới trong kì họp Quốc hội tới đây...

Hiện tin vui duy nhất về vấn đề là việc một số địa phương như Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu... đang xúc tiến việc chuẩn bị lập quy hoạch khảo cổ trong thời gian tới. Nếu nỗ lực tối đa, sẽ mất khoảng 10- 15 năm để việc xây dựng quy hoạch khảo cổ được hoàn thiện trên toàn quốc.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm