Nỗi niềm của những chàng trai làm clip “Quê tôi Thanh Hóa”

15/11/2012 13:30 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH Online) – Sau 2 tuần xuất hiện trên Youtube, clip “Quê tôi Thanh Hóa” sắp cán mốc 600.000 view. Một con số chưa thấm tháp gì so với các clip "hot" trên youtube nhưng đã đủ gây nên một cơn sốt nho nhỏ trong cộng đồng mạng. Điều đáng nói là clip do một nhóm bạn trẻ tự bỏ tiền túi ra làm bằng tất cả tấm lòng với quê hương Thanh Hóa.

Làm clip vì người xứ Thanh

Dương Thế Hùng - tác giả clip "Quê tôi Thanh Hóa".

Dương Thế Hùng – sinh viên trường ĐH Sân khấu điện ảnh, quê Hậu Lộc – Thanh Hóa chính là người lên ý tưởng, dàn dựng và cũng là đạo diễn của clip. Bỏ ra một số tiền không nhỏ, dẫn bạn bè về quê làm clip, Hùng chỉ muốn giới thiệu danh lam thắng cảnh xứ Thanh, đồng thời phản ánh một thực trạng khá phổ biến tại các thành phố lớn: phân biệt vùng miền.

Hùng đã từng là nạn nhân của những cái nhìn thiếu thiện cảm khi “để lộ” mình là người Thanh Hóa. Dù đã ở Hà Nội 5 năm, nhưng thỉnh thoảng anh lại nghe thấy những câu nói nhói lòng: “đúng là dân Thanh Hóa” hoặc “dân 36 đây mà”. Sự kỳ thị đã khiến Hùng rất ngại nói về quê gốc. Nhưng rồi một lần nghe ca khúc Quê tôi Thanh Hóa do rapper người Việt mang biệt danh Smoker sáng tác, Hùng tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc. Anh quyết định đầu tư làm clip.

Hùng tâm sự: “Làm clip mình chỉ muốn mọi người biết rõ về danh lam thắng cảnh xứ Thanh cũng như có cách nhìn đúng đắn và thân thiện hơn về con người mảnh đất này”. Còn Quang, diễn viên nam chính, quê ở Nam Định chia sẻ: “Mình đã đến Thanh Hóa nhiều lần. Con người nơi đây thân thiện, nhân hậu. Không hiểu sao mọi người lại có ác cảm với người dân Thanh Hóa đến thế”. Quang cho biết anh chơi với rất nhiều người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. “Đó là những con người nhân hậu, có học thức, nhiệt tình và có lối sống tốt. Những người phân biệt vùng miền cũng có lý của người ta khi họ chỉ nhìn vào những người xấu, những con sâu làm rầu nồi canh. Những kiểu người đó ở đâu cũng có chứ không riêng gì Thanh Hóa”, Quang nói.

Có ý tưởng Hùng và nhóm quyết tâm thực hiện. Chàng thanh niên này đã bỏ ra 20 triệu cùng nhóm suốt 15 ngày lăn lội ở xứ Thanh để hoàn thiện sản phẩm. Với những người nghiệp dư, phương tiện có hạn, chỉ có lòng nhiệt tình thì để làm ra sản phẩm này tốn rất nhiều công sức.

Hành trình gian khổ làm clip

Trước khi chính thức quay, Hùng cũng đã phải đi khảo sát nhiều vùng ở xứ Thanh để quay hình ảnh. Sau 1 năm chuẩn bị đoàn 4 người gồm Hùng, Quang và 2 phụ quay lên đường. Suốt 15 ngày lăn lộn, có những khi cả đoàn bị đỉa cắn, rồi nhân vật chính bị ốm, bị kẹt trên núi cao nhưng cả đoàn đều vượt qua với sự giúp đỡ tận tình của những con người đôn hậu của mảnh đấy này. Tình yêu với quê hương chính là động lực lớn nhất để Hùng có thể hoàn thành clip.


Cả nhóm thực hiện clip tại Thanh Hóa

Trong quá trình làm clip các bạn trẻ mới hiểu được nghĩa gốc câu nói “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu” mà nhiều người vẫn dùng để miệt thị người xứ Thanh. Cả đoàn đã phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu về lịch sử vùng đất Thanh Hóa cũng như hỏi những người già hoặc cựu chiến binh mới có thể chắc chắn ý nghĩa của câu thành ngữ này. Đó là thời kỳ kháng chiến chống Pháp oai hùng của dân tộc, Thanh Hóa cũng như các vùng miền khác trong cả nước nghèo đói, túng thiếu phải đào củ mài, sắn, bo bo, rau muống hay rau má… để ăn, nhường cơm cho bộ đội chiến đấu. Bên cạnh đó người dân xứ Thanh cũng thường xuyên phá đường tàu nhằm ngăn chặn đường vận chuyển quân lương của quân thù, góp phần cho tiền tuyến đánh giặc. Một câu nói rất ý nghĩa nhưng theo thời gian đã bị hiểu sai đi, kể cả ở Thanh Hóa cũng có nhiều người hiểu sai ý. Giúp cho cộng đồng hiểu hơn về ý nghĩa thực chất của câu nói này khiến các bạn trẻ rất vui.


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.

Clip Quê tôi Thanh Hóa sau khi hoàn chỉnh đã phải cắt bỏ nhiều chi tiết, trong đó có câu nhân vật nam chính nói với nhân vật nữ: “Xin lỗi, tôi là người Thanh Hóa”. Nhưng Hùng đã cắt đi để tránh gây hiểu nhầm. Theo anh: “Phân biệt vùng miền đã bám rễ quá sâu vào ý thức một bộ phận không nhỏ người dân sống ở các thành phố lớn. Giới trẻ thực chất chỉ a dua theo nhau cùng nói xấu người Thanh Hóa. Có những người chưa tiếp xúc với người dân Thanh Hóa bao giờ nhưng vẫn có hành động kỳ thị…”.

Hùng biết clip mình làm ra sẽ có ngày "hạ nhiệt", và chuyện phân biệt vùng miền không dễ gì thay đổi. "Điều quan trọng là mỗi người phải sống thật tốt, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng. Cùng là người dân Việt Nam, cùng chung một dòng máu, tại sao lại kỳ thị nhau?”.

Một câu nói đáng để suy ngẫm!

Đức Tiến


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm