Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn: 'Đạo hiếu luật' là lối thoát của an sinh xã hội

16/07/2013 14:08 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đến hôm nay, trên nhiều phương tiện truyền thông vẫn còn tranh luận đầy mâu thuẫn về việc Trung Quốc mới đây đã ban hành Luật Đạo hiếu. Bằng cái nhìn của một nhà nghiên cứu văn hoá, Nguyễn Tiến Văn lần giở lại nguồn cội văn hóa và thiết chế xã hội của đạo luật này.

“Đạo hiếu là viên đá tảng để khởi đầu cho việc tái thiết học thuyết Khổng Tử. Xây dựng viên đá tảng này là để xác định bản sắc của văn minh văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, nước này đang triển khai một đại sách lược để đưa 250 triệu dân nông thôn ra thành thị để biến cải nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, với hi vọng sau 20 năm sẽ bước lên địa vị số 1 thế giới”, Nguyễn Tiến Văn mở đầu câu chuyện.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn

* Nhìn từ khía cạnh văn hóa, theo ông Luật Đạo hiếu có bắt nguồn từ các quan niệm xa xưa hay không?

- Theo tôi nghĩ, Đạo hiếu luật ra ngày 1/7 xét về cội nguồn có thể tiếp nối di sản “trung hiếu tiết nghĩa” của Trung Quốc từ hơn 2.000 năm nay, nếu tính từ thời Khổng Tử là người khởi đầu việc mở trường tư thục.

Đạo hiếu bắt nguồn từ Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ và nhất là từ lời của Khổng Tử cho người học trò nổi tiếng về phụng dưỡng là Tăng Sâm. Tuy nhiên, văn bản Hiếu kinh gồm 1.799 chữ, chia ra 18 thiên, là do các nhà hậu học khoảng 200 năm về sau soạn ra. Sách này đến năm 743, đời Đường, được chính Huyền Tông (Đường Minh Hoàng)“ngự chế” (chú giải). Sau, Chu Hi (1130-1200) đời Tống càng tôn sùng, nên san định và chú giải thêm để dùng làm sách giáo khoa khắp thiên hạ.

* Qua thời gian nó vẫn như vậy?

- Trong 25 thế kỷ đạo Nho như một triết lý và một lối sống, thì đã có khác biệt và khoảng cách với hệ thống tư tưởng dùng trong việc cai trị và bành trướng thế lực văn hóa của đế quốc, bắt đầu từ triều đại Hán Cao Tổ (Lưu Bang).

Người hệ thống hóa Nho học thành giáo điều gò bó và phản dân chủ là Đổng Trọng Thư (179 TCN - 117 TCN), với sách lược “bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học”. Từ đó trở đi, lịch sử ghi nhận mọi thời kỳ, mọi triều đại đều có những thịnh suy của Nho học do mâu thuẫn xung đột giữa nỗ lực hướng về chân lý, tự do, dân chủ, nhân bản của trí thức về nhân dân với mưu toan kiềm chế để củng cố quyền lực và đàn áp xã hội của triều đình phong kiến.

Trong chương Khai tông minh nghĩa, Hiếu kinh viết: Hiếu là gốc của đạo đức vậy. Hiếu, bắt đầu là thờ cha mẹ, sau là thờ vua, cuối cùng là lập thân. Do kinh này dạy thần dần làm điều “hiếu”, từ đó mà khuyên dạy “lòng trung”, còn việc lập thân xếp xuống cuối cùng, cho nên, được giới thống trị coi trọng hàng đầu, từ đời Đông Hán đã được xếp vào loại kinh bắt buộc sĩ tử phải học.

* Khách quan nhận xét, những sách như Hiếu kinh, Thập nhị tứ hiếu… có gì hay? Có gì hạn chế?

- Tích cực là giúp củng cố không những gia đình hạt nhân mà còn cả chế độ đại gia đình trong một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và tự cung tự cấp. Nơi mà xã hội không có chính sách phúc lợi cho toàn thể người dân và an sinh về thất nghiệp, y tế, dưỡng lão, bảo hiểm… Khi đó, con cái là nguồn lao động cho gia đình, là sự bảo hiểm cho cha mẹ lúc tuổi già. Tất cả tạo ra một hình ảnh thắm thiết về tình người, trong một cộng đồng xã thôn nghèo khó nhưng ổn định về tâm tư, nơi cá nhân không được xác định như là giá trị trước những thiết chế to hơn là nhà, làng và nước.

Chất gắn bó của những tổ chức này này là gia phong (nếp nhà), hương ước (lệ làng) và quốc pháp (phép nước). Tất cả đều xây dựng trên hòn đá tảng là chữ hiếu, tức là sự vâng lời từ lúc bé dại (Dạy con từ thuở còn thơ/ Dạy vợ tức lúc bơ vơ mới về). Đây là sự cưỡng chế - vừa bằng sức mạnh của người lớn, ưu thế của hiểu biết và kinh nghiệm, vừa bằng tình cảm của máu mủ, thân thiết - nên thường dễ in dấu và hiệu quả cho đến tuổi trưởng thành, thậm chí suốt đời đối với nhiều người.

Mặt tiêu cực là bẻ gãy sự tự chủ và độc lập cá nhân, đề cao truyền thống và cội rễ, nên hạn chế cách tân, sáng tạo, phiêu lưu, khám phá… Bảo thủ quá khứ khiến tương lai bị hạn chế. Đặc biệt, Nhị thập tứ hiếu diễn ca chỉ lặp lại sự tôn sùng và cường điệu chữ hiếu một cách mù quáng, phản khoa học. Ở đây coi con cái như vật sở hữu của cha mẹ (nhất là của người cha trong chế độ phụ quyền, trọng nam khinh nữ), biến đứa con thành nô lệ, không có quyền sở hữu trên chính thân thể của mình. Người con chỉ biết hi sinh bản ngã để phục vụ, ngay cả những sở thích thất thường của chủ nó, là phụ huynh.


* Trong truyện nêu gương Nhị thập tứ hiếu, theo anh số truyện về ứng xử không lành mạnh là bao nhiêu?

- Nếu phân tích 24 gương hiếu trong tác phẩm vừa kể - đều lấy trong sử Trung Quốc, và Lý Văn Phức cũng là người gốc Minh Hương - chúng ta thấy có khoảng 8 truyện dựa vào những yếu tố huyễn hoặc, phi lý, đậm màu sắc thần bí và mê tín (như các truyện số 5, 9, 16, 17, 18, 19, 20 và 21). Cực đoan và phi nhân nhất là truyện số 9, khi hai vợ chồng toan chôn sống đứa con bẻ bỏng để lo nuôi mẹ già, nhưng khi đào đất chôn con thì tìm được hũ vàng.

Tất nhiên những truyện này dựa vào triết lý “thiên nhân tương ứng/ vạn vật đồng nhất thể”, nên yếu tố huyền thoại và huyền ảo là bình thường, nó có sức hấp dẫn với tuổi mới lớn. Thế nhưng, việc đưa những truyện này thành kinh sử và sắp xếp theo biên niên từ đời huyền sử Nghiêu, Thuấn cho đến đời Đường, Tống, rồi nhồi sọ cho lớp trẻ, trước khi chúng hình thành trí phán đoán, là có tác hại dài lâu. Điều đáng trách nhất: luận lý được giảng theo cách tuyệt đối áp đặt một chiều, chỉ nói đến bổn phận của con cái, mà không đề cập đến nghĩa vụ của cha mẹ. Ngay cả trong những trường hợp cha mẹ ác độc hay phi lý thì con cái cũng chỉ biết vâng lời. Đây là khiếm khuyết nặng về tính nhân bản và tính dân chủ.

“Chữ hiếu nguyên gốc chiết tự ra là chữ “lão” (người già), kết hợp với chữ “tử” (con trai). Hiểu có 3 nghĩa căn bản: 1) đối xử tốt với cha mẹ; 2) noi theo chí hướng của tổ tiên; và 3) giữ tang lễ cho đúng cách”.

* Ông nghĩ vì sao mà Luật Đạo hiếu lại được Trung Quốc ban hành lúc này?

- Không kể những thăng trầm trong lịch sử, riêng thế kỷ 20, Khổng Tử và Nho giáo đã 2 lần bị bài xích, đả phá triệt để, rồi cũng 2 lần được khôi phục, đề cao tại Trung Quốc. Tất cả đều vì những nguyên nhân chính trị.

Về sách lược văn hóa, Trung Quốc cần một biểu tượng để đoàn kết dân tộc và xuất khẩu văn minh ra thế giới, sau khi bình thường ngoại giao với Mỹ vào năm 1978, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, và Liên Xô tan rã năm 1991. Từ năm 2000, Trung Quốc tích cực vận động thành lập các trung tâm và/hoặc hội nghiên cứu Khổng học, đầu tiên ở Đông Nam Á, nơi Hoa kiều rất đông (hơn 75 triệu người) và rất có thế lực về kinh tế, xã hội. Sau đó là các nước Tây phương qua chính sách giao lưu văn hóa đa dạng, song song với mậu dịch và ngoại giao toàn cầu trong vị thế của nước đứng nhì về kinh tế.

Đạo hiếu luật vừa lo chấn chỉnh đạo đức xã hội bị xói mòn, vừa chuẩn bị cho gánh nặng an sinh xã hội. Bởi một thế hệ nữa là Trung Quốc bước vào chu kỳ lão hóa dân số, thật khó lo nổi phúc lợi cho hàng mấy trăm triệu người già hết sức và hết tuổi lao động.

VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm