Nhà ở xã hội: Bao giờ phổ cập?

11/09/2009 09:01 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Gần đây, các dự án xây dựng nhà ở xã hội có dấu hiệu “chững lại” so với thời điểm Chính phủ ban hành nghị quyết về nhà ở xã hội tháng 4/2009. Theo các chuyên gia, 6 tháng chưa phải là một thời gian dài trong quá trình thực hiện một mục tiêu lớn của Chính phủ, nhưng nó cũng đủ để bộc lộ những vấn đề cần bổ sung.

Vấn đề người dân quan tâm nhất lúc này là: “Bao giờ nhà ở xã hội được phổ cập?”

Cần thêm cơ chế

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, vấn đề nhà ở cho người lao động luôn là vấn đề chiến lược lâu dài đối với bất kì quốc gia nào. Trước hết phải nhìn nhận từ nguyên nhân lịch sử. Thời bao cấp, Nhà nước bao cấp hoàn toàn nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, dưới dạng Nhà nước cho thuê hoặc cơ quan phân phối. Đến thời điểm năm 1994 khi Chính phủ ban hành Nghị định 61/CP chuyển từ cơ chế Nhà nước bao cấp về nhà ở sang cơ chế kinh doanh nhà ở trên thị trường. Cách chuyển đổi đột ngột đã làm cho việc giải quyết nhà ở xã hội cho người lao động không đáp ứng kịp nhu cầu thực tế.

Nhà ở xã hội vẫn là mơ ước đối với nhiều người dân


Trong cơ chế thị trường, các nhà đầu tư bất động sản chủ yếu tập trung vào khu vực nhà ở giá cao với mục đích tìm kiếm được nhiêu lợi nhuận hơn. Vì thế, nguồn cung của khu vực nhà ở bình dân cho người lao động thu nhập thấp ngày càng thiếu trầm trọng.

Theo Nghị quyết Nhà ở xã hội của Chính phủ, trong hai năm 2009-2010 sẽ xây 200.000 căn nhà thí điểm tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành theo quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thủ tướng đã cho phép phát hành 8.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ sẽ thực hiện xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở cùng tham gia đầu tư dự án. Các doanh nghiệp này sẽ được nhiều ưu đãi về lãi suất vay, về giao đất, được miễn tới 50% thuế so với các dự án khác...

Hưởng nhiều ưu đãi lớn về đầu tư xây dựng nhưng chỉ qua 6 tháng thực hiện bước đầu, trên thực tế nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn được triển khai chậm do nhiều vấn đề phát sinh. Ông Đỗ Xuân Anh - GĐ Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết: Năm 2009 Hà Nội mới khởi công xây dựng 800 căn hộ nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Ông Đỗ Xuân Anh thừa nhận, đến nay kết quả phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ công nhân viên, người thu nhập thấp mới chỉ dừng ở mức độ các mô hình thí điểm, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân. Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Nghị quyết Nhà ở xã hội tháng 4/2009 là chủ trương chung, chưa phải là quy phạm pháp luật nên các chủ đầu tư còn gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có những hướng dẫn cụ thể”.

Các thành phố vẫn chưa dành riêng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội mà vẫn được lấy từ quỹ đất 20% của các khu đô thị mới. Chính điều này sẽ dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề như phải thay đổi quy hoạch của khu đô thị, từ đó sẽ làm cho chủ đầu tư gặp khó khăn khi thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án với hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án khu đô thị lớn. Việc quy định các chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất của khu đô thị mới để xây nhà ở xã hội sẽ dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn chỉ định nhà thầu để xây dựng dự án vì chủ đầu tư khu đô thị và chủ đầu tư quỹ đất 20% là hai đơn vị khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng khống chế mức lãi 10%, để đảm bảo giá đúng tính chất nhà ở xã hội là chỉ phù hợp với bối cảnh trước khủng hoảng kinh tế và “không an toàn” trong bối cảnh hiện nay, do thời gian thu hồi vốn trong các dự án nhà ở xã hội ít nhất cũng phải từ 15 - 20 năm, thậm chí lâu hơn. Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp lo ngại không biết sẽ gặp khó khăn gì khi thời gian hỗ trợ vốn của nhà nước kết thúc.

Khởi công Dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng – Hà Nội


Nên tăng cường cho thuê

Theo TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội, việc phổ cập nhà ở xã hội hiện nay còn trở ngại lớn nhất là giá thành. Giá nhà phải được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với chính sách phân phối thu nhập, tiền lương và việc làm. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, giá bán nhà ở xã hội tối đa cho người dân là 6 triệu đồng/m2. Trong khi đó, thu nhập bình quân theo đầu người ở Hà Nội hiện khoảng 10 -15 triệu đồng/năm, trong khi giá nhà ở trung bình thấp nhất hiện cũng khoảng 300 triệu đồng/căn với diện tích khoảng 50m2. Như vậy, giá nhà ở Hà Nội bằng khoảng 30 năm thu nhập bình quân theo đầu người (với điều kiện người dân chỉ để dành tiền, không tiêu dùng). Việc mua nhà ở xã hội như vậy là điều không tưởng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong lúc nhiều người dân chưa đủ điều kiện sở hữu nhà ở xã hội, Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp tăng cường xây dựng cho thuê loại hình nhà này. KTS Ngô Huy Giao nhận định, nhà cho thuê không chỉ góp phần giải quyết nạn thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp mà còn tham gia điều tiết giá nhà ở. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở, cần xây dựng nhà ở cho thuê với giá cả chấp nhận được với người lao động hiện nay, giá thuê 1 năm nên vào khoảng 1/40  giá thành nhà, vừa đảm bảo có lãi cho doanh nghiệp, vừa giải quyết nhu cầu của người dân.

Việc hình thành thị trường nhà cho thuê là biện pháp cực kỳ quan trọng để tiến tới bình ổn “hạ nhiệt” giá nhà đất, hướng tới các đối tượng có thu nhập trung bình trong xã hội cũng có thể tiến tới sở hữu nhà. Đây là kinh nghiệm mà nhiều nước đã làm thành công.

Tử Yến – Thu Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm