Phi công để Lý Nhã Kỳ lên buồng lái: Bị tước bằng, trừ lương

11/05/2013 09:03 GMT+7 | Thế giới

Về vụ "phi công để diễn viên Lý Nhã Kỳ lên buồng lái", chúng tôi tiếp tục trao đổi với Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh để rõ hơn mức phạt nghiêm khắc đối với những người liên quan.

 Ông Lại Xuân Thanh

* Thưa ông, phi công cố tình cho người lạ vào buồng lái trái quy định chỉ bị phạt 4 triệu đồng trong khi khách vô ý hút thuốc, gọi điện bị phạt tới 1 triệu đồng, vô ý mở cửa thoát hiểm bị phạt tới 25 triệu đồng. Mức phạt như vậy đã hợp lý chưa?

- Với vi phạm cho người vào buồng lái trái quy định và thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình, quy định, cơ trưởng chuyến bay ngoài bị phạt 7 triệu đồng (cho 2 hành vi) còn bị tước giấy phép lái máy bay 1 tháng để học lại quy định về bảo đảm an toàn.

Với phi công, bị đình chỉ bay 1 tháng sẽ thiệt hại lớn về kinh tế. Thu nhập gồm lương và phụ cấp giờ  bay 1 tháng của phi công khá cao, lên tới hàng chục triệu đồng.

Nói như vậy để làm rõ hơn mức phạt mà phi công phải chấp hành.

Và chúng tôi cũng ghi nhận vấn đề bạn đặt ra. Trong quá trình rà soát để sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, chúng tôi đã kiến nghị điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ khung phạt với hành vi vô ý của hành khách nếu chưa gây uy hiếp an toàn nghiêm trọng. Tăng nặng mức phạt với vi phạm uy hiếp an toàn bay của nhân viên hàng không. Cũng cần tăng nặng hơn mức phạt với các lỗi hệ thống của các đơn vị, tổ chức trong ngành.

Tôi đơn cử trường hợp khách nói đùa có bom trong hành lý trước khi vào khu vực soi chiếu an ninh thì phải kiểm tra kỹ hành lý hành khách và có thể giảm nhẹ mức phạt. Nhưng nếu vi phạm này xảy ra trên máy bay, khiến cơ trưởng quyết định cần phải hạ cánh khẩn cấp để xử lý, gây  uy hiếp an toàn của chuyến bay, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, uy tín hãng hàng không thì mức phạt phải nặng hơn.

* Ông nghĩ sao khi ngành hàng không đang tăng cường tuyên truyền để khách tuân thủ quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam  thì chính nhân viên của ngành lại vi phạm?

- Rất  tiếc là trong khi chúng tôi đang phát động phong trào xây dựng văn hóa an toàn thì vẫn để xảy ra những sự việc như vậy. Điều này cho thấy nhận thức của một bộ phận nhân viên hàng không về an toàn bay vẫn quá đơn giản.

Tuy nhiên, sự việc, theo tôi đã giúp ngành hàng không nói chung và đội ngũ phi công, tiếp viên nhìn nhận được vấn đề. Đó là cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ tuyệt đối các quy tắc đảm bảo an toàn. Không thể coi nhẹ bất cứ sự việc gì hay đưa ra lý do đặc biệt gì để có thể biện minh cho việc không tuân thủ quy trình, quy định. Một sự việc nhỏ có thể gây ra hậu quả rất lớn.

Phi công chụp ảnh với diễn viên Lý Nhã Kỳ trên buồng lái máy bay

* Xảy ra thực tế này, phải chăng các biện pháp tuyên truyền chưa hiệu quả, thưa ông?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, năm nay, ngành hàng không xác định một nhiệm vụ lớn là xây dựng văn hóa an toàn hàng không. Trong đó, tập trung vào 3 đối tượng chính là nhân viên hàng không, hành khách, người dân sống trong khu vực lân cận sân bay. Mà trọng tâm chúng tôi nhắm tới chính là đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong ngành.

Chúng tôi đã ban hành kế hoạch xây dựng văn hóa an toàn hàng không trong toàn ngành và đã tổ chức triển khai tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đại diện các công ty, đơn vị hoạt động tại cảng hàng không đã đến tập huấn. Hiện có họ đang tiếp tục triển khai tiếp tại đơn vị mình.

Với đặc thù của ngành và qua khảo sát thực tế, chúng tôi cho rằng các biện pháp phát tờ rơi, dán áp phích chưa thực sự hiệu quả. Để hành khách tiếp cận tốt hơn với các quy định của ngành, chúng tôi đã tăng cường băng rôn và màn hình thông báo các nhắc nhở như: cần tuân thủ hướng dẫn của tiếp viên, không hút thuốc, không mang nước lọc lên tàu bay, không tự ý mở cửa thoát hiểm...

Với người dân ở lân cận khu vực sân bay, chúng tôi tổ chức các cuộc thi như Em yêu các chuyến bay trên bầu trời quê hương, tổ chức ký cam kết của từng hộ dân với chính quyền địa phương và sân bay không thả diều, để gia súc, gia cầm xâm nhập khu bay...

Xây dựng văn hóa an toàn hàng không, ngoài việc mong muốn mỗi hành khách có ứng xử phù hợp mà cụ thể là tuân thủ các quy định về an toàn thì chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu là toàn thể cán bộ nhân viên phải nhận thức được trách nhiệm của mình với tính mạng của rất nhiều người, với sự phát triển của ngành. Từ đó, việc tuân thủ quy định sẽ trở thành điều tự nhiên cán bộ, nhân viên hàng không khi thực thi công vụ .

Xin cảm ơn ông!

Theo Nam Anh
Báo Giao thông Vận tải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm