Quảng Ninh: Trận mưa lũ lớn nhất trong 40 năm qua, ba mẹ con chết thương tâm

27/07/2015 13:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.v) - Ngày 27/7, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt mưa lũ xảy ra trong 2 ngày 25- 26/7 trên địa bàn tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đánh giá: Đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có nơi lượng mưa cao tới gần 600 mm, đồng thời mưa to gặp lúc triều cường nên mức độ ảnh hưởng rất lớn. 

Mưa lớn kéo dài 2 ngày liền khiến hầu hết các địa bàn như thành phố Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hoành Bồ đều xảy ra úng lụt cục bộ (có nơi lên cao đến 2m). Nhiều vùng trên địa bàn Cẩm Phả và Vân Đồn bị cô lập, việc tiếp cận để ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn. 


Đoạn quốc lộ 18A khu vực phường Quang Hanh bị ngập nước sâu, giao thông bị tê liệt . Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Để kịp thời khắc phục thiệt hại do mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đặc biệt lưu ý các địa phương đề phòng lũ quét, cảnh báo và phòng lũ đầu nguồn. Hiện tại tất cả các công trình hồ đập, mực nước đang ở ngưỡng cho phép, tuy nhiên các địa phương cần nắm sát tình hình mưa lũ, đặc biệt là lũ thượng lưu để có phương án phòng chống kịp thời, thực hiện tốt công tác thông tin đến người dân để họ chủ động phòng tránh. 

Theo Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tính đến sáng 27/7: Thành phố Cẩm Phả là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ vừa qua. Tại Cẩm Phả, mưa lũ đã làm chị Nguyễn Thị Lan (sinh 1988) cùng hai con nhỏ của chị bị thiệt mạng. 

Mưa lũ cũng làm sập một gian nhà dân ở phường Cẩm Tây, làm trôi 1 xe bán tải tại khu 9, phường Mông Dương, một phần tường của bệnh viện và một cột điện hạ thế ở phường Cẩm Thành bị đổ. Mưa lũ cũng gây ngập lụt tại các phường Cẩm Bình, Cẩm Phú, Mông Dương, Cẩm Sơn, Cẩm Thủy và xã Dương Huy... Thành phố Cẩm Phả đã phải tổ chức di dời 15 hộ dân trên địa bàn. 


Sử dụng thuyền cứu hộ các phương tiện bị chết máy khi đi qua đoạn đường ngập nước trên quốc lộ 18A . Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Tại huyện Vân Đồn, hồ Nhà Thạch ở xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn) có dung tích khoảng 15.000 m3 có nguy cơ bị vỡ. Trước tình hình đó, địa phương đã tiến hành phá vai tràn để tăng khả năng tháo nước. Mưa lũ cũng gây sạt lở 2 đoạn đường, chia cắt thôn Nà Na và thôn Bản Sen, làm sạt 450 mét ta-luy mái tại khu vực đầu cầu Vân Đồn 3 thuộc xã Đông Xá và xã Minh Châu; tuyến kè đường thôn Nà Na bị lũ cuốn trôi khoảng 500m; cống qua đường ở thị trấn Cái Rồng bị trôi lấp. Toàn huyện Vân Đồn đã sơ tán 14 hộ dân ở các xã Bản Sen và thị trấn Cái Rồng về nơi ở tạm an toàn. 

Tại thành phố Hạ Long: Nhà ở, công trình phụ, sân của một số hộ dân ở phường Hồng Gai, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo bị sạt lở. Thành phố đã phải di dời gần 20 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt và có nguy cơ sạt lở cao về nơi ở tạm trú an toàn. 

Nhiều tuyến giao thông của tỉnh Quảng Ninh cũng bị hư hại nặng: Tại nhiều điểm trên quốc lộ 18, đất đá từ mái ta luy sạt lở khoảng 800m3, ngập cục bộ tại nhiều vị trí như: Km51, Km55, Km62+850, Km109+200, Km128+300... Các tuyến tỉnh lộ 334, 326, 328, hàng chục điểm có đất đá sạt lở cục bộ. Mực nước trong các hồ thủy lợi của tỉnh đều ở ngưỡng cho phép, một số hồ ở Đông Triều đã xả lũ từ 16 giờ ngày 26/7. Các cống tiêu đã mở hết cửa kể từ 17 giờ ngày 26/7. 

Tại địa điểm ngập lụt, nhiều chỗ nước ngập sâu gần 1 mét. Lực lượng cảnh sát giao thông, và ngành giao thông vận tải Quảng Ninh đã bố trí người chỉ dẫn các phương tiện đi vào đường tránh thành phố Hạ Long để đảm bảo giao thông không bị ùn tắc, kết nối giao thông các tuyến từ Uông Bí, Hạ Long hay các tỉnh phía Bắc đi Cẩm Phả và Móng Cái. 

Hiện các lực lượng chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn ứng trực, chủ động khắc phục thiên tai và ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết.

Văn Đức (TTXVN)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm