Những “thiên thần” áo trắng giữa trùng khơi Trường Sa

24/04/2013 17:34 GMT+7 | Thế giới

Trong số hàng chục điểm đảo khu vực phía Nam của quần đảo Trường Sa nơi tiền tiêu của Tổ quốc mà chúng tôi có dịp đến thăm vào trung tuần tháng 4/2013, thì lực lượng quân y để lại ấn tượng khá sâu sắc, đặc biệt là tại đảo Trường Sa lớn – trái tim của huyện đảo Trường Sa. Bởi họ không những phải xa gia đình, người thân mà còn phải linh hoạt, sáng tạo trong việc khám chữa bệnh cho bộ đội cũng như ngư dân.

Bệnh xá của đảo Trường Sa lớn được biên chế 10 người, trong đó có 3 bác sỹ. Mặc dù chiều và đêm ngày 5/4 có Đoàn công tác của các Bộ, ngành từ đất liền ra thăm và động viên quân và dân trên đảo với những hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ đầy sôi nổi, nhưng lực lượng y, các sỹ vẫn “nén lòng” miệt mài điều trị, chăm sóc sức khỏe cho 3 ngư dân không may bị tai nạn trong lúc đánh bắt trên biển. Đó là những ngư dân ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, như ông Võ Nam đi tàu câu mực số hiệu QNg 96218 bị dây cu roa quấn dập náy bàn tay trái; anh Huỳnh Văn Huy bị liệt nửa người do giảm áp khi lặn…

Bác sỹ Phan Đình Mừng, Trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa lớn cho biết: "Bản thân vốn thuộc biên chế của Viện quân y 175, nhưng khi đơn vị điều động thì tôi ra Trường Sa không chút do dự. Ra đây, điều kiện thời tiết khó khăn, đặc biệt là mỗi bác sỹ học mỗi chuyên khoa nhưng làm việc ở đảo thì phải nỗ lực học hỏi để chữa được nhiều bệnh. Trong quá trình hoạt động, tác nghiệp trên đảo xa đất liền nên Bệnh xá tế phải luôn có kế hoạch dự phòng những trang thiết bị thiết yếu nhằm kịp thời thay thế khi bị hư hỏng, phục vụ người bệnh. Với trình độ của y, bác sỹ cũng như trang thiết bị được cung cấp thì trạm xá thực hiện những ca phẫu thuật từ trung phẫu trở xuống".

Nếu như trước đây, khi gặp những ca bệnh khó thì y, bác sỹ trên đảo chỉ có thể gửi thư điện tử hoặc điện thoại xin tư vấn từ đất liền, tuy nhiên nếu khi gặp phản hồi chậm thì cũng mất khá nhiều thời gian và điều kiện để chữa bệnh. Từ tháng 1/2013, Bệnh xá được trang bị hệ thống truyền hình ảnh trực tuyến giữa Bệnh xá và Viện quân y 175 nhằm giúp cho việc chẩn đoán, điều trị những ca khó được thuận lợi hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2012 và đến 3 tháng đầu năm 2013, Bệnh xá đã khám chữa bệnh miễn phí cho gần 1.500 lượt cán bộ, chiến sỹ cũng như ngư dân. Trong đó cấp cứu nặng khoảng 15 ca (viêm phúc mạc ruột thừa, chấn thương sọ não, lún sọ, dập nát tay chân…); cấp cứu 38 ca bệnh nội khoa và tiểu phẩu khoảng 50 ca… Bên cạnh đó, y, bác sỹ tại bệnh xá còn tổ chức khoanh vùng dập được 2 đợt dịch cúm xuất hiện trên đảo.

Tại phòng lưu bệnh của Bệnh xá, chúng tôi gặp những gương mặt tươi cười của những ngư dân bị tai nạn khi đang lao động trên biển và đã được y, bác sỹ tại Bệnh xá cứu chữa. Anh Đặng Của là em của ngư dân Huỳnh Văn Huy (người đang được chăm sóc tại bệnh xá) cho biết: "Chúng tôi đi lặn hải sâm, nhưng do bị giảm áp đột ngột nên anh Huy bị liệt nửa người. Chúng tôi tức tốc đưa Huy vào bệnh xá cấp cứu. Qua 3 ngày được chăm sóc, sức khoẻ Huy đã dần ổn định. Tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình trong công tác cứu chữa bệnh nhân không kể là quân hay dân của Bệnh xá Trường Sa thật đặc biệt, giúp chúng tôi yên tâm hơn khi đánh bắt trên biển".

Mặc dù, hiện cơ sở hạ tầng tại Bệnh xá Trường Sa cũng đang còn khiêm tốn với 5 giường bệnh. Các trang thiết bị cơ bản như bàn mổ, máy siêu âm, máy thở… đều chưa được trang bị nên Bệnh xá cũng gặp không ít khó khăn trong việc phục vụ khám chữa bệnh cho quân dân Trường Sa. Tuy nhiên, nhờ tinh thần ham học hỏi, nỗ lực không ngừng của mỗi y, bác sỹ trên đảo đã phần nào “khoả lấp” được những thiếu thốn về điều kiện khám chữa bệnh trên đảo.

Ông Biện Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: "Mặc dù điều kiện trên đảo còn gặp một số khó khăn nhưng trong thời gian tới, chúng tôi phấn đấu huy động từ nhiều nguồn lực để trang bị thêm cho Bệnh xá những dụng cụ tốt hơn nữa, phục vụ công tác khám chữa bệnh".

Khuôn mặt rạng ngời vì vết thương đã lành, ông Võ Nam cho biết: "Trong lúc đánh bắt trên biển, không may bị dây cu roa cuốn làm dập nát bàn tay. Giữa muôn trùng sóng nước, việc chạy về đất liền để cứu chữa là điều không thể. Vì vậy tôi vào đây xin chữa trị và đã được các y, bác sỹ trên đảo tích cực cứu chữa. Đến nay, sau gần 20 ngày chữa trị miễn phí, bàn tay trái của tôi đã lành vết thương mà không phải cưa bỏ như suy nghĩ lúc đầu. Chắc cũng trong ít ngày nữa là tôi xin bác sỹ ra viện, tiếp tục về đánh bắt trên biển. Có đội ngũ khám chữa bệnh như ở Trường Sa, chúng tôi càng ngày yên tâm bám biển, không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Nguyễn Sơn - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm