Nơi dã quỳ là loài hoa tặng Thầy cô ngày 20/11

20/11/2016 11:23 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trường Tiểu học Kim Đồng, thôn Klâu Ngol Ngo, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Kon Tum) cách thành phố Kon Tum gần 15km. Trường có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ nằm cách xa nhau, trong đó có 1 điểm trường phải mượn tạm phòng sinh hoạt của Nông trường cao su Ia Chim để làm lớp học. 

Do điểm trường lẻ cách xa nhà nên hằng ngày có khoảng 20 học sinh ở lại tại trường. Bữa trưa của các em chỉ có cơm nắm, khoai và sắn. Thương học sinh, nhiều giáo viên trong trường đã mang thêm thức ăn để các em có được bữa trưa đa dạng. 

Cô giáo Ksor Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ: Nhà trường có tổng cộng 399 học sinh; trong đó, 100% học sinh là người đồng bào các dân tộc thiểu số Ba Na, Ja Rai, Dao, Xê Đăng…Do đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn nên phụ huynh không mặn mà với việc cho con em mình đi học. Nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ lên nương. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là công tác vận động học sinh ra lớp. 


Mùa dã quỳ Tây Nguyên

Vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều thành lập đoàn gồm giáo viên chủ nhiệm và tổng phụ trách đội đến từng nhà vận động học sinh ra lớp. Đường sá đi lại khó khăn, nhiều học sinh nhà ở trên núi, hay lọt thỏm giữa rừng cao su…nhưng bằng quyết tâm và tình yêu với học sinh, các thầy cô giáo của trường đã vượt qua mọi khó khăn với mong muốn các em được đến trường học con chữ. 

Để công tác vận động đạt hiệu quả cao, ngoài sự kiên trì, các giáo viên cũng phải tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào để thuyết phục cha mẹ học sinh. Nói về học sinh của mình, cô Ksor Xuân rớm nước mắt, vì gia đình quá nghèo nên nhiều học sinh không có sách, vở, các dụng cụ học tập…

Thầy cô đã vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em tới trường. Thậm chí, có em phải đi đôi dép cũ đã hỏng quai, được gắn lại với nhau bằng một đoạn dây ni lông. Thấy vậy, cô Ksor Xuân đã mua tặng học sinh đó một đôi dép. Hôm sau thấy học sinh đó vô cùng phấn khởi khi có dép mới khiến cô cảm thấy rất ấm lòng. 

Khó khăn là thế nhưng toàn thể giáo viên trong trường cùng đồng lòng dốc sức để mang cái chữ đến cho học sinh vùng sâu. Nhà trường duy trì dạy tiếng Ja Rai từ năm học 2012-2013 để thầy và trò cùng học, hiểu nhau hơn trong các phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng. Để duy trì sỹ số, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa như thi đá bóng, kéo co, nhảy dây, thi văn nghệ…thu hút học sinh với phương châm “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. 

Nhờ sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể giáo viên trong trường, đến nay 100% học sinh của trường đã ra lớp đầy đủ vào mùa tựu trường. Điều đặc biệt, ở ngôi trường nghèo này đó là cứ vào thứ 2, 4, 6 hằng tuần, tất cả học sinh và giáo viên đều mặc quần áo đặc trưng của dân tộc mình. Qua đó góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Ba Na, Ja Rai, Xê Đăng, Dao… 

Với những thành tích đó, năm học 2015-2016 Trường Tiểu học Kim Đồng đã vinh dự đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia; 6 giáo viên giỏi cấp thành phố, trong đó có 3 giáo viên người đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh tặng Giấy khen. 

Không lẵng hoa, không thiệp chúc mừng như những giáo viên ở thành phố, ngày 20/11, những lớp học tại Trường Tiểu học Kim Đồng ngập tràn trong sắc hoa dã quỳ - loài hoa đặc trưng của vùng đất đỏ bazan. Mỗi học sinh nơi đây đều cố gắng hái những bông hoa rừng đẹp nhất, tươi nhất dành tặng cho các thầy cô giáo thân yêu của mình. 

Còn đối với những cô giáo Trường Tiểu học Kim Đồng, việc các em được đến trường đều đặn để học con chữ có lẽ là phần thưởng vô giá nhân ngày hiến chương các nhà giáo 20/11. 

Hồng Điệp - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm