Người mẹ hiền đông con không phải mình sinh ra

08/03/2011 09:24 GMT+7 | Thế giới

Phóng viên đến chùa Bồ Đề vào ngày Chủ nhật sát ngày 8/3 để gặp một người mẹ có tấm lòng bao la dành cho những đứa con không phải do mình sinh ra.  


Sư thầy Đàm Lan đang nói chuyện cùng các em nhỏ và khách đến thăm trẻ mồ côi, cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề. (Ảnh: Nguyễn Anh/ Vietnam+)

Chùa Bồ Đề nằm bên bờ sông Hồng thuộc phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội. Trụ trì chùa Bồ Đề là sư thầy Thích Đàm Lan, tới tu hành khi còn là một cô gái trẻ.

Từ một đêm mưa năm 1989, sư thầy Thích Đàm Lan - sư trụ trì chùa Bồ Đề - bị đánh thức bởi tiếng khóc trẻ sơ sinh ở cổng chùa. Kiều Thu Hường là em bé bị bỏ rơi ngày đó được sư thầy mang về nuôi nấng bằng tình yêu của người mẹ dành cho đứa con đầu tiên.

Thấm thoắt đã hơn 20 năm. Và giờ đây, các thế hệ trẻ lớn lên tiếp nối đã coi nhau như anh em một nhà, dù sau này có đi đâu cũng nhớ đến ngôi chùa đã từng cưu mang các em. Theo sư thầy Đàm Lan: “Lời Phật dạy vẫn luôn đau đáu trong lòng bà, làm sao cho cuộc đời bớt nỗi đau thương.”

Chúng tôi nhìn những đứa trẻ đang được nuôi tại đây mà thấy chúng tuy thiệt thòi vì không có mẹ cha ở bên nhưng chúng có được một "người mẹ" giàu lòng nhân ái như sư thầy Thích Đàm Lan.

Sư thầy Đàm Lan tâm sự với chúng tôi: “Để có tiền nuôi các cháu có lúc tôi phải đem bán từng nắm hương thơm hoặc ngược xuôi đi xin sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm xa gần để có thêm tiền trang trải bởi các cháu ngày càng đông.”

Tính đến ngày 7/3/ 2011, trong chùa có 60 em đang nương náu, nhỏ nhất chỉ gần một tuổi, em lớn nhất đang học lớp 12. Hầu hết các em đều bị người thân bỏ lại hoặc lang thang, vạ vật đói khát ở một nơi nào đó được tìm thấy đem đến gửi chùa.

Sư thầy cho biết thêm, tại chùa còn có những người phụ nữ đơn thân, cơ nhỡ, những người vợ bị chồng đánh đập không sống nổi đã tìm đến tự nguyện xin ở lại chùa để chăm các cháu.

Và họ đã sống chan hòa, đùm bọc nhau trong một ngôi nhà lớn, với sự quán xuyến tận tụy của sư thầy Thích Đàm Lan.

Chùa còn nuôi dưỡng hơn 10 người già neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa. Để có đủ tiền nuôi dưỡng các em và các cụ già, thầy Lan đã bao lần vất vả đi xin các khoản từ thiện từ các nhà hảo tâm.

Thầy Đàm Lan kể rằng: “Hiện nay, có 30 người phụ nữ như vậy. Mỗi chị sẽ chịu trách nhiệm trông hai cháu.” Khi đến tuổi đi học các em đều được sư thầy cho đi học ở các trường quanh quận Long Biên.

Sư thầy Đàm Lan chia sẻ: "Hiện mỗi cháu chỉ có suất ăn 500.000 đồng/tháng. Chỉ cố cho các con ăn no chứ không thể ăn ngon, toàn ăn rau cũng khó khăn. Nhà chùa vẫn phải lo trả lương tiêu thêm cho 'các mẹ”' và những người chăm sóc người già, 60 trẻ số tiền 34 triệu đồng/tháng. Để có tiền lo cho các cháu với đủ khoản như sữa, tiền ăn, tiền mua quần áo, tiền đóng học phí..., nhà chùa phải tính toán rất kỹ.”

Chùa Bồ Đề thường đông hơn vào thứ Bảy, Chủ nhật. Đến đây không chỉ có những Phật tử đi lễ chùa, mà còn có nhiều học sinh đến từ các trường khác nhau. Chúng tôi gặp ở đây đoàn giáo viên, học sinh và phụ huynh của lớp 1A1 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Các vị khách đã mang đến đây bảng viết, phấn, bút, sách vở, quần áo để tặng các anh chị, các bạn thiếu may mắn. Ai có mặt cũng phải cay mắt khi thấy các em nhỏ ân cần trao quà cho bạn không may mắn.

Thấy các cháu nhà chùa nuôi khá nghịch ngợm. Nhiều cháu vẫn chưa mất đi sự tự do, thiếu uốn nắn nên hẳn là các mẹ, các sư sãi và thầy Lan rất vất vả và có lúc chắc rất buồn... Khi phóng viên hỏi điều này, thầy Lan không nói gì, chỉ giới thiệu: “Cháu này vào đây được gần một năm, cháu kia nhà chùa mới đón về từ trại giam, mẹ cháu bị nghiện…”

Sư thầy Thích Đàm Lan có tấm lòng vàng nên cũng đã quy tụ được những tấm lòng vàng về nơi cửa Phật. Tại ngôi chùa này Đạo và Đời hòa quyện nhân ái, sâu xa không tách rời.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm