Phạm Duy Hào: Kim Liên đệ nhất kéo

21/02/2010 14:27 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nếu ở Ba Lan, Osinow Dolny được biết đến là làng có nhiều thợ cắt tóc nhất thế giới (cứ 190 cư dân thì có tới 150 người làm nghề này) thì ở Việt Nam, ngay giữa Hà Nội cũng có một nơi như thế: làng Kim Liên. Nhắc đến Kim Liên, nhiều người sẽ nhớ ngay đến Phạm Duy Hào, "cao thủ vít đầu thiên hạ" nổi danh 30 năm qua...

Năm 1993, phóng viên Hãng Thông tấn AP (Mỹ) đã “phong” cho những người cắt tóc ở phố Quang Trung “danh hiệu” là Quang Trung đệ nhất kéo; bình chọn Duy Hào là Người có đôi bàn tay vàng. Anh cũng là người 3 năm liền (2005 - 2006 - 2007) đoạt danh hiệu Tay kéo vàng của làng. Hai năm gần đây anh không dự thi vì phải làm BGK.

1. Không biết tự bao giờ người Kim Liên có câu vè tự trào về nghề cắt tóc của làng mình: “Giang san một tráp, gương, lược, dao/ Chơi ngông gọt gáy khách anh hào”. Không rõ cái nghề giản dị đã nuôi sống bao thế hệ dân làng xuất hiện ở đây từ bao giờ. Có người đồ rằng, nghề cắt tóc có từ khi đàn ông bỏ búi tó củ hành mà để tóc ngắn. Kim Liên từng lừng lẫy với bao “tay kéo” tung hoành khắp thiên hạ như cụ Phạm Văn Cam, cụ Trịnh Hữu Kỳ, cụ Nguyễn Văn Nhị, cụ Nguyễn Văn Mùng. Ngay tại nội thành Hà Nội cũng có nhiều tiệm cắt tóc nổi tiếng do người làng Kim Liên mở, như ở phố Hàng Gà có hiệu Liên Đàm, phố Hàng Bông có cụ Phạm Ngọc Phúc và cụ Cả Lâm, tại phố Cửa Nam là tiệm cụ Tống Du...

Ông nội Phạm Duy Hào là cụ Phạm Duy Hiền (tức Đảng), người từng cắp tráp theo Bảo Đại sang Algeria chỉ để lo chuyện đầu tóc cho vua cũng như các hoàng tử, công chúa của cung đình Huế.

Sau khi về lại làng Kim Liên, cụ Hiển tiếp tục mở tiệm cắt tóc trên một số tuyến phố ở Hà Nội. Trong những ngày ông nội hành nghề tại đất Hà thành, Phạm Duy Hào được “ban cho vinh dự” là phụ kéo, quét tóc trong tiệm giúp ông. Anh kể: “Ông tôi “trình diễn dao kéo trên thủ cấp” của mọi người mà cứ như làm xiếc. Ông thao tác nhanh, chuẩn, khéo léo và đầy chất âm nhạc. Nếu là người có nghề, không cần nhìn mà chỉ nghe tiếng đánh kéo không thôi cũng có thể biết được trình độ người thợ cắt tóc ấy đến đâu”.

Sau khi ông nội mất, người cha của Phạm Duy Hào nối nghiệp và là người trực tiếp tập hợp những người cắt tóc dạo của làng Kim Liên trên một số tuyến phố Hà Nội vào Hợp tác xã Cắt tóc. Ông chủ trương, ai muốn hành nghề cắt tóc phải có “chứng chỉ nghề”, xếp cấp bậc (kiểu như xếp bậc tay nghề công nhân) thông qua những cuộc kiểm tra, sát hạch được tổ chức hàng tháng. Phạm Duy Hào cho biết: “Mỗi thợ phải làm một đầu nữ và hai đầu nam. Năm 1979 tôi “đỗ thủ khoa” ngay khi mới chỉ thực hiện xong một bộ tóc và được “thăng bậc hai”, không phải qua thời gian thử việc nữa”.


“Kim Liên đệ nhất kéo” Phạm Duy Hào đang cắt tóc cho một Việt kiều -
khách hàng lâu năm của anh
Sau 18 tháng đào tạo, Phạm Duy Hào ra nghề, xung phong đi bộ đội rồi tham gia công tác Đoàn Thanh niên. Năm 1983, anh sang Nga hợp tác lao động và tại xứ Bạch Dương, đôi lúc anh hay “ngứa nghề”, thường mượn dao, kéo, tông-đơ chỉnh trang “góc con người” cho không chỉ các bạn sinh viên Việt Nam mà còn cho rất nhiều người Nga khác.

Về nước, khi không tham gia công tác Đoàn nữa, Phạm Duy Hào “cắp tráp” ra đứng vỉa hè Quang Trung mấy năm và khẳng định “thương hiệu tông- đơ, dao, kéo số một” tại đây. Năm 1993, phóng viên AP phong danh hiệu cho cho những người cắt tóc ở phố Quang Trung là Quang Trung đệ nhất kéo trong đó có 1A Duy Hào, người thợ có đôi bàn tay vàng (Duy Hào cắt tóc tại ghế số 1A - PV). Nhưng do người thợ có đôi bàn tay vàng “lấn chiếm vỉa hè”, bị buộc phải dọn đi nên anh đành trở về làng mở tiệm cắt tóc Duy Hào từ bấy cho đến nay.

2. Hơn 30 năm hành nghề, anh làm sao tính nổi mình đã “vít đầu” bao nhiều người mà chỉ biết: già có, trẻ có, nam có, nữ có, cán bộ lãnh đạo các cấp, các văn nghệ sĩ nổi tiếng cũng có. Không chỉ “người nổi tiếng Hà thành” mà nhiều người nổi tiếng trong TP.HCM ra Hà Nội, muốn cắt tóc, kể cả cắt tại gia thì nếu “a lô”, anh sẵn sàng khoác ba lô đồ nghề đến phục vụ.

Bằng nghề cắt tóc, Phạm Duy Hào không chỉ tiếp nối truyền thống làm đẹp cho đầu tóc mỗi người, nuôi sống gia đình mà còn đóng góp cho đất nước một tuyển thủ quốc gia. Đó chính là võ sĩ Karatedo Phạm Hoài Long - người cùng với Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Minh Phụng, Dương Hoàng Long giành HCV Karatedo nội dung đối kháng đồng đội nam cho Việt Nam tại SEA Games 25 (Lào).

Người cha cắt tóc không thống kê hết số huy chương của con trai mình đã đoạt được ở các giải đấu trong và ngoài nước mà chỉ áng chừng, nếu gom tất cả các loại huy chương lại, cân lên cũng được vài ký. Anh nói: Long nó bảo, sau này thôi “đánh đấm” nó sẽ thay tôi giữ nghề truyền thống không chỉ của gia đình mà còn của làng. Hàng tuần, cứ đến thứ Bảy, Long lại phóng xe máy về. Hai bố con tâm sự về nghề rồi tự “vít đầu nhau”... cắt, cạo.

Không như làng Osinow Dolny ở Ba Lan, làng Kim Liên bây giờ nổi tiếng hơn bởi các hiệu bán hàng “si-da” hơn là cắt tóc. Hiện nay chỉ còn khoảng 10% (trước đây là khoảng 80%) người làng Kim Liên hành nghề cắt tóc và không tập trung một chỗ mà tản mát khắp nơi.

Trước cuộc thi Tay kéo vàng 2010 của làng diễn ra vào tháng 4 này, Phạm Duy Hào cho biết: “Cuộc thi sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn nhằm “thắp lại lửa nghề” trong mỗi người dân làng Kim Liên. Đồng thời qua đó đưa ra kế hoạch phát triển nghề cắt tóc cho thế hệ kế cận, làm sao không để nghề truyền thống của làng bị mai một”.

(Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Người Hà Nội do TT&VH phát động. Chi tiết xin xem tại Nguoihanoi.thethaovanhoa.vn)

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm