Người đàn ông thời tiết

09/07/2008 15:05 GMT+7 | Thế giới

Suốt 6 năm qua, anh Trần Văn Lưu ở thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc đã tự xây dựng đài báo bão cho những ngư dân ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Việc làm của anh đã giúp hàng nghìn ngư dân luôn nhận được tin báo bão kịp thời. Anh Lưu còn nổi tiểng là một “kỹ sư” sửa đồ điện và nghiên cứu khoa học.

Đài báo bão anh Lưu
 
Giữa trưa, trời Ngư Lộc nóng như đổ lửa nơi đây. Hỏi thăm về nhà anh Lưu, hàng chục ngư dân chỉ đường rất tận tình: “Nhà ông Lưu báo bão chứ gì? Chú cứ ngó lên trời thấy nhà nào có cái cần ăng ten nhọn hoắt là nhà ông Lưu đấy!”.
 
Hằng ngày anh lưu vẫn theo dõi sát
những diễn biến của thời tiết
Vượt qua con ngõ nhỏ quanh co, chúng tôi mới tìm được nhà anh Lưu. Trong căn nhà cấp bốn rộng khoảng 15m2 chứa đủ thứ nào ti vi, quạt điện... Mấy chiếc máy Icom kêu soàn soạt. Chỗ trang trọng nhất của căn nhà anh Lưu treo miếng bìa có ghi dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc những người bị thiệt mạng trong trận động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc và cơn bão Narit ở Myanma”.
 
Thiên tai tàn phá thật kinh khủng. Giá như họ có được sự dự báo sớm hơn thì mọi chuyện đã khác”. Lau những giọt mồ hôi lã chã trên trán, anh Lưu nói. Chính vì cái “giá như” đó mà suốt 10 năm qua, anh đã tự nghiên cứu rồi lắp chiếc máy Icom báo bão cho những ngư dân ở huyện Hậu Lộc.

Đồng hành cùng ngư dân.

Anh Lưu sinh năm 1963 và lớn lên ở Ngư Lộc. Mang tiếng là thanh niên miền biển, nhưng người anh lại mảnh khảnh, không vạm vỡ như những trai làng khác. Anh không nối nghiệp cha mà đi học nghề điện tử để kiếm sống.

Căn phòng của anh luôn chứa rất nhiều máy móc

Cơn áp thấp nhiệt đới năm 1996 đã cướp đi nhiều đàn ông của Ngư Lộc. Hậu quả là hàng trăm gia đình rơi vào cảnh con không cha, vợ mất chồng... Bố anh cũng là người may mắn thoát nạn sau cơn áp thấp trở về.

Lời bố nói ở bờ biển khi ấy đến giờ anh vẫn nhớ như in: “Xã mình chết nhiều người quá con à. Do thiếu thông tin nên các ngư dân mới gặp nạn”. Điều này đã tác động mạnh tới Lưu. Vốn sẵn nghề trong tay, Lưu tự lao vào nghiên cứu và lắp một chiếc máy Icom nhằm thông báo bão cho ngư dân. Suốt hàng năm ròng anh nghiên cứu, bắt chước chiếc micro điện tử không dây, anh làm đủ mọi cách nhưng đều thất bại.

Đã có lúc anh nản chí, nhưng lúc đó cảnh tang thương năm nào lại hiện về, nó lại thôi thúc anh làm việc. Cuối năm 1999, công sức của anh bỏ ra cuối cùng đã mang lại kết quả. Một chiếc máy Icom có băng tần nhỏ hoàn thành. Bán kính phát sóng của hệ thống này khoảng 5 km - từ bờ biển Ngư Lộc ra đến đảo Hòn Nẹ.
Anh lưu Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người
chứng nhận là người có khả năng đặc biệt

Hôm anh Lưu phát sóng điện đàm thành công, nhiều tàu của Ngư Lộc đánh bắt hải sản quanh đảo Hòn Nẹ thu được tín hiệu, bà con trên tàu vui mừng hét lớn: “Tuyệt vời quá! Từ nay chúng ta liên lạc được với đất liền bằng “đài anh Lưu” rồi!”.

Cũng từ đó, nhà anh Lưu luôn là nơi bà con ngư dân và thân nhân của họ ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa... gửi gắm niềm tin. Lúc thì chuyển thông tin từ các tàu, thuyền đang đánh bắt hải sản bị trục trặc máy, cần tàu bạn ứng cứu. Lúc thì báo tin bố mẹ của ngư dân nào đó bị ốm nặng. Lúc thì thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới... Tất cả đều được anh Lưu chuyển tải nhanh chóng, kịp thời.

 Tất cả những gì anh Lưu làm
là vì ngư dân
Vừa qua, anh Lưu mua được một hệ thống đài thông tin mới, tương đối hiện đại gồm: một máy Icom IC 710 (do Nhật Bản sản xuất) có công suất 150W, một bộ đàm, ăng ten cao 10m, cục nguồn, ắc quy, loa phóng thanh. Tổng số tiền đầu tư cho hệ thống đài này gần 30 triệu đồng do anh đi làm thuê và vợ anh phải bán hết đồ trang sức mới đủ.

Hiện đài thông tin của anh Lưu đã được Cục Tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Bưu chính - Viễn thông) cấp giấy phép hoạt động trên các tần số sau: 7903,0000 kHz; 7906,0000 kHz và 7960,0000 kHz. Các tàu, thuyền đánh cá ở khu vực Bạch Long Vĩ, đảo Cát Bà (Hải Phòng) đều có thể thu được tín hiệu từ đài thông tin của anh Lưu thông qua các tần số trên.

Đây là các tần số phục vụ công tác cứu nạn; Phòng, chống tội phạm trên biển; Thông tin giữa các tàu, thuyền; Chuyển tải bản tin dự báo thời tiết... mà các tàu, thuyền đánh cá của Thanh Hóa, Nam Định thường xuyên sử dụng.

Năm 2006, anh là nông dân duy nhất của cả nước được nhận Giải thưởng KOVA tặng cho những cá nhân tiêu biểu trong xã hội, (do Hãng sơn KOVA sáng lập và tài trợ).
 
Làm cái việc “thổi tù và” nghĩa là anh phải gắn bó ngày đêm với nó, kinh tế gia đình tất cả giờ chỉ trông vào ki-ốt nhỏ của vợ. Với phần thưởng 10 triệu đồng, lần đầu tiên đài anh “sinh tiền”, thế nhưng vừa nhận tiền anh lại mua sạch trơn các thiết bị cần thiết để tu sửa đài.

Việc làm của anh lưu rất quan trọng với những ngư dân xã
ngư lộc

Phục chế sách cổ bằng thảo dược.

Trong căn phòng chằng chéo những dây nhợ, nhưng anh Lưu tìm cái gì là thấy ngay. Chẳng là suốt chục năm qua, ngày nào anh cũng gắn bó với chúng. Công việc báo bão chỉ bận trong mùa mưa bão, thời gian còn lại anh sửa chữa điện tử để kiếm tiền nuôi gia đình.

Câu chuyện của anh Lưu bị ngắt quãng vì chiếc điện thoại của tôi hết pin kêu bim bíp. Tìm bảng điện nhà Lưu để cắm sạc pin, ổ phích để hở cả chân đồng khiến ai cắm cũng khiếp.

“Cứ cắm thoải mái đi. Điện nhà tôi không giật đâu”, anh Lưu bảo. “Bác nói sao chứ điện ở đâu chẳng giật?”, tôi vặn lại anh Lưu. Thay câu trả lời, anh sờ luôn vào chân dắc cắm, vậy mà anh chẳng sao: “Hệ thống điện nhà tôi đều không giật”.

Hóa ra, suốt những năm làm nghề anh Lưu đã nghiên cứu ra cách sờ vào điện nhưng không giật. Giỏi nghề nên cửa hàng của anh luôn đông khách đến sửa. Dường như anh chưa chịu “bó tay” trước trường hợp nào. Dân làng Chiến Thắng còn luôn tự hào là làng mình còn có một “kỹ sư” làng nghiên cứu khoa học.

Lưu là người rất say mê mày mò sáng tạo, anh không thể nhớ là mình đã chế ra bao nhiêu thứ “quái gở” như xe đạp gắn đèn neon, xe đạp gắn đài cassette... Anh còn nghiên cứu ra cả một công trình khoa học là Phục chế sách cổ bằng thảo dược.
 
Những cuốn sách quý được anh Lưu
phục chế bằng thảo dược
 
Cụ thân sinh ra anh vốn có nghề bốc thuốc Nam, nên để lại cho anh một kho sách cổ rất quý. Hiện anh có hơn 200 cuốn sách cổ, trong đó có rất nhiều cuốn có giá trị về y học, lịch sử, nhân văn... Đây được xem là kho sách cổ tư nhân lớn nhất Thanh Hóa. Bộ sách "Hải Thượng Lãn Ông toàn tập", "Đại pháp vi thư" và các cuốn "Thiền Sơn Linh Từ Quái", "Câu đối Việt Nam toàn tập", "Địa chí thế giới"... bằng tiếng Nôm đã và đang được anh Lưu cất giữ cẩn thận.

Anh tự mày mò học tiếng Hán rồi đọc sách phục vụ cho việc bốc thuốc. Kho sách của anh còn quý hơn cả vàng. Cơn bão số 7 năm 2005 làm đê biển Ngư Lộc bị vỡ, nước tràn vào nhà khiến kho sách bị vùi trong bùn và nước biển. Khi nước rút, kho sách bị mềm nhũn, động vào là hỏng ngay.

Buồn quá, anh Lưu đi lang thang dọc bờ biển để giải khuây. Trước thiên nhiên tàn khốc, khi nước rút được vài hôm anh đã thấy đám cỏ dại mọc lại. Anh mới sực tỉnh: Tại sao mình không dùng thảo dược để phục chế kho sách ở nhà? Thế là anh lao vào thử nghiệm đủ loại thảo dược khác nhau để cứu sách.

Không ngờ cách làm của anh rất hiệu quả, các loại thảo dược được anh cho vào nồi nước rồi nhúng sách vào đó. Kết quả là kho sách của anh trở lại nguyên vẹn. Công trình này của anh được sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đánh giá cao và anh được trao tặng giải thưởng Khoa học sáng tạo của tỉnh.

Theo PNVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm