Quảng Nam: Rợn người thôn 'nghĩa địa'

27/01/2014 07:07 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể gọi thôn Đông Tuần, thuộc xã đảo Tam Hải, (Núi Thành, Quảng Nam) là thôn “nghĩa địa”, bởi từ xưa đến nay người dân thôn này phải sống chung với mồ mả của người đã khuất. Thực tế “kinh dị” ấy không chỉ gây cảm giác rợn ngợp, mà còn để lại nhiều mối nguy hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Sống chung với mồ mả

Dọc tuyến đường về thôn Đông Tuần, chúng tôi có cảm giác như đang đi qua một khu nghĩa trang lớn. Đó là những ngôi nhà nằm san sát bên cạnh các lăng mộ cả cũ lẫn mới, tất cả tạo thành một phức hợp lẫn lộn giữa người đang sống và người đã khuất.


Lăng mộ nằm sát cạnh nhà dân

Những hàng dương rũ bóng, vi vu trong gió bên cạnh các khu lăng mộ nằm giữa đồi cát trắng. Có những lăng mộ chỉ cách cổng nhà dân một hai bước chân, thậm chí có nhà được bao bọc bởi lăng mộ từ cả bốn phía. Không khí trong thôn vì thế lúc nào cũng lạnh lẽo, hun hút, khiến những vị khách yếu bóng vía đến đây lần đầu không thể không mang tâm trạng hoang mang.   

Nhà chị Phùng Thị Văn (42 tuổi) nằm giữa thôn, phía trước là những ngôi mộ cũ có từ trước khi gia đình chị cất nhà để sinh sống, phía sau là cả một khu nghĩa địa với số ngôi mộ còn khá mới chỉ cách hồi nhà chị chừng 3m.

Chị Văn cho biết, “Ngày mới chuyển đến sống ở đây đã có mồ mả rồi, lúc đầu rất sợ. Lại thêm hồi đó chưa có điện thắp sáng, nên buổi tối chỉ biết đóng cửa ở trong nhà chứ không dám đi đâu. Nhưng sống lâu thành quen, bây giờ người lớn không còn cảm giác sợ hãi như trước nữa”.


Lăng mộ nằm trước cổng nhà dân

Dọc tuyến đường với nhà chị Văn, hầu hết các gia đình ở đây đều phải sống chung với mồ mả như thế. Ngay như nhà anh Võ Chinh (42 tuổi), mồ mã nằm ngay trong khuôn viên nhà, điều lạ là những mồ mà này không có liên quan gì đến dòng tộc của anh.  

“Sống bên cạnh mồ mả, đến ngày đầu tháng, ngày rằm chúng tôi phải hương khói đầy đủ. Nói thực, chúng tôi đâu muốn sống chung với mồ mả như thế này, nhưng mà ở đây đất chật người đông đành phải xây nhà xen giữa lăng mộ”. Anh Chinh cho biết.

Theo trưởng thôn Đông Tuần, Trần Quốc Khôi, trước giải phóng nghĩa địa ở đây tách rời với khu dân cư, nhưng sau giải phóng nhu cầu đất ở gia tăng, người dân đành phải sống chen lấn với nghĩa địa. Cả thôn có 760 hộ, trong đó có khoảng hơn 300 hộ phải sống chung với mồ mả từ nhiều năm nay, đó là chưa kể các khu chôn cất tập trung nằm bao quanh thôn. Những năm gần đây, việc chôn cất người chết gần khu dân cư vẫn chưa dừng lại, bởi không còn nơi nào để chôn cất nữa.


Mộ trong khuôn viên nhà

Thiếu nước sạch

So với 6 thôn còn lại ở xã đảo Tam Hải, vấn đề nước sạch để sinh hoạt luôn là bài toán nan giải với thôn Đông Tuần. Theo người dân ở đây, ngoài đặc điểm tự nhiên (đất cát, bốn bên là biển nước), việc mồ mả được chôn cất dày đặc trong thôn cũng là nguyên nhân khiến mạch nước ngầm ở đây bị nhiễm bẩn.

Thực tế, người dân thôn Đông Tuần vẫn có giếng nước, trước đây việc dùng nước giếng để sinh hoạt là rất phổ biến. Tuy nhiên, khi chứng kiến số người mắc bệnh ung thư trong thôn ngày càng gia tăng, người dân đã đặt nghi vấn do nguồn nước. Vậy nên, từ năm 2008 đến nay, người dân trong thôn đã không còn dùng nước giếng để ăn uống.


 Mồ mã bao vây tứ phía

“Chúng tôi cho rằng mạch nước ngầm ở đây bị nhiễm chất độc hại, bởi khoảng 5 năm trở lại đây chúng tôi không dùng nước giếng để ăn uống bệnh ung thư  có phần thuyên giảm. Đó là chưa kể trước kia mỗi lần nấu nước, dưới đáy ấm thường động lại màu trắng, và ấm dùng để nấu nước cứ 3 tháng lại bị thủng đáy.”- ông Phạm Minh Huy chia sẻ.

Có giếng nước, nhưng không thể dùng để ăn uống, người dân thôn Đông Tuần phải qua thôn Thuận An, cách 2km để mua nước, 1 can 30lit có giá 7 ngàn đồng. (Ở thôn Thuận An có hai giếng nước Hời của người Chămpa để lại, nước rất sạch và đủ để người dân trong  xã dùng quanh năm). Còn  nếu nhà ai có điều kiện hơn thì mua nước đống bình để dùng, hoặc mua bình lộc 4 triệu/cái để khử.


Có giếng nước nhưng không thể dùng vì sợ tật bệnh
  
Sống giữa bốn bề là bể nước nhưng lại khát nước, thực trạng ấy khiến những người dân nghèo thôn Đông Tuần không biết kêu ai. Thiết nghĩ, chính quyền nơi đây cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Việc quy hoạch lại nghĩa địa, di chuyển số lăng mộ cũ ra khỏi khu dân cư là hết sức cần thiết. Đồng thời, kiểm tra, đưa đi xét nghiệm mạch nước ngầm nhằm đưa ra biện pháp xử lý, hay kéo nguồn nước từ thôn Thuận An qua để người dân thôn Đông Tuần sử dụng cũng là một giải pháp tốt.

Trước những câu hỏi của chúng tôi xung quanh vấn đề nước sạch và quy hoạch lại nghĩa địa ở thôn Đông Tuần, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải, ông Phan Như Tường cho hay: Theo quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, có dự án biến xã Tam Hải thành khu du lịch sinh thái, đồng thời nghĩa địa Tam Hải sẽ được quy hoạch tại xã Tam Anh. Tuy nhiên, do dự án không hình thành nên việc quy hoạch nghĩa địa Tam Anh cũng không thực hiện được.

Từ năm 2010, xã Tam Hải đã có phương án thay thế, mở khu nghĩa địa ở thôn Thuận An, song đất không được rộng, lại thêm người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng đã chiếm đi một phần diện tích đất nghĩa địa.

Riêng vấn đề nước sạch, năm 2006, Tam Hải được tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ để bắc hệ thống nước ngọt từ xã Tam Giang qua. Đến năm 2010, cảng Tam Hiệp được mở nên phải dở đường ống chuyển nước ngọt về xả. Hiện chính quyền và người dân xã Tam Hải cũng đang trong ngóng việc nối lại hệ thống đường ống dẫn nước ngọt từ Tam Giang qua Tam Hải.

Đăng Khoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm