NSƯT Đoàn Huy Giao vào rừng làm rẫy, xây bảo tàng

31/03/2011 13:45 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đồng Đình được đặt theo tên một loài cây, họ cau, khá phổ biến ở Quảng Nam - Đà Nẵng, đặc biệt vùng trung du. Bảo tàng nằm xa trung tâm Đà Nẵng, sát rừng quốc gia của bán đảo Sơn Trà, có thể nói Bảo tàng Đồng Đình của NSƯT Đoàn Huy Giao là một cách “chơi trội”.

Nhưng từ khi mở cửa đến nay, dù chỉ mở cửa 2 ngày cuối tuần và có bán vé, nhưng lạ thay, bảo tàng tư nhân này vẫn có nhiều khách.

Làm rẫy, đào ao xây bảo tàng “sinh thái”

Thi sĩ - nhà làm phim tài liệu Đoàn Huy Giao mất gần 10 năm để xây dựng, vì kinh phí thiếu hụt một phần, vì phải nghĩ làm sao cho bảo tàng không can thiệp quá nhiều vào thiên nhiên, đây là điều làm ông tốn nhiều tâm sức. Chọn vị trí thượng nguồn suối Bụt (đường Hoàng Sa, Thọ Quang, quận Sơn Trà), với diện tích thực gần 10.000m2, bao bọc bởi khoảng rừng rộng lớn. Cho nên, có thể gọi đây là bảo tàng “tầm gửi”, vì sự hiện diện của nó không làm biến dạng cảnh quan chung quanh; nó ẩn mình và gửi mình vào núi rừng Sơn Trà.



Vốn ham mê sưu tập cổ vật từ 40 năm nay, nhưng ban đầu, Đoàn Huy Giao chọn vị trí này để làm rẫy, chứ không nghĩ đến chuyện làm bảo tàng. Và đã làm rẫy thật trong nhiều năm; ông xem việc làm rẫy là cách để một thi sĩ mộng mơ trở về với gốc tích, để đổ mồ hôi cho từng ao nước phải đào, con đường phải đắp. Đoạn đường dốc đứng, lát đá, đi lên bảo tàng ngày hôm nay là kết quả của việc “mở cõi” từ hơn 10 năm trước.

Cũng phải nói thêm, tại Việt Nam, việc thành lập bảo tàng tư nhân thì phải do Chủ tịch tỉnh ký và phải có người trong giới chuyên môn đứng tên bảo trợ, với nhiều thủ tục khá rườm rà. Thế nhưng, trường hợp Đồng Đình thì “đặc cách”, vì có lẽ người ta đã biết công phu và kinh nghiệm mà Đoàn Huy Giao đã dành cho việc sưu tầm, bảo quản hiện vật.


Một góc Đồng Đình


Quần thể bảo tàng phức hợp

Đoàn Huy Giao đang nhờ chuyên gia tìm các cây thuốc mọc tại bán đảo Sơn Trà về trồng tại khu vườn rộng chừng 10.000m2 bao bọc xung quanh. Ngoài ra, ông còn xây dựng một lò gốm nhỏ, để các nghệ nhân, nghệ sĩ mê gốm có thể đến đây làm việc.

Bảo tàng Đồng Đình là một quần thể phức hợp.

Mảng cổ vật, bộ sưu tập ở đây vào khoảng 600 món, phần lớn đã qua giám định, nhưng chủ nhân chỉ cho trưng bày luân phiên khoảng 200 món có tính đại diện cho niên đại từ 100 năm cho đến 2.500 năm trước. Nhiều hiện vật thuộc văn hóa Đại Việt, Sa Huỳnh, Chăm Pa... Người xem có thể thấy các đĩa gốm men lam thời nhà Mạc, thế kỷ 16, với hình cá chép được đắp nổi; hoặc các bình gốm từ đầu Công nguyên của văn minh Chăm Pa. Các cổ vật này được trưng bày tại hai nhà rường truyền thống của xứ Quảng.


Đĩa hoa lam cá chép nổi triều Mạc, thế kỷ 16


Tại đây còn có mấy phòng trưng bày tác phẩm hội họa, một lĩnh vực mà Đoàn Huy Giao cũng rất đam mê. Người xem có thể nhìn thấy khá nhiều các tác phẩm thời kỳ vẽ “đen trắng” của Đinh Ý Nhi (khoảng 1995), mà hiện nay trên thị trường khá khan hiếm. Hoặc các tác phẩm hội họa thể nghiệm của Đặng Việt Triều...

Bên cạnh là các nhà sàn nấp trong vòm cây rừng, nơi trưng bày các sưu tập dân tộc học, được mang về từ các buôn làng ở miền Trung, Tây Nguyên. Và đương nhiên, ở đây cũng có một thư viện nhỏ với các tài liệu chuyên môn, phục vụ sâu sát công việc của bảo tàng.

“Đi gần hết cuộc đời tôi mới làm được bảo tàng này, khó khăn rất là nhiều, nhưng thực lòng, tôi không muốn chôn chặt đôi chân của mình vào đây. Vì đích đến của một người làm thơ vẫn là ước muốn viết cái gì đó mà lòng mình hướng vọng hay ngó nghĩ đến” - Đoàn Huy Giao tâm sự.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm