Phiên chợ sáng A Lưới

23/03/2009 15:21 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Họp chợ từ 1 – 2 giờ sáng cho đến khi trời sáng hẳn, phiên chợ A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) có thể gọi là “phiên chợ độc”, khi có đến 6 dân tộc đến họp chợ. Bao gồm người Pa Kô, Cơ Tu, Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Hi và người Kinh quần tụ sống nơi đây.

Mỗi dân tộc mỗi bản sắc riêng thế nhưng khi đến với phiên chợ chỉ có một bản sắc. Bản sắc của 6 dân tộc hòa quyện vào nhau mà không dễ nơi nào cũng có được. Dù vậy phiên chợ vẫn còn nặng tính tự túc, chưa thành một phiên chợ thu hút khách du lịch vốn rất có tiềm năng trên đỉnh Trường Sơn này.

Lần mò trong đêm tối để đến phiên chợ


Phiên chợ “độc”

Trong cái se lạnh của xứ núi, chạy xe máy vào thị trấn A Lưới khi mọi người còn yên giấc ngủ. Chúng tôi bắt gặp mẹ Căn Chỉ, 80 tuổi, dân tộc Cơ Tu miệng ngậm tẩu thuốc, lưng gùi những món hàng là sản phẩm trên rừng về. Xúng xính trong bộ thổ cẩm của người Pa Kô đầy sắc màu, cô gái mang họ bác Hồ, tên là Đố đi bán Pếh (chuối). Em bé Hồ Văn Qua, 6 tuổi đến từ xã Nhâm, xách một túi rau má vào chợ. Họ đều từ những bản làng xa xôi đến với phiên chợ để bán những sản vật của núi rừng. Và phải vượt qua một quãng đường dài trên cả chục cây số. Mặc dù, đường nhựa rộng thênh thang nhưng rất hiếm khi họ đi xe máy hay xe đạp. “Muốn cuốc bộ đi phiên chợ để vui hơn với lại không quen đi xe”, mẹ Căn Chỉ cho biết.

“Đi chợ vui lắm” - Nhiều trẻ em đến phiên chợ chỉ mong được vui


Các sản phẩm của phiên chợ là đặc sản rau rón (một loại dương xỉ), búp chuối rừng, măng, sả, khoai, ngô… hay cả con lợn, con chim rừng bắt được trong rừng. Đó đều là những món hàng hết sức “nguyên sơ” do họ tìm kiếm được trong rừng sâu. Có khi đi cả mấy ngày đường họ vào rừng chỉ để hái nấm, hay bắt tổ ong. Tiền thu về không là bao nhưng họ cảm thấy rất vui vì được sống theo kiểu cha ông ngày xưa. Đa số khách đến chợ phiên cũng là để tìm mua những đặc sản vốn dĩ trên đỉnh núi mới có này. Anh Quỳnh Piếu, ở xã hồng Bắc đang bán tôm mò dưới suối chiều qua nhưng không có đến một tiếng mời mọc. Cứ ngồi chờ, không nói thách giá cả. Ai mua thì mua không thì ngày mai lại ra chợ bán tiếp.

Người đi chợ ai cũng phải “thủ” cho mình một đèn pin, không đèn không mua được. Người bán ngồi bên hàng của mình chờ người mua rọi đèn vào hàng rồi bán. Giá cả ở đây cũng hết sức rẻ, nếu như chai mật ong ở dưới xuôi có khi vài trăm nghìn đồng chưa chắc đã thật mật thì ở đây giá cao lắm cũng chưa đầy 100 nghìn. Tấm thổ cẩm có đắt lắm cũng chỉ 300 nghìn đồng mà lại độc đáo, riêng biệt.

“Ba buồng chuối to thế này nhưng bị ép giá còn 20.000 đồng thôi”


Đến khoảng 6 giờ sáng là chợ tan, mọi người lại ra về, lên rẫy tìm “sản vật của Yàng”. Giữa họ không hề có một chút chút phân biệt dù mỗi dân tộc khác nhau mang bản sắc khác nhau. Họp chợ phiên đã gắn liền với những dân tộc nơi đây như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Chị Đố bộ bạch: “ Nếu sáng mô không đi chợ là cứ thấy buồn buồn”.Trên cơ sở “góp gạo nấu cơm chung” phiên chợ hình thành từ lâu và đã thành bản sắc riêng của những anh em dân tộc A Lưới. Khách du lịch khi đi qua A Lưới không một ai không mang trong lòng những dấu ấn về phiên chợ này.

Nhiều lái buôn săn hàng từ cổng chợ

Và những nỗi niềm

Phiên chợ sáng của 6 dân tộc trên vùng cao A Lưới đã hình thành từ rất lâu mà theo mẹ Kăn Chỉ “mẹ không nhớ chợ có từ khi mô nữa”. Tuy nhiên, phiên chợ đặc sắc này đang hoạt động như một chợ tự phát bên cạnh chợ A Lưới bề thế. Trên một quãng đường dài khoảng 300 mét, họ xum tụ lại 2 bên đường để mua bán. Anh Hồ Xuân Quyền là nhân viên giữ trật tự ở đây cho biết: “dân mình ai cũng nghèo. Họ họp chợ để bán đặc sản rừng kiếm thêm thu nhập. Nhưng họp chợ trên đường nguy hiểm lắm, rất dễ xảy ra tai nạn”. Đa số người bán đến chợ đều mong muốn có chợ phiên ổn định, không phải họp trên đường nữa. Và mơ ước một nơi để bán hàng cho du khách, rộng và an toàn hơn.


Các mẹ đang bán rau


Việc mua bán ở đây nặng tính đổi chác. Nên có nhiều người đã lợi dụng tính thật thà của bà con để trục lợi. “Án ngữ” lối vào chợ có khoảng 7 – 8 người phụ nữ từ dưới xuôi lên đang ngồi chờ hàng về. Cứ mỗi lần có ai gùi hàng đến là họ lại ùa ra vây lấy mà ngã giá. Với bản chất thật thà, nhiều người bán bị ép giá nặng nề. Em Trần Thị Lia đang bán 3 buồng chuối to bị một người phụ nữ nói như mắng. Bán cả mấy buồng chuối mà ngày qua em chặt được trên rừng vậy mà chỉ có 20.000 đồng. Cách mua của những lái buôn quả thât mang tính “sát phạt”. Họ mang “chất độc” chợ búa từ những vùng khác tiêm nhiễm vào những người dân bản địa vốn chân chất nơi đây. Anh Quỳnh Piếu thổ lộ: “họ hay ép giá lắm, không bán thì không có tiền mua gạo”.

Hoàng Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm