Những người đón giao thừa trên... bãi rác

30/01/2013 18:14 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Không khí chuẩn bị đón Tết đã len lỏi từng góc phố. Người người tranh thủ rủ nhau đi sắm đồ Tết. Hoa kiểng được bày bán rộn ràng các ngả đường. Tất cả đang đếm ngược thời gian chờ thời khắc năm mới.

Cuối tháng 12 âm lịch, Đà Nẵng vẫn chưa có cái giá lạnh mùa Đông như nhiều tỉnh thành miền Bắc. Bãi rác Khánh Sơn vẫn tràn nắng nóng cùng gió nhẹ, mùi rác nồng nặc đặc trưng. Xen lẫn sự ngổn ngang của rác thải, sự bừa phứa của màu sắc là lấp ló hình ảnh những người nhặt rác.

Rác ở đâu, người có mặt ngay ở đó

Đang hí húi với đống chai lọ nhựa, ông Phạm Văn Minh nói: “Hai vợ chồng làm nghề nhặt rác lâu lắm rồi không nhớ chính xác là bao nhiêu năm. Ngày nào chúng tôi cũng lên đây từ 5h sáng đến khi tối mịt mới về”.

Vợ anh Minh- chị Nguyễn Thị Bin (50 tuổi) kể thêm: “Nếu chịu khó làm, không nghỉ ngơi thì trung bình 200 ngàn đồng/ ngày”.

Bà Nguyễn Thị Mật (67 tuổi, Khánh Sơn) - một trong những người nhiều tuổi nhất ở bãi rác nhớ lại: “Khoảng 16-17 năm trước, tôi mới đầu làm, đã thành nghiệp rồi. Giờ già rồi, 7h sáng lọ mọ lên làm rồi 4h chiều là về. 40-50 ngàn/ ngày là đủ sống rồi”.

Cái sự “yêu nghề” của những người dân nơi đây không chỉ thể hiện bằng việc gắn bó lâu dài mà họ còn truyền nghề cho con cháu. Bà Nguyễn Thị Sang (63 tuổi, Khánh Sơn) tâm sự: “Con gái tôi là Nguyễn Thị Thanh Bình (43 tuổi) cũng làm nghề này từ khi còn trẻ chưa lấy chồng tới giờ nó đã có hai đứa con rồi. Hai mẹ con tôi phải thay nhau trực ở đây chứ. Ban ngày thì  mình trực, ban đêm nó lên thay. Tôi làm nghề này đã gần 20 năm, vất vả nhưng đủ ăn”.

Ông Hà Văn Thái- Giám đốc xí nghiệp quản lý bãi rác và xử lý chất thải (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng) cho biết: “ Ngày bình thường, bãi rác Khánh Sơn tiếp nhận trung bình 600-700 tấn rác. Dịp gần tết như thời điểm hiện tại thì số lượng rác tăng gấp 3 lần. Nhưng cao điểm nhất là đêm giao thừa, từ 2.300-2.400 tấn rác. Bãi rác hoạt động tới khi chuyến xe cuối cùng về mới nghỉ ngơi”.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, càng gần tết, công việc của người dân mưu sinh trên bãi rác cũng tăng lên, và việc dành thời gian để sắm Tết càng hiếm hoi đi.

Anh Phạm Văn Hải (34 tuổi, Đà Sơn) nói: “Nhà có hai vợ chồng với đứa con nhỏ. Tết nhất cũng không sắm gì nhiều. Cả năm mới có dịp kiếm tiền thế này, hai vợ chồng phải làm đến hết đêm giao thừa mới nghỉ”.

Phút nghỉ ngơi ăn cơm trong căn chòi dựng tạm

Khi được hỏi có nghỉ Tết không, bà Trần Thị Lành (45 tuổi, Hòa Sơn) thản nhiên trả lời: “Dịp kiếm ăn mà nghỉ sao được. Gần như 12 năm nay tôi đón giao thừa trên này với mọi người. Không sao cả, rồi ăn Tết bù vào 4 ngày còn lại. Mùng 4 Tết bắt đầu đi làm lại rồi”.

Chị Nguyễn Thị Lục (43 tuổi, Hòa Sơn) giải thích: “Nói là đón giao thừa cho oách thôi. Chứ có bánh trái gì đâu. Chờ xe rác lên là ào ra lượm rác ngay. Dịp giao thừa là vớ bẫm nhất đấy”.

Ông Hà Văn Thái nói: “Ngày thường có khoảng 70-80 người dân làm việc tại đây. Nhưng dịp gần Tết và giao thừa, số lượng phải tăng lên hơn 100 người”.

Có lẽ cũng vì thế, gần 20 năm, cả trăm mái nhà không đỏ điện, không nghi ngút khói hương, không háo hức chúc tết, nhận lì xì,… vào đêm giao thừa.

Giao thừa là thời khắc quây quần ấm cúng bên mâm cỗ cúng gia tiên. Dù ai đi xa, bận rộn đến mấy, cũng sắp xếp thời gian về với gia đình. Nhưng thời khắc ấy, có những mảnh đời còn đang vật lộn mưu sinh trên bãi rác.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm