Nhà khảo cổ Nhật Bản Nishimura Masanari: 'Người Kim Lan' về đất Kim Lan

14/06/2013 08:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Không trống chiêng cờ xí, đoàn người lặng lẽ theo chiếc quan tài giữa cánh đồng nắng gắt. Với dân làng Kim Lan, đó là một cuộc tiễn đưa người con của làng. Còn với giới khảo cổ học, thì Nishimura là người đồng nghiệp tài năng, người đã tìm ra khuôn đúc trống đồng, khuôn đúc tên đồng…, cùng những phát hiện mang tính bước ngoặt cho khảo cổ Việt.

Đám tang của TS khảo cổ Nhật Bản Nishimura Masanari hôm qua (13/6) đã diễn ra xúc động tại xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội).

Người "đánh thức" đất Kim Lan

"Tôi gặp Nishimura vào tháng 4/2000. Khi ấy, anh đến cùng chị Noriko (sau này là vợ anh) khi nghe tin về di chỉ Hàm Rồng trên địa bàn xã. Tôi thích thú và quý mến anh bởi sự nhiệt tình. Ngay sau khi quen biết, anh qua lại đây thường xuyên để nghiên cứu về di chỉ cũng như các hiện vật tôi tìm được"- Ông Nguyễn Việt Hồng, người hiện giữ khoảng hơn 2.000 cổ vật ở Kim Lan chia sẻ với TT&VH.

Người dân Kim Lan cầu nguyện cho "ông Nhật" trong lễ tang

Liền sau đó, năm 2001, Nishimura Masanari đã cùng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội khai quật di tích Kim Lan. Trong các hố thám sát đã tìm được nhiều mảnh gốm sứ tinh xảo gồm: gốm sứ Long Tuyền, Việt Châu cùng nhĩ bôi (chén có tai) từ thế kỷ 11, đĩa men lam đường kính 45cm, lòng đĩa vẽ phượng. Đây là những phát hiện quý giá để sau đó, với nhiều nghiên cứu khác, Nishimura đã khiến cả làng gốm Kim Lan sôi động trở lại.

Theo ông Hồng, Nishimura lúc đầu đến làng để nghiên cứu khảo cổ. Nhưng sau Nishimura say mê luôn cả cảnh sắc và con người nơi đây. Ông Hồng kể: "Lần gần đây nhất tôi gặp anh là vào khoảng tháng Giêng. Khi ấy chúng tôi cùng uống rượu quê như những người cùng làng vẫn ngồi với nhau. Và Nishimura ngây ngất tới tận 4 giờ sáng hôm sau mới về".

Còn ông Nguyễn Văn Khoan (90 tuổi), người đầu tiên của làng lên thắp hương tiễn biệt Nishimura thì không thể quên con đường bê tông dài 700m do vợ chồng TS Nishimura đã vận động Đại sứ quán Nhật Bản xây dựng.

"Tôi nhớ mãi hình ảnh Nihsimura đứng trước bà con dân làng, say mê nói về cái bảo tàng khảo cổ cộng đồng lúc mới xây xong. Và không lâu sau, rất nhiều người làng đã tự mang cổ vật hiến tặng. Với chúng tôi, cái "anh Nhật" ấy, từ lâu đã là người làng. Và con người đã từng "đánh thức" từng thớ đất của làng ấy nay được an nghỉ nơi đất làng cũng là điều ý nghĩa"- Ông Khoan bồi hồi nhớ lại, đôi mắt rưng rưng.

TS Nishimura không bỏ sót bất cứ điểm nóng nào của khảo cổ Việt Nam (ảnh do Viện Khảo cổ Việt Nam cung cấp)

Mất mát cho khảo cổ Việt Nam

Không chỉ đóng góp riêng cho Kim Lan, Nishimura vẫn được giới khảo cổ ấn tượng khi đi điền dã tại tất cả các "điểm nóng" của khảo cổ Việt. Đặc biệt, anh đã tìm ra khuôn đúc trống đồng để chứng minh rõ nguồn gốc trống đồng của Việt Nam. Đồng thời, anh cũng có những phát hiện trong việc tìm ra khuôn đúc mũi tên đồng thời An Dương Vương. Đây cũng là luận cứ đanh thép để chứng minh tên đồng được chế tạo tại Việt Nam chứ không phải vận chuyển từ nơi khác đến. Ngoài ra, di tích Thành nhà Hồ, di chỉ 18 Hoàng Diệu... cũng ghi nhiều dấu ấn của Nishimura.

"Tới đây chúng tôi sẽ tổng hợp các công trình của TS Nishimura về khảo cổ học Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Qua khối lượng đồ sộ và chất lượng đó, chúng tôi muốn cho giới trẻ thấy rằng: một người nước ngoài say mê lịch sử Việt, thích thú tìm tòi và quảng bá cho lịch sử Việt đến vậy hà cớ gì các bạn ngó lơ?" - TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ

Nhớ về Nishimura, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, phụ trách bộ môn khảo cổ học và Bảo tàng Nhân học - Đại học KHXH& NV Hà Nội chia sẻ: Nishimura khá giống người Việt với điệu cười khà khà đặc trưng. Tiếng Việt của em cũng dung dị, dễ nghe, dễ cảm. 

Theo bà Dung, khi mất, ai cũng nghĩ tới công lao, song với cô, điều đọng lại lớn nhất từ Nishimura là "lửa nghề". Không ai bắt Nishimura phải làm thế song Nishimura tình nguyện gắn bó với Việt Nam và khảo cổ Việt Nam bằng tất cả nhiệt tâm.

 PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ: "Nishimura không nề hà bất cứ khó khăn nào để đem về những thành tựu cho khảo cổ Việt Nam. Và chính sự chân thành, sự tận tụy với mảnh đất Việt Nam đã khiến gia đình em quyết định để em nằm lại đất này".

"Nishimura đã thổi vào khảo cổ học Việt Nam một tinh thần làm việc nghiêm cẩn, trách nhiệm và phương pháp làm việc chuyên nghiệp.  Và với chúng tôi, sự ra đi của Nishimura để lại rất nhiều khoảng trống khó có thể khỏa lấp" - bà Dung ngậm ngùi.

Còn PGS.TS Nguyễn Lân Cường lại nhớ về một kỷ niệm khác: Cách đây 10 năm tôi sang Tokyo, anh Nishimura ra sân bay đón và đưa về nhà anh. Khi nói chuyện, anh có cho hay: khảo cổ học Việt Nam rất hay và có rất nhiều điều cần phải nghiên cứu, làm rõ. Và suốt cả thập kỷ đó tới khi đột ngột qua đời, anh vẫn không một phút ngừng nghỉ"

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, ngoài kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khoa học xã hội", TS Nishimura xứng đáng được dựng tượng để ghi nhận những gì anh đã đóng góp cho Việt Nam.

TS Nishimura Masanari (1965-2013), quốc tịch Nhật Bản.

Ông mất trong một vụ tai nạn giao thông tại QL 5 Hà Nội ngày 9/6/2013.

Ông là nghiên cứu viên ĐH Kansai, ĐH Osaka, hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Viện Nam. Ông cũng là Ủy viên điều hành Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương IPPA, sáng lập Quỹ Di sản văn hóa Đông Nam Á, sáng lập Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng tại làng Kim Lan (Hà Nội).

TS Nishimura Masanari vừa được tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khoa học xã hội" của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam..

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm