20/10/2013 13:46 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - "Trong phiên họp lịch sử vào ngày 18/3/1975, tướng Giáp đã có quyết định chiến lược lớn cuối cùng trong sự nghiệp quân sự chói sáng của ông, khi ra lệnh tổ chức cuộc tấn công lớn trên toàn chiến trường miền Nam" - L. Pribbenow, cựu nhân viên CIA tại Đông Dương, nhận xét trong một bài viết có cái tên khá đặc biệt: Đợt tấn công chung cuộc của Bắc Việt: cách kết thúc ván có có một không hai (North Vietnam’s Final Offensive: strategic endgame nonparei).
Pribbenow ví von: "Giấy báo tử đến với chế độ VNCH vào ngày 30/4/1975. Nhưng, không nghi ngờ gì nữa, phát súng bắn gục họ đã được bắn ra bởi tướng Giáp từ ngày 18/3 trước đó". Còn, trong cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá, học giả B. Currey đưa ra một so sánh thú vị về cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1975: "Có nhà nghiên cứu gọi đó là sự "sao chép một chiến dịch theo kiểu Mỹ". Nhưng thực tế, không một đạo quân nào của Mỹ lại có thể dựa vào sự giúp đỡ của dân quân du kích và các cán bộ chính trị để tấn công theo cách ấy".
Quyết định độc đáo
Một số nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng trong bối cảnh viện trợ quân sự của Mỹ cho Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) giảm toàn diện sau năm 1973, bất kỳ một cuộc tấn công lớn nào từ miền Bắc cũng sẽ giành thắng lợi. Tuy nhiên, Pribbenow kịch liệt phản đối quan điểm này, đặc biệt là khi xét tới bối cảnh nguồn viện trợ quân sự cho miền Bắc cũng đang giảm mạnh ở thời điểm tương đương.
"Quân đội VNCH không phải là hổ giấy. Khi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về hậu cần và những lãnh đạo kém năng lực, họ vẫn là một đội quân giàu kinh nghiệm trận mạc và vẫn sở hữu một lượng thiết bị quân sự khổng lồ". Pribbenow viết. "Và, cứ cho rằng sự sụp đổ ấy là không thể tránh khỏi, thì kết cục có lẽ sẽ dai dẳng và đẫm máu hơn nhiều, nếu những người cộng sản chọn một kế hoạch tấn công khác." Theo tác giả này, điểm mấu chốt của chiến thắng 1975 nằm ở sự thành công của chiến dịch Tây Nguyên, "đòn tâm lý choáng váng và đầy bất ngờ mà tướng Giáp đã nện xuống Bộ tổng tham mưu của đối phương".
|
Những gì diễn ra tại Tây Nguyên trong nửa đầu tháng 3/1975 đã được ghi lại trong hàng trăm công trình nghiên cứu của VN - khi quân đội của tướng Giáp lần lượt chiếm Buôn Mê Thuột và Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn. Nhưng, với cái nhìn từ phía bên kia, bản thân Pribbenow cũng không tiếc lời khen ngợi "tướng Giáp và các cấp phó của ông".
"Sau này, một vị Đại tướng của VNCH cũng thừa nhận với tôi: ông nhìn thấy ở quyết định đó sự phản ánh học thuyết "tiếp cận gián tiếp", luôn đánh vào chỗ đối phương không ngờ tới của Liddell Hart (Nhà tư tưởng quân sự hiện đại của Anh – TT&VH). Đòn đánh ấy không nhằm vào chủ lực của VNCH, nhưng lại bắt trúng điểm chiến lược yếu nhất mà họ không có quyền để mất" Pribbenow viết. "Việc chiếm Buôn Mê Thuột cho phép quân đội VN lựa chọn bất kỳ nơi để làm mục tiêu tấn công tiếp theo – trong khi VNCH phải vắt óc phán đoán và tiếp tục phạm sai lầm".
Bộ binh và xe tăng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Ảnh tư liệu TTX
Đánh tan 10 vạn quân trong 3 ngày
Trong hồi ký Tổng hành dinh trongMùa xuân Đại thắng, tướng Giáp cũng ghi lại khá rõ cuộc tranh luận gay gắt với Trung tướng Lê Trọng Tấn – người luôn được ông tin cậy và đánh giá rất cao trong số những cộng sự của mình. Theo đó, Đại tướng yêu cầu tướng Tấn, (tư lệnh chiến dịch Quảng Nam – Đà Nẵng), phải tổ chức giải phóng Đà Nẵng trong vòng 3 ngày – trong khi vị Trung tướng này kiên quyết ý kiến phải đánh trong 5 ngày vì "không chuẩn bị kịp". Đại tướng ghi rõ: "Tôi nói, giọng có phần gay gắt: Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác, thì tôi ra lệnh: Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị ba ngày. Nếu chuẩn bị năm ngày, địch rút mất cả thì sao?"
"Anh em truyền miệng rằng sau đó Đại tướng còn nói: nếu anh Tấn vẫn muốn đánh 5 ngày thì chỉ có cách thay Tư lệnh". TS Vũ Tang Bồng kể vui. "Thực ra, tướng Tấn cũng có lý. Ông là người dùng binh rất cẩn thận, điềm tĩnh, trong khi Đà Nẵng thời điểm đó là thành phố quân sự lớn thứ 2 sau Sài Gòn và có tới 10 vạn quân dồn về. Nhưng, điều Đại tướng nhìn thấy là sự rối loạn, mất hẳn ý chí chiến đấu của quân đội VNCH".
Cũng cần nói thêm, theo một số ý tưởng ban đầu, quân đội VN sau khi giải phóng Buôn Mê Thuột sẽ khẩn trương tiến dọc Tây Nguyên, tận dụng khí thế để tấn công Sài Gòn rồi sau đó mới "giải quyết" các tỉnh đồng bằng Duyên hải. Nhưng, theo TS Bồng, quyết định mở mặt trận thứ 2 theo trục Huế - Đà Nẵng của tướng Giáp là một thay đổi cực kì quan trọng.
"Tại Huế và Đà Nẵng khi đó có những lực lượng rất lớn của VNCH, trong đó có cả những binh chủng đặc biệt như Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến. Nếu bỏ lỡ thời cơ, để họ kịp chuyển quân, co cụm về giữ Sài Gòn thì chiến dịch của chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều". TS Bồng nói. Thực tế, hoàn toàn trùng khớp với nhận định của tướng Giáp, khi chiến dịch giải phóng Đà Nẵng thành công chỉ sau 3 ngày.
Theo hồi ký Tổng hành dinh trongMùa xuân Đại thắng, khi tướng Tấn hoàn thành chiến dịch, Đại tướng nói vui: "Lẽ ra mình cho cậu 5 điểm (thang điểm Liên Xô), nhưng vì chuyện "3 ngày" nên chỉ cho 3 điểm thôi". Còn Pribbenow đánh giá: "Chiến dịch của VN dựa vào các kỹ năng đánh lừa, nghi binh gây bất ngờ, tiếp cận gián tiếp, đánh lần lượt từng cụm căn cứ - nói tóm lại, một chiến dịch rất trí tuệ. VN cuối cùng đã vươn tới một chiến dịch xứng tầm với một lực lượng quân đội chuyên nghiệp, hiện đại, thứ mà các nhà lãnh đạo cộng sản của họ đã nỗ lực rất lâu để xây dựng."
(còn tiếp)
Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất