Những dấu vết mờ ảo về phế thành Hòa Bình (P2)

24/05/2013 15:52 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngôi thành có từ bao giờ? Là thành xây từ thời nào? Để làm gì?... Hàng chục câu hỏi được đặt ra với ngôi thành cổ bí ẩn ở Lương Sơn (Hòa Bình) song đến nay cũng vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.

Xây bằng đá ong

Tòa thành cổ nằm sát đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình). Từ đường Hồ Chí Minh đi vào sẽ bắt gặp ngay cổng phía Tây của tòa thành (đây cũng là chiếc cổng còn tương đối nguyên vẹn nhất). Dáng vẻ cổ kính của ngôi thành hiện lên bởi sự rêu phong và bức tường đá ong đã ngả màu theo thời gian.

Theo quan sát, cổng thành phía Tây chỉ có một cửa, cao khoảng 6m, được xây bằng gạch. Chiều rộng của cổng thành khoảng 3m. Một điểm đáng chú ý là gạch xây cổng thành là gạch hình vuông, dẹt, có kích thước khoảng 25x30cm, độ dày khoảng 5-7 cm, trong khối gạch xây cổng ấy thỉnh thoảng xuất hiện những viên gạch cùng độ dày nhưng kích thước lớn hơn.

Phía vòm bên trong và hai bên bức tường của cổng, dấu vết của hệ thống cửa thành vẫn còn, được thể hiện bằng việc xây xen kẽ với những khối đá lớn đã được đẽo gọt vuông vức, giữa các khối đá được đục thành các lỗ lớn, dạng như những chiếc bản lề.

Hai bên cổng thành phía Tây, tường thành được đắp bằng đất, phía bên ngoài được xây bọc bằng những khối đá ong hình chữ nhật khá đều nhau, có kích thước khoảng 30x50cm, độ dày khoảng 10-12cm.

Tòa thành hình vuông, hiện nay bốn mặt đều còn dấu tích hào nước lớn bao bọc. Mặt phía Bắc của thành đắp dựa vào sông, ba mặt còn lại đều là hào nhân tạo, hiện đã chia thành các ao nuôi cá.

Hiện nay, đa số ý kiến của người dân ở xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình) đều quen gọi ngôi thành cổ này là “thành nhà Mạc”. Tuy nhiên, khi hỏi về tư liệu lịch sử để chứng minh cho ngôi thành được xây từ thời nhà Mạc thì lại không ai biết.

Anh Lương Đình Thái (39 tuổi, người đang thầu lại diện tích đất bên trong thành cổ để canh tác) cho biết: “Lớn lên nghe các cụ gọi là thành nhà Mạc thì cũng biết thế thôi, chứ không hề có tư liệu sử sách cụ thể ghi chép lại. Tôi chỉ biết là các cụ cao tuổi trong làng kể lại rằng ngày xưa ông bà kể có quan tướng nhà Mạc đóng quân ở đây và cho xây thành đắp lũy, rồi cứ thế truyền miệng cho nhau nghe”.

Ngoài ra, cũng theo anh Thái, tên gọi thành nhà Mạc còn xuất phát từ việc điều tra, khảo sát và lập hồ sơ di tích của Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đối với ngôi thành cổ này. Theo đó, việc nghiên cứu, khảo sát ngôi thành cổ này đã được các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Hòa Bình tiến hành từ những năm 1995, 1996. Bằng những tư liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình khi đó đã cho rằng, đây là thành nhà Mạc.

Địa thế quan trọng

Ông Trần Văn Sản (76 tuổi, trú tại thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng), từng là cán bộ coi kho xăng dầu quân đội trong kháng chiến chống Mỹ thì trong thời kỳ chiến tranh, khu vực thành cổ này nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của kho xăng dầu T8.

Ông Trần Văn Sản

Ông Sản cho biết: “Đơn vị tôi được chuyển về khu vực thành cổ vào khoảng năm 1965. Khi đó, cổng thành phía Tây, phía Nam và hầu hết tường thành bằng đá ong đều còn khá nguyên vẹn. Cổng thành phía đông thì đã bị san phẳng, từ khi nào thì không ai rõ. Lúc bấy giờ ngôi thành này là một trong những vị trí trung chuyển xăng dầu quan trọng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Nhiều phuy xăng dầu của quân đội được chôn ngầm dưới đất, sát dưới chân tường thành để tránh bom Mỹ. Tuy nhiên, sau này khi chuyển giao cho chính quyền do không được quản lý, bảo vệ nên có một thời gian người dân ở đây đã cạy gạch ở tường thành về xây chuồng lợn, bó sân, bó nhà… Chính vì vậy hiện trạng của ngôi thành không còn được nguyên vẹn như trước nữa”.

Cũng theo ông Sản, trong thành cổ khi đó vẫn còn tồn tại dấu tích của 4 dãy nhà, trong đó có ba dãy nhà chạy song song theo hướng Đông - Tây, quay mặt phía Nam, ngoại trừ phần nền móng vẫn còn những tảng đá xanh lớn kê cột và khá nhiều mảnh vỡ của gạch ngói. Nhưng sau bao nhiêu năm biến thành đất canh tác, toàn bộ dấu tích phía trong thành đã biến mất.

Đặc biệt, ông Sản còn cho biết: “Năm 1987, kho xăng dầu T8 của quân đội đóng trong thành cổ bắt đầu chuyển đi. Năm 1990 thì chuyển hoàn toàn và bàn giao lại cho chính quyền xã quản lý. Xã đã cho các hộ dân đấu thầu diện tích đất trong thành để canh tác. Nhiều hộ dân khi làm nhà và đào ao đã đào được rất nhiều các chum, vò, hũ và các hiện vật gốm sứ như bát, đĩa. Trong số những chum, vò và hũ đào được nói trên có nhiều hũ lớn đựng mật mía. Mật trong hũ vẫn còn nguyên và chỉ bị khô lại. Khi nếm thử vẫn còn vị ngọt”.

Ngoài ra, là một người từng công tác nhiều năm trong quân đội, ông Sản cho rằng, ngôi thành cổ được xây dựng ở một địa thế quan trọng, có thể xem như một căn cứ chiến lược quân sự, án ngữ con đường từ phía Nam vào Hà Đông và Hà Nội ngày nay.

“Không phải do người Pháp xây”

Về thông tin một số người cho rằng ngôi thành này là do người Pháp xây dựng để đóng quân, cụ Nguyễn Thị Líu (84 tuổi, trú tại thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng) khẳng định người Pháp không xây thành này. Theo cụ Líu, trước Cách mạng tháng Tám, không riêng gì ngôi thành cổ mà toàn bộ khu vực thôn Bá Lam 2 bây giờ hầu hết là rừng cây rậm rạp, không có người ở. Toàn bộ xã Cao Thắng khi ấy chỉ lèo tèo vài nóc nhà sàn.

“Ngôi thành cổ khi ấy bỏ hoang, không ai đến, thậm chí còn có cả cọp beo, lợn rừng sinh sống trong đấy. Mấy chị em tôi vẫn thường vào gần đây hái củi, nhưng cũng không dám vào sâu vì trong đó um tùm rậm rạp. Sau năm 1945, nơi này mới có người đến ở. Nhất là sau khi người Pháp quay lại lập đồn bốt và đóng quân ở khu vực Chợ Bến – Xuân Mai thì người dân mới di cư vào vùng này lánh nạn. Khi đó nơi đây là vùng tề”, cụ Líu nhớ lại.

Cũng theo cụ Líu, trong những năm 1951 – 1952, khi bộ đội ta mở “Chiến dịch Hòa Bình” để tấn công giặc Pháp thì khu vực này là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt. Khi đó, ban ngày thành cổ là do người Pháp đóng, còn về ban đêm khi người Pháp rút về đồn thì thành cổ lại do bộ đội và du kích ta đóng.

Ngoài ra, cụ Líu cũng khẳng định: Căn cứ vào gia phả dòng họ mình còn để lại thì trước kia gốc gác của dòng họ cụ là họ Đinh ở vùng Cao Phong (Hòa Bình). Nhưng sau đó, anh em quan lang tranh giành ngôi vị nên đánh giết lẫn nhau. Một người trong số các anh em quan lang đã cùng vợ con và tùy tùng bỏ chạy khỏi cuộc tranh giành. Khi đến nơi này thấy địa thế thuận lợi bèn dừng lại và lập bản làng, khai hoang. Để tránh bị truy đuổi và trả thù, vị quan lang trên đã đổi từ họ Đinh ra họ Nguyễn.

“Tính theo gia phả để lại thì đến đời tôi đã là 13 đời kể từ khi loạn lạc phải bỏ chạy và đổi họ. Họ Nguyễn chúng tôi ở đây cũng đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm, liên hệ với họ hàng gốc tích là họ Đinh ở trong huyện Cao Phong nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Có lẽ do thời gian quá lâu rồi. Còn ngôi thành này có phải do vị quan lang xưa xây dựng hay không thì tôi không rõ”, cụ Líu cho biết.

C.M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm