Ô nhiễm không khí tại TP.HCM: Vô phương cứu chữa

16/04/2009 18:01 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ô nhiễm môi trường đang là một vấn nạn của cả xã hội. TP.HCM có dân số đông, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, cùng với lưu lượng phương tiện giao thông khổng lồ  đang là nơi chịu ảnh hưởng ô nhiễm nặng do khí thải gây ra.

Việc kiểm soát, quản lý lại gặp rất nhiều khó khăn và chưa có chính sách giải quyết thích hợp.

Khí thải giao thông là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu

Nhận thức được mức độ ô nhiễm không khí do quá trình đô thị hoá gây ra, từ năm 1994 TP.HCM đã bắt đầu chương trình quan trắc không khí bằng các trạm lấy mẫu không khí tại các điểm nóng giao thông và các khu dân cư. Cho đến nay, TP.HCM đã có 9 trạm quan trắc tự động và 6 trạm bán tự động.

Xe máy quá “đát” liệu có bị cấm lưu hành vì khí thải độc hại?


Kết quả thu được (đặc biệt là từ các trạm bán tự động) cho thấy ô nhiễm không khí tại TP.HCM đạt mức cao, vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Trong hội thảo “nâng cao năng lực quản lý chất lượng không khí đô thị tại TP.HCM”, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu chính là do giao thông đô thị gây ra. Phương tiện giao thông không ngừng gia tăng đang làm cho không khí ngày càng bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, khí thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng là nguyên nhân quan trọng.

Trong năm 2008, bụi luôn là chỉ tiêu đáng lo ngại nhất khi có tới 89% giá trị quan trắc không đạt TCCP. Qua quan trắc bán tự động cho thấy, nồng độ bụi tổng năm 2008 trung bình dao động khoảng 0,37mg/m3 – 0,78 mg/m3, vượt chuẩn cho phép từ 1,24 – 2,59 lần.

Đặc biệt là các điểm nút giao thông như: Ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ là những nơi nồng độ ô nhiễm đo được cao nhất. Nguyên nhân do lưu lượng xe lưu thông khu vực này quá lớn, tình trạng ùn tắc, kẹt xe xảy ra thường xuyên. Tại khu vực ngã tư An Sương, 100% giá trị đo quan trắc ở đây không đạt TCCP (có lúc đạt 1,44 mg/m3, gấp 4,8 lần TCCP).

Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thì 70-90% ô nhiễm không khí đô thị là từ các hoạt động giao thông vận tải, chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt gây ra. Trong đó khí thải xe cơ giới là nguồn chính gây ô nhiễm. Tại TP.HCM, số mô tô, xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải chiếm đến 59%, đây là tỉ lệ rất cao so với các thành phố lớn trong khu vực.

Không thể quản lý nổi?

Ông Nguyễn Thanh Huy, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho biết: việc kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm không khí chưa được chú trọng. Chưa có một chương trình hành động thống nhất, cụ thể trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí.

Mật độ xe máy lưu thông ngày càng đông


Thực ra từ năm 2002, chiến lược quản lý bảo vệ môi trường đã được vạch ra, đồng thời chúng ta đã có một ban chỉ đạo thực hiện chiến lược với nhiều thành phần. Bên cạnh đó, năm 2003 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định số 256/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Nhưng những mục tiêu và giải pháp mà chiến lược đưa ra hều hết vẫn chưa được cụ thể hoá thành các chương trình hành động các cấp, các ngành có liên quan. Vì vậy sau 5 năm triển khai thực hiện (2002 - 2007) có thể nói hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều không đạt được.

Về tài chính, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Việc chưa có một chương trình hành động được phê duyệt cũng kéo theo việc đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường không khí tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn”.

Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số người bị bệnh tật chết non do phơi nhiễm với bụi hô hấp trên toàn thế giới khoảng 777.000 người, riêng châu Á là 531.000 người (68% toàn thế giới) mỗi năm.

TP.HCM hiện có khoảng 30.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, nhiều cơ sở nằm trong nội thành, đồng thời số lượng phương tiện giao thông cũng thuộc cao nhất nước với gần 3,8 triệu xe gắn máy, 300.000 xe ô tô các loại. Nhưng việc kiểm soát, quản lý về khí thải gần như không thể. Cụ thể, 100% xe máy chưa được kiểm soát, chỉ khoảng 20% các cơ sở sản xuất công nghiệp có phát thải chất gây ô nhiễm không khí có lắp đặt hệ thống xử lý khí thải.

Từ tháng 7/2007, tất cả mô tô xe, xe máy sản xuất mới, nhập khẩu phải được kiểm soát theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2 theo quyết định 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, những xe đã và đang lưu thông là nguồn ô nhiễm chính lại không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào.

Ông Trịnh Ngọc Giao cho rằng: cần phải thực hiện kiểm tra định kỳ tiêu chuẩn khí thải hằng năm đối với xe máy, nếu xe nào không đạt thì không cho lưu thông. Đồng thời, dùng biện pháp hành chính để loại bỏ xe cũ và thay bằng xe mới.

Tuy nhiên, với số lượng xe không đạt tiêu chuẩn lớn như vậy (50% tại Hà Nội, 59% tại TP.HCM) thì việc kiểm tra là rất khó khăn. Khi thực hiện sẽ gặp phải nhiều phản ứng, do xe máy là phương tiện đi lại và làm ăn chính của nhân dân.

Với tốc độ tăng trưởng xe cơ giới nhanh chóng, nếu không có các chính sách quản lý bảo vệ môi trường thích hợp thì TP.HCM sẽ phải gánh chịu một nguồn phát thải khổng lồ.

Phan Vũ – Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm