Người phi công hạ nhiều máy bay giặc nhất

27/07/2011 11:09 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh liệt sĩ, ngày 25/7, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và người có công với cách mạng, trong đó có AHLLVT Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, người phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất Việt Nam.

Tôi may mắn có mặt trong chuyến thăm và ghi lại câu chuyện về người phi công huyền thoại. Khi mới 25 tuổi, phi công Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi được 9 máy bay Mỹ, được tặng 9 huy hiệu Bác Hồ.

Cách đánh không hề có trong trường học

Nguyễn Văn Cốc quê ở xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Năm 1961 ông nhập ngũ và được huấn luyện tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Cuối năm đó, ông sang Liên Xô học, ông là 1 trong 17 người học lái máy bay MiG - 17. Về nước không lâu ông lại được chọn để đi học chuyên loại máy bay MiG- 21 ở Liên Xô một năm, rồi lại về đơn vị thuộc Đoàn Không quân Sao Đỏ để chiến đấu.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Trung tướng Phương Minh Hòa - Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (bìa trái) - thăm hỏi Trung tướng Nguyễn Văn Cốc (bìa phải) tại nhà riêng

Năm 1967 đã đi sâu vào ký ức và sự nghiệp của ông như một mốc son: ông bắn rơi 6 chiếc máy bay trong năm này, trong đó có những trận đã đi vào lịch sử của không quân Việt Nam. Gần 9 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1967, có tin địch từ hướng Sầm Nưa - Tuyên Quang - Tam Đảo vào, biên đội của Nguyễn Văn Cốc được lệnh cất cánh chiến đấu. Hai chiếc MiG-21 bay vút lên vùng trời Hòa Bình, Sơn La bám đuôi địch. Phi công Nguyễn Ngọc Độ ở vị trí số 1, Nguyễn Văn Cốc ở vị trí số 2 bay lên độ cao 4.000m, cao hơn máy bay địch 1.000 m. Chẳng mấy chốc đã phát hiện 4 chiếc F105 màu đen bay theo hình thang cách nhau từ 1,5 - 2 km phía dưới, phía sau là các tốp cường kích có nhiệm vụ oanh tạc mục tiêu.

Sau khi quan sát địch từ phía trên, phi công Nguyễn Ngọc Độ hạ lệnh “công kích” và ra lệnh cho Nguyễn Văn Cốc tụt lại phía sau để quan sát. Ông vừa quan sát địch vừa theo dõi số 1 tăng lực vào công kích. Khi quả tên lửa từ máy bay của người đồng đội phụt ra hạ một máy bay địch, tranh thủ lúc địch chưa phát hiện, ngay lập tức ông cũng rút ngắn cự ly vào công kích. Khi cự ly còn khoảng 2km, phi công Nguyễn Ngọc Độ hô “tốt rồi đấy, bắn đi”. Đúng lúc đó thì tên lửa ở máy bay ông cũng cho tín hiệu bắt nhiệt, Nguyễn Văn Cốc nhấn cò, quả tên lửa phụt đi, trong tích tắc ông thấy chiếc F105 bùng cháy cùng tiếng reo của biên đội trưởng “cháy rồi”. Cả hai nhanh chóng thoát ly, tập hợp đội hình và trở về sân bay.

Đó là trận đầu tiên mở màn cho những trận đánh lập công của Nguyễn Văn Cốc trong năm đó. Ông cũng là người lập công nhiều nhất ở vị trí số 2, làm thay đổi cách đánh của không quân ta khi đó. Trên nguyên tắc chiến thuật, số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát địch giúp cho số 1 vào công kích, nhưng Nguyễn Văn Cốc không những đã làm tốt điều này mà còn cùng tham gia tiêu diệt địch, vì thế hiệu suất của trận đánh rất cao, có trận hạ được tới 3 máy bay Mỹ. Để đạt được điều đó phải cực nhanh để chớp được thời cơ nhưng đồng thời cũng phải thật chắc chắn, vì thế mọi người đã đặt cho ông biệt danh “chim cắt”.

Trong thành tích bắn rơi 9 máy bay Mỹ có tới 6 chiếc được ông bắn hạ ở vị trí số 2. Cách đánh của ông không hề được dạy trong nhà trường.

Kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời ông là lần được gặp Bác Hồ. Năm 1969, Hồ Chủ tịch đã xuống dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua của Quân chủng Phòng không Không quân. Được nghe báo cáo thành tích của phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 máy bay Mỹ, Bác Hồ liền gọi Nguyễn Văn Cốc lên ôm hôn và nói vui: “Năm nay Bác mong muốn có nhiều “Cốc” hơn nữa!”.

Và bức ảnh người phi công trẻ nắm tay Bác đã trở thành kỷ vật vô giá với ông, năm đó ông 27 tuổi. Ngày 18/6/1969, Đại úy Nguyễn Văn Cốc - Phi công phản lực Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 - đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phi công Nguyễn Văn Cốc (giữa) chụp ảnh cùng đồng đội

Nghị lực phi thường chống lại bệnh tật

Ông bị liệt toàn thân từ 8 năm về trước, nhờ nghị lực, sự tập luyện phi thường trong quá trình điều trị, nay ông đã có thể ngồi tiếp chuyện mọi người, các ngón tay đã bắt đầu cử động được.

Trong ngôi nhà ấm cúng nằm trong ngõ nhỏ phố Thái Hà, ông chậm rãi kể về những kỷ niệm của mình.

Sau câu chuyện, sau những lời thăm hỏi, đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh hỏi ông: Anh có muốn đề đạt nguyện vọng gì không? Trung tướng Nguyễn Văn Cốc trả lời: “Tôi rất biết ơn Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đặc biệt là cá nhân đồng chí Bộ trưởng. Các đồng chí đã dành cho tôi sự quan tâm lớn trong quãng thời gian chiến đấu với bệnh tật suốt 8 năm qua. Chính nhờ sự quan tâm ấy tôi mới vượt qua được những thử thách nghiệt ngã của bệnh tật”.

Ông cũng là trường hợp đặc biệt của cơ quan Bộ Quốc phòng khi ở tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi nhưng vẫn chưa được nghỉ hưu. Bởi vì, trước khi bị bại liệt, ông đang là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Ông nói vui với đồng chí Bộ trưởng: “Nhiều khi tôi cứ muốn được nghỉ hưu, chuyển về sinh hoạt Đảng với anh em ở phường cho gần nhà”.

Đồng chí Bộ trưởng ân cần nói: “Tôi sẽ ký quyết định nghỉ hưu cho anh khi nào bệnh tình của anh khỏi hẳn. Thời gian qua, anh đã chứng tỏ mình không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn anh hùng trong việc khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đời thường. Nó là minh chứng về phẩm chất cao đẹp của người Bộ đội Cụ Hồ”.

Nguyễn Thành Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm